DN Việt muốn lên sàn ngoại: “Lo mơ về nơi… xa lắm?!”

Bảng điện tử sàn Nasdaq. Ảnh: Internet.
Bảng điện tử sàn Nasdaq. Ảnh: Internet.
TP - Niêm yết trên TTCK nước ngoài không phải là câu chuyện mới xuất hiện ở Việt Nam. Trước đây, nhiều doanh nghiệp Việt tên tuổi như VNM, SSI, Gemadept, PVDrilling, Kinh Đô… từng ấp ủ mục tiêu niêm yết cổ phiếu tại sàn chứng khoán nước ngoài nhưng giấc mơ đến nay vẫn chưa thành. Liệu tới đây, giấc mơ này có quay trở lại?

Hâm nóng giấc mơ xuất ngoại

Chiều 29/5/2017, CTCP Vinagame (VNG) – một doanh nghiệp về công nghệ ở Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với Sở GDCK Nasdaq để thực hiện IPO và niêm yết cổ phiếu tại sàn chứng khoán số 1 về công nghệ và có quy mô thứ 2 trên thế giới này.

Ngay sau lễ ký kết, lãnh đạo VNG cho biết: Công ty đang xúc tiến để quá trình IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) tại Mỹ diễn ra nhanh nhất có thể với mong muốn trở thành công ty Việt Nam đầu tiên IPO tại Hoa Kỳ. “Để niêm yết trên Nasdaq phải đạt được các tiêu chuẩn, yêu cầu nghiêm ngặt từ kinh doanh đến tài chính, quản trị của công ty. Dự kiến mất khoảng 2 năm”, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG chia sẻ với báo giới.

Trước đó, theo hãng tin Bloomberg, một số sàn giao dịch như London, Hong Kong hay Singapore đã giới thiệu Vietjet về khả năng niêm yết trên sàn quốc tế và những sàn này tỏ ra khá hứng thú với cổ phiếu của hãng hàng không này. Sự kiện thông tin của Veitjet hay VNG khiến giới đầu tư bừng tỉnh.

Chợt nhớ trong lịch sử, từng có những DN muốn lên sàn ngoại. Vào đúng cách đây hơn 10 năm nay, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã nhận được Thư chấp thuận niêm yết từ Sở GDCK Singapore (SGX-ST) vào ngày 31/10/2008 (về việc phát hành và niêm yết 8.763.784 cổ phiếu phổ thông mới của Vinamilk trong danh sách chính thức trên sàn giao dịch chính thức của SGX-ST). Tuy nhiên,  do vướng một số yếu tố pháp lý, HĐQT Vinamilk khi đó đành “ngậm ngùi” lỗi hẹn với cổ đông sẽ thực hiện việc phát hành và niêm yết cổ phiếu trên SGX-ST khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Ngoài Vinamlik, những tên tuổi khác như: SSI, Gemadept, PVDrilling, Kinh Đô cũng từng đánh tiếng về việc lên sàn ngoại, gần thì ở Singapore, Hồng Kong, xa hơn là Anh, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chỉ có trường hợp CTCP đầu tư và xây dựng Việt Nam-Cavico Corp sáp nhập với một công ty Mỹ để đạt tiêu chuẩn niêm yết tại sàn NASDAQ. Dẫu vậy, không được mấy hồi, Cavico Corp khi đó bị hủy giao dịch do vi phạm hàng loạt tiêu chuẩn về công bố thông tin. Giấc mơ lên sàn ngoại của DN Việt tạm thời khép lại.

DN Việt muốn lên sàn ngoại: “Lo mơ về nơi… xa lắm?!” ảnh 1

Mong thành hiện thực

Thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời vốn được kỳ vọng sẽ là kênh dẫn vốn sinh động cho DN. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, 70% vốn từ nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào vay vốn ngân hàng.  DN trong nước đang thực sự thấy sự chật chội của chiếc “áo khoác vốn” đang mặc, đó là lý do nhiều công ty Việt không muốn dừng ở sân chơi “ao nhà” mà đòi vươn ra biển lớn.

Nhận xét về sự kiện VNG ký biên bản ghi nhớ và sắp IPO ở nước ngoài, một chuyên gia chứng khoán cho rằng: Tôi không nghi ngờ và thậm chí rất mong có DN Việt được lên sàn ngoại, đặc biệt một sàn “khủng” như Nasdaq. Nhưng băn khoăn bởi chỉ riêng chi phí niêm yết, giao dịch hay lưu ký  tại sàn không hề rẻ, không biết DN có chịu được “nhiệt” không? Ngoài ra, chưa tính đến những yếu tố pháp lý phải soi xét ví như 1 DN có vốn trong nước thì có được đem phần vốn đó phát hành tại nước ngoài hay không?”, vị này khẳng định. 

Một nhà đầu tư lớn nắm chắc TTCK Mỹ thì lưu ý, VNG đúng là có đối tác ngoại và việc niêm yết lên sàn dù phức tạp nhưng vẫn có thể làm được nếu đáp ứng đúng quy trình.Nhưng khả năng chỉ ở bảng nhỏ như ngày xưa Cavico cũng thế. “Nếu DN lên sàn ngoại và huy động được vốn ở đó thực sự mới có nghĩa”, vị này nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), xử lý câu chuyện phát hành và niêm yết cổ phiếu tại nước ngoài không hề đơn giản bởi liên quan đến việc quản lý và quy định về tỷ lệ nắm giữ nước ngoài đối với các công ty Việt Nam có chứng khoán niêm yết tại nước ngoài, hướng dẫn về việc phân định, tính toán tỷ lệ niêm yết tại nước ngoài và tỷ lệ nắm giữ nước ngoài ở trong nước

Nasdaq là sàn giao dịch chứng khoán điện tử lớn nhất của Mỹ với khoảng 3.050 công ty với tổng giá trị vốn hóa 6.800 tỷ USD vào tháng 7/2015. Giá trị vốn hóa của sàn này hiện nay lên đến 10.000 tỷ USD. Nasdaq thường được biết đến vì cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Apple, Microsoft, Google, Facebook, Ebay...

Niêm yết trên sàn Nasdaq hay New York đòi hỏi các doanh nghiệp phải đạt tất cả các điều kiện của 1 trong 4 bộ tiêu chuẩn về chỉ số tài chính và bộ tiêu chuẩn về thanh khoản dành cho thị trường.

Với sàn New York, về tài chính, tiêu chuẩn tối thiểu cho một công ty được niêm yết là vốn chủ sở hữu 4 triệu USD, giá cổ phiếu 2 USD và hoạt động liên tục trong 2 năm, hoặc có tổng tài sản và doanh thu/vốn hóa 75 triệu USD khi giá cổ phiếu đạt tối thiểu 3 USD. Ngoài ra, về tiêu chí giao dịch, số lượng cổ đông giao dịch phải đạt ít nhất 400 cổ đông, khi lượng cổ phiếu giao dịch tối thiểu là 500.000 đơn vị/phiên.

Để được niêm yết ở sàn Nasdaq, DN phải đáp ứng yêu cầu về tài sản, doanh thu, lợi nhuận, thanh khoản cổ phiếu, vốn hóa... 

MỚI - NÓNG