Dìu nhau qua mùa dịch

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Bánh mì 0 đồng”, “Cơm từ thiện”, “Siêu thị 0 đồng”… là những hình ảnh mà người dân dễ dàng bắt gặp ở nhiều tuyến đường khi TPHCM giãn cách xã hội. Từng phần quà tuy nhỏ bé nhưng đong đầy yêu thương của người Sài Gòn hào sảng.

Ai cần cứ lấy

Trong cái nắng gay gắt trưa ngày 6/6, thùng “bánh mì 0 đồng” tại địa chỉ 119 Bình Phú (P.11, Q.6, TPHCM) vẫn đông người tìm đến nhận bánh. Đưa tay quệt mồ hôi chảy thành hàng trên khuôn mặt sạm màu thời gian, bà Thu (65 tuổi, bán vé số dạo) nghẹn ngào nói: “Từ ngày hàng quán đóng cửa, mọi người hạn chế ra đường nên vé số cũng không ai mua. Đang không biết lấy gì ăn trong những ngày tới thì có người chỉ cho tôi đến đây. Tôi không chỉ được cho bánh mì, mì gói mà còn có cả thịt cá, khẩu trang, nước uống… Vậy là tôi không còn lo đói nữa”.

Dìu nhau qua mùa dịch ảnh 1

Tủ bánh mì 0 đồng trên đường Bình Phú (Q.6) làm ấm lòng những người khó khăn trong mùa dịch

Nhiều người gọi đây là tủ bánh mì “Thạch Sanh”, bởi chưa khi nào thấy vơi. Người nhận bánh đa số là những người khuyết tật, bán vé số, chạy xe ôm... Ai cần cứ lấy đủ dùng, không hạn chế số lượng cũng như số lần nhận trong ngày. Anh Nguyễn Hữu Lộc - người khởi xướng thùng “bánh mì 0 đồng” chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 tôi thực hiện tủ bánh mì này. Khi thành phố giãn cách, tôi cùng các bạn mua bánh mì, cá hộp, mì gói… để trong tủ, ai cần cứ lấy đủ dùng cho mình. Khi nhiều người biết tủ bánh này, họ còn đóng góp thêm nước uống, khẩu trang… Vậy là tủ bánh thêm phong phú, có nhiều món cho người cần”. Khi triển khai mô hình anh Lộc cũng đã tính toán để thực hiện một cách an toàn, đảm bảo phòng chống dịch.

Bà Nguyễn Thị Hòa (59 tuổi, ngụ Q.10, TPHCM) dù chẳng giàu có nhưng khi thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn mình, bà bàn với con cháu góp tiền nấu cơm chay tặng cho người nghèo. “Tôi cũng chạy cơm từng ngày, ở nhà mướn nhưng thấy nhiều người khổ quá, tôi chịu không đặng. Vậy là rủ con cháu nấu cơm chay phát cho bà con bán vé số, xe ôm…”, bà Hòa chia sẻ.

Điểm phát cơm của bà ở trước hẻm 523 Nguyễn Tri Phương (Q.10), chỉ có chiếc bàn nhỏ gắn tấm bìa ghi chữ “Cơm từ thiện”. Cứ đến 10 giờ sáng mỗi ngày, trên chiếc bàn kê sẵn, bà Hòa xếp ngay ngắn những phần cơm canh còn nóng hổi chờ người đến nhận.

Cách đó không xa, anh Nguyễn Thế Mỹ (chủ tiệm cơm chay trên đường Nguyễn Chí Thanh, P.2, Q.10, TPHCM) cũng tất bật chuẩn bị hàng trăm suất cơm tặng người cần. “Mỗi ngày chúng tôi bắt đầu nấu nướng, chế biến từ 6 giờ sáng để làm 300-500 phần cơm. Thời gian phát cơm từ 10 giờ. Mọi người đến đây nhận phần quà gồm một hộp cơm, chai nước suối, cái bánh ngọt và thay đổi mỗi ngày như bún, bánh, trái cây hay sữa. Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, tôi mong người nhận cảm thấy ấm lòng trong lúc khó khăn này”, anh Mỹ bộc bạch.

Tiếp sức vùng cách ly

Quán ăn kinh doanh ế ẩm do dịch bệnh, anh Phạm Minh Hiền (34 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM) vẫn đỏ lửa, nấu cả trăm suất ăn mỗi ngày gửi tặng các chiến sĩ công an, dân quân đang làm nhiệm vụ ở các điểm cách ly trong địa bàn quận.

Chia sẻ về việc làm của mình, anh Hiền cho biết, khi dịch ở quận Gò Vấp trở nên phức tạp, nhiều ca bệnh mới đồng nghĩa với việc xuất hiện nhiều điểm phong tỏa. Chứng kiến lực lượng công an, dân quân làm nhiệm vụ ở những nơi đó vất vả nên anh quyết định nấu cơm tặng họ.

Dìu nhau qua mùa dịch ảnh 2

Người dân chuẩn bị những phần quà để gửi tặng người ở khu vực phong tỏa tại TPHCM

Mỗi phần ăn đều có đầy đủ cơm, trứng, thịt, rau xào, bí đỏ kèm theo trái cây tráng miệng. Tất cả nguồn thực phẩm được anh Hiền kiểm soát và trực tiếp chế biến, nấu nướng theo đúng phong cách nhà hàng. “Tôi tin rằng, với sự chung tay của cả cộng đồng, với tinh thần đoàn kết và nỗ lực cùng nhau vượt khó, chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh COVID-19. Hy vọng dịch bệnh sớm đi qua, cuộc sống người dân sẽ sớm ổn định, góp phần cho nền kinh tế phục hồi và phát triển”, ông chủ trẻ tâm sự.

Gần đây, “gian hàng 0 đồng chia sẻ cùng khu cách ly” hẻm 17 Gò Dầu (P.Tân Quý, Q.Tân Phú) nhận được sự đồng tình của người dân. Gian hàng 0 đồng gồm hơn 100 kg 12 loại rau củ, hàng trăm gói mì, 500 quả trứng, 160 kg thịt heo, 40 chai dầu ăn, 100 hộp đồ hộp các loại được sắp đặt ngăn nắp trên quầy kệ. Mỗi ngày, gian hàng phục vụ cho hơn 300 nhân khẩu của 73 hộ gia đình khu vực này. Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch UBND phường Tân Quý (Q Tân Phú) bày tỏ, mô hình gian hàng 0 đồng giúp người dân trong khu vực cách ly cảm thấy ấm lòng hơn, người dân có thể tự chọn lựa những sản phẩm cần thiết theo nhu cầu của gia đình mình để thực hiện tốt chuỗi ngày giãn cách phòng dịch.

Chị Đỗ Thị Ngọc Phượng, chủ nhà hàng chay Mãn Tự (Q.1, TPHCM) chuẩn bị hơn 1.000 suất ăn/ngày gửi tận nơi người dân trong khu vực cách ly trên địa bàn thành phố. Đồng hồ điểm 11 giờ, các phần ăn được đóng vào thùng giấy lớn, đem đến các điểm cách ly. Một số sẽ được chị cùng nhân viên đến phát trực tiếp.

“Kể từ khi TPHCM thực hiện lệnh giãn cách, chúng tôi đã phát cơm miễn phí tại nhiều hẻm bị phong tỏa trên các tuyến đường như Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Ngũ Lão, Điện Biên Phủ… Chúng tôi sẽ cố gắng nấu và phát miễn phí cho đến khi các khu vực đó hết bị phong tỏa”, chị Phượng nói.

Giữa trưa nắng hay trời lất phất mưa buổi chiều tà, những suất ăn từ tấm lòng người Sài Gòn vẫn đều đặn gửi đến tay người khó. Dòng người yên lặng xếp hàng chờ tới lượt trong trật tự, giữ khoảng cách. Dù chỉ một lời cám ơn nhẹ nhàng, một ánh mắt nheo cười qua lớp khẩu trang cũng là động lực của cả người cho và nhận. Người Sài Gòn vốn hào sảng là vậy, lúc khó khăn càng thể hiện tinh thần hào hiệp, sẻ chia, dìu nhau qua khó khăn do dịch…

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho biết, để chung tay phòng, chống dịch COVID-19, Thành phố đã có nhiều nhóm thiện nguyện, cá nhân... chủ động đứng ra vận động, quyên góp hoặc tự đóng góp nguồn lực của mình để làm những sản phẩm giúp ngăn ngừa dịch bệnh và trao tặng cho lực lượng đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu; hoặc dành những phần quà giúp người nghèo, người lao động mất việc vượt qua giai đoạn khó khăn này. Những tình cảm, hành động trên rất đáng trân trọng và được nhân rộng trong cộng đồng.

MỚI - NÓNG