Do chính sách lòng vòng

Do chính sách lòng vòng
TP - Ngày đầu tiên, Bộ GTVT triển khai trả tiền thay cho chủ phương tiện qua 2 trạm thu phí Bãi Cháy (Quảng Ninh) và Hoàng Mai (Nghệ An) phát sinh nhiều tình huống dở khóc, dở cười. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng này là do chính sách thiếu nhất quán, lòng vòng...

> Bộ GTVT trả phí cho từng xe qua trạm Hoàng Mai, Bãi Cháy
> Thu phí hoàn vốn dự án Hầm đường bộ Đèo Cả

Mỗi nơi thu một kiểu

Có mặt tại trạm thu phí cầu Bãi Cháy sáng 15/10, PV Tiền Phong ghi nhận: Trong các cabin kiểm soát, ngoài nhân viên của trạm thu phí thuộc Cty An Sinh (đơn vị mua quyền thu phí tại trạm Bãi Cháy và Hoàng Mai) còn có tổ giám sát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB). Một tổ thanh tra giao thông đứng phía ngoài hướng dẫn phương tiện. Ông Đặng Hùng, Phó GĐ Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, Sở phân công thêm 33 người để trực tại trạm trên 24/24 giờ.

Hai phía dẫn vào trạm soát vé gắn biển: “Đề nghị dừng xe để kiểm soát lưu lượng, không thu phí”. Vì vậy, thay vì bán vé cho các phương tiện, nhân viên thu phí xé vé để giao cho lực lượng giám sát kiểm đếm. Ông Trịnh Quang Thông, GĐ chi nhánh Cty An Sinh tại Quảng Ninh cho biết, không phải nộp tiền thu phí, nhưng lái xe vẫn bức xúc vì khi qua trạm vẫn phải dừng xe lại.

Tại trạm Hoàng Mai, chiều 15/10, hàng trăm phương tiện dồn ứ 2 đầu trạm vì nhân viên dừng xe kiểm tra. Lúc trời đổ mưa, PV Tiền Phong chứng kiến nhiều xe ô tô vẫn đưa tiền mua vé qua trạm. Khi phát hiện bị ghi hình, nhân viên thu phí vẫy tay cho xe qua, không một lời giải thích trước sự ngỡ ngàng của lái xe. Trong ca bin còn nhiều tiền lẻ với các mệnh giá khác nhau. Tại đây, các thanh tra giao thông nói: “Chúng tôi chỉ đảm bảo an toàn giao thông, không biết việc tiền nong”.

Cùng lúc, hàng loạt lái xe vào trụ sở trạm thu phí “đòi” lại tiền vì đã trót mua vé tháng. Ông Phan Quốc Ái, Trạm trưởng Thu phí Hoàng Mai trả lời là sẽ thanh toán sau do chưa chuẩn bị kịp.

Đã có chủ trương không thu phí, vẫn bán trạm

Ông Hoàng Quyết Tiến, TGĐ Cty An Sinh cho biết: Bản thân doanh nghiệp (DN) muốn dừng trạm thu phí này để tránh ảnh hưởng cho nhà nước lẫn DN, dẫn đến lãng phí nguồn lực xã hội.

Ông Tiến lý giải về việc không được Bộ GTVT đồng ý như sau: Sau khi thực hiện phương án thuê bên thứ 3 thẩm định giá mua lại trạm (Bộ GTVT đề xuất, sau đó được Chính phủ thống nhất), Bộ GTVT và Cty An Sinh đều chọn Cty Định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC).

Trong bản thẩm định giá (chứng thư thẩm định giá) cuối cùng, VVFC đưa ra phương án duy nhất là: Hơn 257 tỷ đồng cho trạm Bãi Cháy và hơn 117 tỷ đồng cho trạm Hoàng Mai. Tuy nhiên, trong cuộc họp gần đây, Bộ GTVT không chấp nhận kết quả này.

Xe qua trạm Hoàng Mai chiều 15/10. Ảnh: Minh Huyền
Xe qua trạm Hoàng Mai chiều 15/10. Ảnh: Minh Huyền.

Bất ngờ với quyết định trên, ngay trong sáng 15/10, ông Tiến gửi báo cáo sự việc lên Chính phủ. Ông Tiến cũng thông tin thêm, theo các điều khoản tại hợp đồng, công ty sẽ được kéo dài thời gian thu phí, không dừng thu tại thời điểm 31/12/2014 như dự định ban đầu. Trường hợp không thể thương lượng, Cty An Sinh sẽ đưa sự việc ra tòa. Phía Bộ GTVT, trong thông cáo mới nhất về vụ việc, chưa đưa ra nguyên nhân của sự đổ bể trong thương thảo với Cty An Sinh.

Quyền Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Đức Thắng cho biết: Cuối tuần này sẽ hoàn thành lắp đặt các thiết bị độc lập để giám sát và sẽ rút hết người giám sát tại trạm Hoàng Mai, Bãi Cháy. Về việc trả lại tiền cho người mua vé tháng, tổng cục sẽ sớm bàn bạc với Cty An Sinh.

Phân tích dưới góc độ chính sách, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng (nhiều năm theo dõi việc hình thành Quỹ Bảo trì Đường bộ) cho rằng: Quỹ Bảo trì Đường bộ (kèm theo việc xóa bỏ các trạm thu phí) được quy định trong Luật Đường bộ 2008. Việc Bộ GTVT, Bộ Tài chính lại triển khai bán các trạm này vào năm 2009 thể hiện sự vòng vèo, thiếu thống nhất trong chính sách.

“Đáng ra, 2 bộ này nên duy trì bộ máy thu phí của nhà nước trước đây đến khi xóa trạm. Đằng này lại nôn nóng bán quyền thu phí, để dẫn đến những xung đột không đáng có giữa nhà nước và DN”.

Tương tự, trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài cũng chưa có lối thoát do những quyết sách rắc rối của Bộ GTVT từ năm 2007, khi để Vietracimex 8 thu phí trên tuyến Hà Nội – Nội Bài (tuyến huyết mạch, nhiều phương tiện lưu thông) để thu hồi vốn cho tuyến đường tránh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Thân Văn Thanh đánh giá, hình thức vận hành tại trạm Hoàng Mai và Bãi Cháy như hiện nay là “buồn cười” cần phải thay đổi.

Theo ông Thanh, việc này thể hiện sự cứng rắn, lớn lên của các DN trước cơ quan nhà nước. Tuy nhiên nhà nước cần phải cố gắng để lập lại trật tự một cách đúng pháp luật, không nên để tồn tại trạm thu phí nhiều bất cập, thiếu chuyên nghiệp như Hoàng Mai, Bãi Cháy.

Một điểm mà ông Thanh bức xúc trong vụ việc này là, trước đây, sau khi bán quyền thu phí, số tiền bán được đã nộp vào ngân sách. Nay, kinh phí mua lại trạm đáng ra phải lấy từ ngân sách, thay vì lấy từ Quỹ bảo trì. Ông Thanh cho rằng, Quỹ Bảo trì Đường bộ là dành để bảo dưỡng, sửa chữa đường bộ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG