Diều khổng lồ cuốn chết người: Nghệ nhân diều nói gì?

Nghệ nhân Vân và con diều khí động học.
Nghệ nhân Vân và con diều khí động học.
Khi thả diều khổng lồ, người chơi phải chọn không gian xa sân bay, kênh rạch... Người thưởng thức trò chơi này, nhất là trẻ em, phải đứng cách xa từ 50 m trở lên.

Liên quan đến vụ bé trai 5 tuổi bị diều cuốn lên cao 20 m rơi xuống đất tử vong 2 ngày trước, nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân (66 tuổi, CLB diều Phượng Hoàng, Trung tâm Văn hóa TP HCM) cho rằng những người chơi diều khổng lồ tự phát quá chủ quan.

Theo ông Vân, nhiều ngày nay, nghe tin diều cuốn bé trai gây tử vong, giới chơi diều ở Sài Gòn không khỏi bàng hoàng.

"Lỗi là ở người chơi vì quá chủ quan. Nhóm diều này tự phát, chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Khi làm con diều rộng 18 m, cao 16 m (diện tích một mặt 288 m2), sức nâng 100 kg, lẽ ra người ta phải lường trước được sự nguy hiểm của nó", ông Vân phân tích.

Theo nghệ nhân, với diện tích khổng lồ như trên, khi gió ùa vào, con diều bay lên với vận tốc rất nhanh.

"Con diều lớn này thì dây cột phải là 12 ly, khi bay lên, hàng chục người mới có thể kiểm soát được nó", ông Vân nói và cho biết cánh đồng ở huyện Hóc Môn quá nhỏ, không thể thả được diều khổng lồ. Nơi đây chỉ dành cho trẻ con thả diều nhỏ.

Hai lần trước được mời về đây hướng dẫn cách chơi diều, nghệ nhân đề nghị nhà chức trách lập hàng rào bảo vệ. Những người đến thưởng thức phải ở khoảng cách an toàn (khoảng 50 m trở lên).

Không để trẻ em đến gần, tránh trường hợp bước lên diều khổng lồ, vì khi gió đến bất ngờ, diều bay lên hất xuống đất, dẫn đến chấn thương.

Diều khổng lồ cuốn chết người: Nghệ nhân diều nói gì? ảnh 1

Nghệ nhân diễn tả hành động khi bị dây diều cuốn vào chân.

"Ở nước ngoài, khi thả diều giữa cánh đồng, người chơi hay cột dây vào bao cát hay trụ để đảm bảo an toàn, phòng ngừa tốc độ gió thay đổi bất thường", ông Vân thông tin.

Để thả diều an toàn, theo nghệ nhân Vân, phải chú ý các điểm sau:

Chọn bãi đất rộng: Nên tìm bãi đất rộng, an toàn ở không trung và mặt đất, để tránh vướng vào đường dây điện, cánh máy bay. Nếu dây diều vướng vào có thể gây nổ máy bay.

Tránh xa đường giao thông: Ở những khu vực dân cư đông, trẻ em thường thả diều ngay trên lề đường. Vì say mê cho diều lên, các em vừa chạy vừa ngoái đầu nhìn bất chấp xe cộ qua lại.

Khi diều là là bay xuống đất, khiến người đi đường phân tâm. Dây diều có thể vướng vào người chạy xe máy, dẫn đến tai nạn...

"Có trường hợp dây diều bị đứt chắn ngang đường, người đi xe không tránh kịp nên bị cứa vào cổ", nghệ nhân cho biết.

Không thả diều gần dây điện: Có nhiều trường hợp, diều vướng vào đường dây điện gây chập điện, cháy nổ. Nghị định 73/2010/NĐ-CP cấm thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp. Người vi phạm bị cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng.

Theo EVN, đường dây tải điện trần có khoảng cách an toàn tối thiểu là 0,7 m. Nếu diều hoặc dây diều bị ướt, khả năng truyền dẫn làm phóng điện có thể xa hơn và rất dễ gây tai nạn cho người.

Tránh xa kênh rạch: Thiếu sân chơi, nhiều người tìm đến bãi cỏ gần kênh rạch để thả diều. Khi diều bay lên cao, mải đuổi theo, nhiều em nhỏ ngã xuống nước chết đuối.

Với hơn 50 năm gắn bó với diều, ông Nguyễn Thanh Vân là người đầu tiên trong cả nước được phong danh hiệu Nghệ nhân dân gian về diều. Năm 2010, dịp Kỷ niệm 1.000 Thăng Long - Hà Nội, nghệ nhân Vân làm con diều dài 1.000 m với 7 màu khác nhau, hình dáng giống con rồng.

Mặc dù, diều khổng lồ nhưng sức nâng của nó chỉ 7 kg, đảm bảo an toàn cho những người xung quanh. Cũng trong năm này, diều rồng được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là dài nhất Việt Nam.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG