“Bày mâm”
Từ cuộc vận động sáng tác và triển lãm tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc ở khuôn viên trụ sở khu đô thị, nơi công cộng được khởi động từ giữa tháng 4/2016, hội đồng nghệ thuật đã chọn ra 68/578 tác phẩm của 276 tác giả để giới thiệu và trưng bày triển lãm.
Các tác phẩm là những phương án, giải pháp kết hợp giữa điêu khắc và kiến trúc trong các công trình văn hóa dân sinh, cộng đồng phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, ứng dụng nghệ thuật vào đời sống xã hội. Đặc biệt, các tác giả sẽ phải đặt tác phẩm trong môi trường giả định. “Trước kia, khi nghệ sĩ có ý tưởng, có cảm xúc là sáng tác, sáng tác xong thì không biết để vào chỗ nào cho hợp lý thì nay mục tiêu đã rõ ràng. Đó cũng sẽ là gợi ý cho các doanh nghiệp, cơ quan hay cá nhân có nhu cầu”- Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL khẳng định những thành công bước đầu của triển lãm, dù là lần đầu tiên tổ chức.
Thứ trưởng cũng cho rằng, trong xu thế phát triển, hội nhập, đô thị hóa nhanh, nhu cầu tạo dựng những không gian thẩm mỹ, phục vụ đời sống của nhân dân, kết hợp giữa tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc đặt tại trụ sở, tòa nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng để làm đẹp cảnh quan môi trường thẩm mỹ cho các khu đô thị đang là nhu cầu của xã hội.
Thực tế cho thấy, một số không gian công cộng trong cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng... đã có vườn tượng hoặc ở một số khu đô thị cũng có những tác phẩm điêu khắc để trang trí nhưng hàm lượng nghệ thuật chưa được đánh giá cao. Vì vậy, Ban tổ chức kỳ vọng triển lãm lần này sẽ góp phần khẳng định vai trò và tác động thẩm mỹ, văn hóa của các tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc, biểu tượng kiến trúc trong môi trường công cộng. Đồng thời, đây cũng là nơi giao lưu nghệ thuật giữa các nhà điêu khắc, các kiến trúc sư và công chúng yêu nghệ thuật. “Chúng tôi cố gắng dọn ra một mâm cỗ nghệ thuật tươm tất nhất để công chúng có cơ hội nhìn rõ hơn và lựa chọn. Các tác phẩm được trưng bày ở đây đều có tính ứng dụng cao và gần gũi với đời sống hiện đại”- Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm lạc quan nhận định.
“Nhịp sống” - tác phẩm trưng bày tại trung tâm thương mại - tác giả Vũ Quang. Ảnh: Nhã Khanh.
Khoe xong xuôi tất cả lại về
Dù Ban tổ chức nhiều lần nhấn mạnh mục tiêu kết nối các tác phẩm với đời sống, thị trường; dù các tác phẩm đã được lựa chọn kỹ lưỡng, có tính ứng dụng cao với chỉ dẫn không gian sắp đặt cụ thể nhưng nguy cơ triển lãm xong lại… xếp kho vẫn rất cao.
Câu chuyện tác phẩm điêu khắc “làm xong rồi đi đâu” không mới, song đến giờ vẫn chưa có lời giải. Nhiều nghệ sĩ sáng tác xong rồi lại tự mình thưởng thức. Sau triển lãm, các tác phẩm lại được mang về nhà, bởi không có ai mua. “Chuyện tác phẩm làm ra rồi để đó, không ra được với công chúng thì phổ biến lắm. Không đâu xa, bản thân tôi cũng xếp đầy nhà các tác phẩm do mình làm. Nhiều khi bày ra 50 cái nhưng bán được 5-7 cái là vui rồi, xong lại mang về xếp kho”- Thứ trưởng Vương Duy Biên đồng cảm với các nghệ sĩ.
“Ngang trái” hơn, có những doanh nghiệp quan tâm đến điêu khắc công cộng thì lại thờ ơ với những tác phẩm mang tính văn hóa truyền thống. Các khu đô thị, khu du lịch sinh thái vẫn chủ yếu mua, sắp đặt biểu tượng kiến trúc nhái phong cách phương Tây để tăng tính lạ lẫm và “sang”, mặc cho có những bức tượng chép xấu làm méo mó cả tác phẩm kinh điển nước ngoài.
Ông Vi Kiến Thành nhấn mạnh triển lãm lần này chủ yếu mang tính gợi ý, giống như việc “dọn ra một mâm cỗ, nhưng ai muốn chọn món gì là quyền của họ”. Triển lãm hay giải thưởng cũng chỉ góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, trong đó có các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các nhà quản lý đô thị trong việc giữ gìn, chỉnh trang các khuôn viên trụ sở khu đô thị, nơi công cộng... “Đừng đặt gánh nặng lên một cuộc triển lãm. Đây là con đường dài mà tất cả chúng ta đều phải nỗ lực, kiên nhẫn. Ở Hàn Quốc có luật mỗi công trình kiến trúc phải dành phần trăm chi phí cho tác phẩm nghệ thuật. Nhưng ở ta hiện không có cơ chế nào ràng buộc các cơ quan hay bắt buộc không gian công cộng phải bố trí các công trình điêu khắc. Bộ VH-TT-DL đã từng đề xuất nhưng các bộ ngành đều phản đối”.
Và trong lúc chờ cơ chế hỗ trợ từ nhà nước, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh (Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng giới mỹ thuật nên xem lại cách sáng tác đã hợp với nhu cầu xã hội chưa, bởi nghệ sĩ, ngoài việc giữ bản sắc riêng cũng phải biết thị hiếu của thời đại để tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.
Còn theo nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường (Nguyên Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm) thì ở những triển lãm như thế này nên có một hội nghị khách hàng, mời các doanh nghiệp tiềm năng đến tham dự. Tác phẩm điêu khắc là sản phẩm hàng hóa nghệ thuật nên cũng phải tuân thủ cơ chế thị trường và nghệ sĩ phải chủ động tìm đến khách hàng, mời họ xem sản phẩm của mình, khoe với họ cái hay cái đẹp mình có, chứ không phải ngồi chờ người ta tự tìm đến.
Triển lãm “Tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc đặt trước trụ sở, tòa nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng” do Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm phối hợp Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức diễn ra từ nay đến hết này 23/11 tại Bảo tàng Hà Nội.
Trong số 68 tác phẩm được trưng bày có 15 tác phẩm được trao giải thưởng, bao gồm: 1 giải Nhất (50 triệu đồng), 2 giải Nhì (25 triệu đồng), 3 giải Ba (15 triệu đồng) và 9 giải Khuyến khích (5 triệu đồng).