Điều kiện cho “3 chung” và “1 riêng”

Một yêu cầu đổi mới là lập ngân hàng đề thi trắc nghiệm đánh giá được trình độ học sinh ở nhiều cấp độ. Ảnh: H.V
Một yêu cầu đổi mới là lập ngân hàng đề thi trắc nghiệm đánh giá được trình độ học sinh ở nhiều cấp độ. Ảnh: H.V
TP - Nếu áp dụng phương án thi “3 chung” và “1 riêng”, Bộ GD&ĐT phải công bố lộ trình ít nhất 3 năm trước khi thực hiện.

> Chưa đến lúc trao quyền tự chủ tuyển sinh

Một yêu cầu đổi mới là lập ngân hàng đề thi trắc nghiệm đánh giá được trình độ học sinh ở nhiều cấp độ. Ảnh: H.V
Một yêu cầu đổi mới là lập ngân hàng đề thi trắc nghiệm đánh giá được trình độ học sinh ở nhiều cấp độ. Ảnh: H.V.
 

PGS Lê Đức Ngọc - Giám đốc Trung tâm Kiểm định, đo lường và đánh giá chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập) mới đây đề xuất phương án đổi mới thi “3 chung” và “1 riêng” cho cuộc thi “Đánh giá trình độ học vấn THPT” để xét tốt nghiệp THPT và để làm tiêu chuẩn tối thiểu cho tuyển sinh đào tạo sau THPT.

Khả thi

Theo đó, tổ chức thi chung đề, chung đợt, chung điểm sàn tốt nghiệp THPT. Một riêng là cho tuyển sinh đào tạo nghề sau THPT, căn cứ 3 tiêu chí: chỉ tiêu được giao, kết quả của các bài thi chung, chính sách chung về cộng điểm theo vùng miền và điểm thi tuyển năng khiếu tùy theo ngành nghề khi cần thiết, cơ sở đào tạo sẽ tự xây dựng điểm chuẩn để tuyển sinh chung hay cho từng ngành của cơ sở đào tạo.

Đây là phương án đổi mới thi rất khoa học, toàn diện và triệt để, hoàn toàn khả thi, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện giáo dục ở nước ta hiện nay. Phương án này đã đề xuất một phương thức thi cụ thể cho dự án thi “2 trong 1” mà Bộ GD&ĐT dự kiến lâu nay nhưng vẫn chưa đưa ra được mô hình thi, xét tuyển cụ thể.

Đây là phương án thi đổi mới, khoa học vì kết hợp được 2 kỳ thi TNPT và tuyển sinh ĐH trong một kỳ thi gọn nhẹ, đỡ tốn kém mà vẫn đảm bảo được hai mục đích là đánh giá được trình độ học sinh đủ tiêu chuẩn TNPT và tuyển chọn, sàng lọc được học sinh có đủ năng lực, kiến thức vào học ở các trường ĐH, CĐ khác nhau

Với kỳ thi kết hợp “2 trong 1” bằng hình thức thi trắc nghiệm gọn nhẹ và việc tuyển sinh “mở” như đề án đưa ra, chúng ta sẽ khắc phục được nhiều bất cập trong giáo dục trong thời gian qua: học sinh “học tủ”, “học lệch” trong thi TN; chấm thi không chính xác, không công bằng giữa các hội đồng thi; tuyển chọn học sinh vào ĐH theo các khối A, B, C, D… cứng nhắc, không phù hợp với yêu cầu đào tạo của các trường, tổ chức 2 kỳ thi cồng kềnh, tốn kém…

Phương thức thi này hoàn toàn đáp ứng yêu cầu tuyển chọn của cả những trường có tỷ lệ “chọi” cao, mà không cần phải tổ chức thêm một kỳ thi khác, trừ những trường phải thi các môn năng khiếu. Vấn đề cốt lõi là đề thi phải đảm bảo đánh giá được trình độ học sinh ở các cấp độ khác nhau và công tác coi thi phải thật sự nghiêm túc.

Về công tác tuyển chọn, mỗi trường có thể tự xây dựng điểm chuẩn tuyển sinh các môn thi cho trường mình theo yêu cầu đặc thù của từng trường. Bộ GD&ĐT chỉ cần quy định số lượng môn thi tối thiểu phải xét tuyển và điểm sàn tối thiểu.

Các trường có chất lượng cao có thể xét tuyển 4 hoặc 5 môn. Ví dụ: trường ĐH Kinh tế theo phương thức tuyển sinh này có thể tuyển chọn thí sinh dựa vào điểm các môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ, Địa lý sẽ phù hợp hơn dựa vào điểm 3 môn Toán, Lý, Hóa như hiện nay.

Lập ngân hàng đề thi trắc nghiệm

Việc xét tuyển “mở” như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu “tự chủ trong tuyển sinh” mà nhiều trường ĐH, CĐ gay gắt đòi hỏi trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, để phương thức thi “3 chung” và “1 riêng” này có thể đạt hiệu quả như mong muốn, Bộ GD&ĐT cần sớm có quyết định cụ thể và triển khai các biện pháp chuẩn bị trước khi thực hiện. Đó là:

Công bố quyết định chính thức và lộ trình thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như phổ biến tới các Sở GD&ĐT, các trường THPT ít nhất 3 năm trước khi đưa vào thực hiện.

Để kỳ thi “3 chung” và “1 riêng” này có thể đáp ứng cả 2 yêu cầu là thang đo trình độ tốt nghiệp THPT và tuyển chọn học sinh có đủ năng lực, kiến thức vào ĐH, CĐ, việc ra đề thi và xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm vô cùng quan trọng, phải được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, bài bản và khoa học sao cho đề thi trắc nghiệm ở tất cả các môn học đều đánh giá được trình độ học sinh ở nhiều cấp độ khác nhau.

Các trường ĐH, CĐ cần rà soát lại chương trình, yêu cầu đào tạo để đưa ra phương án tuyển chọn học sinh phù hợp nhất. Phương án tuyển chọn này phải được công bố công khai ngay từ đầu năm học.

Nguyễn Thị Dung
GV trường Cao đẳng Công Thương TPHCM

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG