Hoàng Nhuận Cầm từng bảo, ông sinh ra để dành cho thơ. Dù rằng ông nội đã đặt cho ông cái tên Hoàng Nhuận Cầm nghĩa là “Cây đàn vàng”, với mong ước ông sẽ trở thành nhạc sĩ giống cha - nhạc sĩ Hoàng Giác. Từ chối đi theo con đường âm nhạc, chàng trai trẻ quyết tâm dành hết đam mê lãng mạn cho những vẫn thơ.
Nhờ có thơ, Hoàng Nhuận Cầm cũng trở thành một trong số ít thi sỹ có nhiều "fan cuồng" là các nữ sinh. Đặc biệt là bài thơ “Chiếc lá buổi đầu tiên”. Có lẽ, đây là bài thơ được ghi vào trong tất cả các cuốn sổ lưu bút của những học trò cuối cấp, thay cho lời tiễn biệt thời áo trắng sân trường. Làng thơ vẫn lưu truyền giai thoại có lần Hoàng Nhuận Cầm trở về trường cũ và đọc “Chiếc lá buổi đầu tiên”, nhiều nữ sinh viên đã khóc vì cảm động và lập tức... “yêu anh từ giây phút ấy”.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa qua đời do bệnh phổi, hưởng thọ 69 tuổi. |
Dòng chảy của bài thơ là lời tự tình của một người lính trẻ vừa rời ghế nhà trường, trên đường ra trận với người yêu là cô bạn gái cùng lớp. Như vậy, xuất phát từ tứ thơ chiếc lá đầu tiên - chiếc lá bàng của buổi hẹn hò đầu tiên giữa hai người, bài thơ ngỡ như chủ yếu viết về tình yêu lứa đôi và nỗi nhớ của họ (và đó là điều có thực) lại bỗng nhiên trở thành kỉ niệm đầy ắp về tuổi học trò và mái trường thân yêu.
Về hoàn cảnh ra đời bài thơ cũng khá đặc biệt. Hoàng Nhuận Cầm từng chia sẻ: “Có bài thơ tôi viết rất nhanh. Ví dụ bài Sông Thương tóc dài tôi viết trong vòng 5 phút trên vỏ bao thuốc lá, riêng bài Chiếc lá buổi đầu tiên tôi viết trong 10 năm. Bài thơ ban đầu có tên là Trường ơi, chào nhé. Khổ đầu tiên được viết vào năm đầu tiên tôi vào đại học, khi vừa mới bước qua “tuổi khăn quàng, phấn trắng, nắng vô tâm”.
Mùa hè năm 1971, chàng sinh viên Hoàng Nhuận Cầm ngâm nga những câu thơ dang dở: “Em thấy không - tất cả đã qua rồi/Trong hơi thở, và thời gian rất khẽ/Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế/Hoa súng tím vào trong mắt lắm say mê/Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay/Tiếng ve trong veo xé đôi bờ nước/Con ve tiên tri vô tâm báo thức/Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu”.
Hàng trăm nữ sinh khi chép đoạn thơ này đã khóc thút thít khi tiễn bạn lên đường ra trận, còn những sinh viên mặc áo lính như Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Trọng Văn đều ghi sổ tay. Cùng với Hoàng Nhuận Cầm, câu thơ đó ra trận. Khổ tiếp theo ông viết khi nhập ngũ. Lúc đó là những cảm xúc đã được chắt lọc qua thời gian cùng nỗi nhớ trường lớp, bạn bè, thầy cô, nhớ về tuổi học trò tuổi thần tiên. May mắn là người lính lãng mạn đó lại trở về sau chiến tranh để làm tiếp bài thơ “Chiếc lá đầu tiên” khi mà người bạn thân của mình là Nguyễn Văn Thạc “mãi mãi tuổi 20” nơi mặt trận Quảng Trị.
Bài thơ "Chiếc lá đầu tiên" được nhiều thế hệ học sinh chép lại trong cuốn sổ lưu bút cuối cấp, thay cho lời tiễn biệt thời áo trắng sân trường. |
Khổ cuối cùng của bài thơ ra đời vào thời điểm sau ngày 30- 4-1975, đất nước thống nhất, Hoàng Nhuận Cầm trở lại khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp tiếp tục cuộc đời sinh viên. Trong khoảnh khắc đứng lặng lẽ trên sân trường, ông biết rằng tất cả tuổi thanh xuân đã gửi lại ở trong những cánh rừng lửa đạn, còn trước mắt mình là thế hệ tiếp nối và khi ấy, ông thốt lên: “Em đã yêu anh, anh đã xa vời/ Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi/ Anh nhớ quá, mà chỉ lo ngoảnh lại/ Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên”.
Thơ Hoàng Nhuận Cầm kiệm lời, nhưng nói biết bao nhiêu. “Chiếc lá đầu tiên” chỉ là một trong những bài thơ như thế. Bởi vậy, ngay cả khi giờ đây, nhà thơ đã đi về miền miên viễn nhưng những vần thơ của ông thì sẽ vẫn còn sống mãi trong lòng nhiều thế hệ độc giả về sau.
Chiếc lá đầu tiên:
Em thấy không, tất cả đã xa rồi
Trong hơi thở của thời gian rất khẽ
Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say.
Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu.
Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Bài hát đầu, xin hát về trường cũ
Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ
Sân trường đêm - Rụng xuống trái bàng đêm.
Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi?
"Có một nàng Bạch Tuyết, các bạn ơi
Với lại bảy chú lùn rất quấy"
"Mười chú chứ, nhìn xem trong lớp ấy"
(Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao).
Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào
Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy
Mùa hoa mơ rồi đến mùa phượng cháy
Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm.
Thôi hết thời bím tóc trắng ngủ quên
Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ
Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ
Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi!
Em đã yêu anh, anh đã xa vời
Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi
Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường - chiếc lá buổi đầu tiên.