Dỡ bỏ rào cản nhân tài

Cần có chính sách đột phá trong sử dụng và đãi ngộ nhân tài Ảnh: Hồng Vĩnh
Cần có chính sách đột phá trong sử dụng và đãi ngộ nhân tài Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Ngày 30- 3, hàng loạt đề xuất đã được đưa ra trong hội nghị của Ban Tổ chức T.Ư để khởi động thực hiện Đề tài cơ sở lý luận và thực tiễn của Chiến lược quốc gia về nhân tài trong thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước. Đây là lần đầu tiên một Chiến lược quốc gia về nhân tài được xây dựng.

>> Phó Thủ tướng đặt hàng người trẻ

Cần có chính sách đột phá trong sử dụng và đãi ngộ nhân tài Ảnh: Hồng Vĩnh
Cần có chính sách đột phá trong sử dụng và đãi ngộ nhân tài.
Ảnh: Hồng Vĩnh.

Người tài rời bỏ khu vực công

Nguyên Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Hồ Đức Việt, Chủ nhiệm đề tài nhận định, do chúng ta còn thiếu chương trình, kế hoạch tổng thể mang tính chiến lược nên chưa chú ý tới nhiệm vụ theo dõi quá trình phát triển của những mầm mống tài năng trong nhà trường phổ thông và đại học.

Đặc biệt, theo ông Việt, quy trình đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ còn nhiều mặt yếu, chưa phát huy đầy đủ dân chủ, tính công khai, minh bạch. Dẫn đến, không ít người tài không được phát hiện và trọng dụng.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc bày tỏ, phải khách quan, nhìn thẳng vào sự thật để có chính sách đúng. Đặc biệt, không thể ngồi bàn giấy để đánh giá, nhận xét cán bộ; không nhìn bằng cấp để bổ nhiệm cán bộ, mà phải qua hoạt động thực tiễn. Nguyên Viện trưởng Viện KHXH VN Đỗ Hoài Nam đồng tình phải công khai trong đánh giá cán bộ.

Theo nguyên Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, chính sách đãi ngộ nhân tài cũng chưa được nghiên cứu đầy đủ, nên chưa phát huy tác dụng, thu hút được người tài cả trong và ngoài Đảng vào công tác trong hệ thống chính trị; chưa thu hút nhiều người, trong đó có Việt kiều về nước làm việc… “Những hạn chế đó đã dẫn đến tình trạng nhiều người tài đã rời bỏ khu vực công chuyển sang khu vực tư có chế độ đãi ngộ tốt hơn”- Ông Việt cho biết.

Nguyên trưởng Ban tổ chức T.Ư Hồ Đức Việt nói, nhiều người tài đã rời bỏ khu vực công
Nguyên trưởng Ban tổ chức T.Ư Hồ Đức Việt nói, nhiều người tài
đã rời bỏ khu vực công.

Chiến lược quốc gia về nhân tài

Ông Thang Văn Phúc cho rằng, chính sách đúng là vô cùng quan trọng, bởi nó có sức mạnh lan tỏa và tự điều chỉnh. Ông Đỗ Hoài Nam thì băn khoăn, đây là vấn đề đặt ra nhiều lần sao vẫn trên bàn lãnh đạo.

“Chúng ta nói nhiều nhưng giải thưởng cho nhân tài không bằng móng tay của hoa hậu. Nếu không có đột phá thì kìm hãm sự phát triển của nhân tài”- Ông Nam nói. Do vậy, cần đột phá vào hai khâu là trọng dụng và đãi ngộ. Làm sao để người tài đem hết trí tuệ, tâm huyết ra phụng sự đất nước.

Ông Phạm Ngọc Tùng (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu lên khía cạnh cần khảo sát tổng thể các chính sách trải thảm đỏ của các địa phương trong thời gian qua đã thành công, thất bại ra sao. Từ đó, làm rõ những rào cản gì cả về kinh tế, pháp luật, chính trị, văn hóa xã hội “đang cản chân, đẩy người tài đi chỗ khác”. Vấn đề then chốt và khó nhất là sử dụng, mà người sử dụng chính là các cơ quan trong hệ thống chính trị, nhà nước.

Kết luận hội nghị, ông Hồ Đức Việt, Chủ nhiệm đề tài cho biết, sản phẩm chính của đề tài là đưa ra định hướng cơ bản trong chiến lược quốc gia về nhân tài. Trong đó, tập trung vào 3 lĩnh vực: Lãnh đạo, quản lý; khoa học, công nghệ và sản xuất, kinh doanh.

Ông Việt cũng thừa nhận, đây là đề tài quan trọng nhưng đi vào cuộc sống không dễ. Hàng loạt địa phương trải thảm đỏ với những điều kiện về lương, nhà để mời sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, nhưng họ không về…

“Những hạn chế, bất cập đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng một chiến lược quốc gia về nhân tài để tạo sự chỉ đạo thống nhất và triển khai có hiệu quả công tác quan trọng này”- Nguyên Trưởng Ban Tổ chức T.Ư nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG