Điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2: Dựa trên tin đồn là vô ích

0:00 / 0:00
0:00
Tổ chức Y tế Thế giới đã chấp nhận tiến hành điều tra lại nguồn gốc SARS-CoV-2
Tổ chức Y tế Thế giới đã chấp nhận tiến hành điều tra lại nguồn gốc SARS-CoV-2
TP - Những lời kêu gọi điều tra kỹ lại về nguồn gốc của SARS-CoV-2 lại nổi lên. Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) đã tổng hợp ý kiến các chuyên gia phân tích về giả thuyết virus bị rò rỉ trong phòng thí nghiệm.

Sau khi bài báo được đăng, đại diện của Mỹ tại Đại hội đồng Y tế Thế giới dẫn đầu yêu cầu điều tra kỹ lưỡng về nguồn gốc của SARS-CoV-2 và được một số chuyên gia ủng hộ; vấn đề liệu SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm hay không một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 26/5 tuyên bố các cơ quan tình báo Mỹ phải hoàn thành báo cáo điều tra về nguồn gốc của SARS-CoV-2 trong vòng 90 ngày.

Deutsche Welle đã phỏng vấn ông William Schaffner, Giáo sư y Yế dự phòng và Bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, Mỹ. Ông cho biết chính vì không rõ những thông tin này có chính xác hay không nên cần cẩn thận tiến hành điều tra lại. Ông nói: “Tôi hy vọng chúng ta có thể thuyết phục Trung Quốc thực sự mở cửa (để điều tra), vì nó rất có ý nghĩa lịch sử, cũng vì một đại dịch đã xảy ra. Chúng ta nên hiểu rõ những gì đã xảy ra. Chúng ta có thể mãi mãi không thể xác định chính xác được nó, nhưng chúng ta nên thử”.

Điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2: Dựa trên tin đồn là vô ích ảnh 1
Đã hơn 1 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, WHO vẫn chưa có kết luận về nguồn gốc SARS-CoV-2

Tuy nhiên, Giáo sư sinh học Matthias Glaubrecht tại Trung tâm Nghiên cứu Tự nhiên của Đại học Hamburg, khi trả lời phỏng vấn báo Der Spiegel lại cho rằng bài báo của The Wall Street Journal là vô ích cho nghiên cứu khoa học vì báo cáo tình báo có tính bí mật, rất khó nói có hay không. Vì vậy, các cuộc thảo luận liên quan chỉ dựa trên “tin đồn” là vô ích cho việc nghiên cứu khoa học.

Nói về suy đoán rằng có người trong nhóm nghiên cứu virus Vũ Hán có thể bị nhiễm SARS-CoV-2, Graublecht cho rằng điều này khó được chấp thuận. Ông nói rằng ngay cả khi ai đó mắc bệnh trong Phòng thí nghiệm Sinh học Vũ Hán vào tháng 11/2019, mọi người cũng không biết liệu bệnh nhân có bị nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Các triệu chứng phát bệnh sau khi bị lây nhiễm SARS-CoV-2 không đặc biệt, cũng có thể xuất hiện với các bệnh khác. Hơn nữa, kết quả của cuộc điều tra công khai trái ngược với suy đoán rằng nhân viên phòng thí nghiệm đã bị nhiễm SARS-CoV-2.

Ông nói thêm rằng kết quả của cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc của WHO tại Vũ Hán vào tháng 1 năm nay cho thấy không có ai bị nhiễm SARS-CoV-2 ở Viện Sinh học Vũ Hán vào tháng 11/2019 và xét nghiệm kháng thể trong máu được thực hiện với họ cũng chứng minh điều này.

Ông cho rằng cách tiếp cận của Tổng thống Biden khởi động lại cuộc điều tra là đúng đắn. Ông nói: “Nếu chúng ta thực sự thấy rằng đây là một tai nạn trong phòng thí nghiệm, thì với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới, chúng ta nên ra ngoài và yêu cầu khắt khe hơn trong việc tập huấn và thực hiện chế độ kiểm soát nhiễm khuẩn trong phòng thí nghiệm tốt hơn”.

Mặc dù ủng hộ cuộc điều tra nhưng ông không đồng tình với ý kiến cho rằng virus này được sử dụng như một vũ khí “chiến tranh sinh học” và cho rằng cách làm này là “rất ngu ngốc” vì với việc virus hô hấp này lây lan quá dễ dàng và khó kiểm soát, chính người dân của họ (Trung Quốc) sẽ bị tấn công đầu tiên.

Schaffner không lạc quan về kết quả điều tra, ông cho rằng đã quá lâu kể từ khi đợt dịch ban đầu bùng phát. “Ai biết được hiện đã có những hồ sơ gì bị biến mất”. Ngoài ra, cũng không thể đảm bảo tính minh bạch của cuộc điều tra, nhưng ông vẫn nghĩ rằng nên cố gắng thử xem sao.

Ông nói: “Điều tra là phù hợp lợi ích của lịch sử, phù hợp lợi ích của việc kiểm soát lây nhiễm. Và chúng ta phải nhớ rằng khi nói đến đại dịch, bất kể chế độ chính trị là gì, chúng ta đều không thể tách rời. Người dân của ta, người dân của nước khác, tất cả đều bị ảnh hưởng bởi virus. Virus mới là kẻ thù. Chúng ta hãy tập trung tinh lực cùng nhau nỗ lực để ngăn chặn sự xuất hiện của đại dịch”.

Cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới tại Trung Quốc vào tháng 1 năm nay đã không đưa ra kết luận cuối cùng, nhưng chỉ ra rằng SARS-CoV-2 rất có thể được truyền từ dơi sang người qua vật chủ trung gian là động vật. Trong khi không loại trừ các sự cố trong phòng thí nghiệm gây rò rỉ virus ra ngoài, nhưng đánh giá rằng khả năng này là “vô cùng nhỏ”.

Truy tìm nguồn gốc của virus và tìm ra bệnh nhân số 0 sẽ là một nhiệm vụ lâu dài. Tạp chí Time chỉ ra rằng, khi xưa phải mất nhiều thập kỷ mới điều tra ra nguồn gốc của Ebola. Đối với SARS-CoV-2, các triệu chứng gây ra thường không được phát hiện, khiến việc điều tra nguồn gốc của nó sẽ khó khăn hơn và xác suất thành công gần như bằng 0.

Theo hãng tin Anh Reuters, bà Fadela Chaib, người phát ngôn của WHO, đã nói tại cuộc họp giao ban của Liên Hợp Quốc ngày 28/5 rằng các chuyên gia đang chuẩn bị một đề xuất cho cuộc điều tra tiếp theo về nguồn gốc của SARS-CoV-2. Các chuyên gia sẽ chuẩn bị cho Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom một đề án, nhưng chưa có thời gian biểu và sẽ tiến hành ở quốc gia nào.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 28/5 tuyên bố Mỹ đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc tham gia vào các cuộc điều tra quốc tế toàn diện, minh bạch và dựa trên bằng chứng. Ông yêu cầu Mỹ cũng bắt đầu hợp tác nghiên cứu truy xuất nguồn gốc ngay lập tức với WHO, cho phép tiến hành điều tra quốc tế toàn diện, minh bạch, dựa trên bằng chứng trên đất Mỹ, trước hết là ở căn cứ Fort Detrick.

MỚI - NÓNG