Điêu đứng vì nước bẩn, xây chung cư cần đảm bảo môi trường sống cư dân

TPO - PGS.TS Bùi Thị An - viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, cho rằng các doanh nghiệp nên tham gia nhiều hơn vào việc phát triển công trình xanh, xây dựng căn hộ cho người dân phải đi kèm với trách nhiệm đảm bảo môi trường sống sau sự cố nước sông Đà nhiễm bẩn khiến hàng vạn cư dân sống trong các khu chung cư Hà Nội điêu đứng.

Xây chung cư cần đảm bảo môi trường sống cư dân

Nước và không khí ngày càng ô nhiễm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý của cư dân, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Đặc biệt, thời gian qua khi chất lượng không khí liên tục được cho rằng vượt các ngưỡng chỉ tiêu, thì sự cố nước sông Đà nhiễm bẩn khiến hàng vạn cư dân sống trong các khu chung cư ở Hà Nội điêu đứng.

Chia sẻ tại, tại tọa đàm "Nước và không khí trong phát triển công trình xanh" vừa diễn ra, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng chia sẻ, vấn đề về môi trường đang là vấn đề rất nóng và nổi cộm. Trong đó bức xúc lớn liên quan tới ô nhiễm đất, nước, không khí. 

Điêu đứng vì nước bẩn, xây chung cư cần đảm bảo môi trường sống cư dân ảnh 1 PGS.TS Bùi Thị Ancho rằng, chủ đầu tư xây chung cư cần đảm bảo môi trường sống cư dân

Theo PGS.TS Bùi Thị An, có ba nguyên nhân dẫn đến chất lượng môi trường ngày càng xấu đi. Thứ nhất, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, sự phát triển công nghiệp lớn nhưng lại không đảm bảo tiêu chuẩn trong quá trình phát triển, dẫn đến ô nhiễm. Thứ hai, nước ta chưa có đủ điều kiện khoa học công nghệ. Từ năm 2000 - 2005, chúng ta đặc biệt quan tâm đến chất lượng nước, rác thải nhưng chưa quan tâm được đến chất lượng không khí.

Thứ ba là giai đoạn này dân số tăng đột biến. Nội thành Hà Nội hiện có đến 6 - 7 triệu người ở, lượng ô tô rất lớn. Nhiều làng nghề, cơ sở gây ô nhiễm vẫn đang hoạt động trong nội đô mà chưa được di dời.  “Rõ ràng không khí ô nhiễm tăng lên và chất lượng môi trường đang xuống cấp”, bà An nhấn mạnh.

Từ thực tế trên, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng các doanh nghiệp nên tham gia nhiều hơn vào việc phát triển công trình xanh, xây dựng căn hộ cho người dân phải đi kèm với trách nhiệm đảm bảo môi trường sống.

Đồng quan điểm, GS. TS. KTS Hoàng Mạnh Nguyên - Viện trưởng Viện Kiến trúc nhiệt đới, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, bản thân công trình xanh hướng tới nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nước và không khí. Theo đó, phát triển công trình xanh là giải pháp bền vững trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường sống. 

Liên quan tới trách nhiệm của chủ đầu tư trong bảo đảm chất lượng môi trường sống cho cư dân, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển, Tập đoàn Capital House cho biết, công trình xanh ngày càng có ý nghĩa trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Không gian cây xanh có tác dụng giảm nhiệt cho các khu dân cư, còn nước sinh hoạt cho chung cư là vấn đề vô cùng quan trọng, cần chú ý việc xét nghiệm nước, lắp đặt màng lọc nước...

Nên để doanh nghiệp bất động sản tham gia vào sản xuất nước sạch

Cũng tại tòa đàm, PGS.TS Bùi Thị An cho biết, kinh doanh nước sạch là một loại hình kinh doanh đặc thù. Về nguyên tắc, những công ty kinh doanh nước sạch phải đảm bảo chất lượng nước sạch đến từng người dân nhưng ở Việt Nam lại xảy ra một thực tế là nhiều doanh nghiệp bất động sản lại phải làm thay việc của nhà máy nước sạch, đảm bảo nguồn nước cho cư dân thông qua việc tự thiết kế các công trình lọc nước trong tòa nhà. Vậy, tại sao không để các doanh nghiệp bất động sản tham gia vào sản xuất nước sạch?

Điêu đứng vì nước bẩn, xây chung cư cần đảm bảo môi trường sống cư dân ảnh 2 Các doanh nghiệp bất động sản nên được khuyến khích tham gia sản xuất nước sạch để cung cấp trực tiếp cho cư dân của mình, thay vì phụ thuộc rất lớn vào một số đầu mối cung cấp nước sạch dẫn đến khi xảy ra sự cố nhiễm bẩn đã gây ra cuộc khủng hoảng nước sạch, làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

“Nên xã hội hóa, để chính các nhà đầu tư bất động sản tham gia vào kinh doanh nước sạch, chịu trách nhiệm về nguồn nước mà họ cung cấp cho cư dân thay vì chỉ để một vài đầu mối cung cấp như hiện nay, nguồn lực kém, chất lượng không đảm bảo. Những nhà đầu tư có tâm, có tầm hoàn toàn có thể đầu tư, sản xuất nước sạch phục vụ cho chính cư dân của họ. Tôi cho rằng, với dịch vụ cung cấp nước sạch, nên đấu thầu minh bạch. Như vậy vừa giảm giá thành, vừa đảm bảo chất lượng nước cho người dân để không tái diễn tình trạng khủng hoảng nước sạch như vụ Sông Đà. Trên mặt bằng cạnh tranh thì người dân, Nhà nước sẽ có lợi hơn”. PGS.TS Bùi Thị An nhận định.

Theo một số chuyên gia, vấn đề đặt ra là liệu có lợi ích nhóm nào ở đây không, khi mà trên thực tế, có rất nhiều đơn vị, đặc biệt là các chủ đầu tư bất động sản làm hạ tầng, đều rất muốn đầu tư vào nước sạch nhưng đều bị... bật ra.

“Rõ ràng, nếu họ trực tiếp làm nước sạch thì đó là cơ hội kinh doanh tốt, nhưng đó cũng là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với cư dân. Tôi cho rằng, thực ra Nhà nước không cần hỗ trợ gì nhiều, chỉ cần xây dựng được cơ chế đấu thầu công khai, minh bạch và chọn được nhà đầu tư thực sự chuẩn, có đầu vào thì nước sạch có thể sẽ rẻ hơn nữa. Bởi với công nghệ xây dựng của các nhà đầu tư chuyên nghiệp về bất động sản, họ có thừa sức để làm những nhà máy nước cực kỳ tốt. Chúng ta cần nhà đầu tư có tâm, có tầm chứ đừng chỉ nhìn vào những doanh nghiệp nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm”, vị này phân tích. 

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.