Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) cho biết, sau khi cô lập suối Trầm và hồ Đầm Bài, các chuyên gia của đơn vị này đã huy động phương tiện, trang thiết bị, vật tư chuyên dụng triển khai hoạt động xử lý ô nhiễm từ trưa ngày 17/10/2019, làm việc xuyên đêm 17 và đang tiếp tục.
Việc đầu tiên là lắp đặt các tấm lọc chuyên dụng dọc theo suối Trầm, suối Bằng dẫn về hồ nước để tách dầu lẫn trong nước thoát ra từ hoạt động thu gom đất, bùn, rác nhiễm dầu trên suối. Đây là giải pháp triển khai khẩn cấp đầu tiên để ngăn chặn từ nguồn, không cho váng dầu, dầu lẫn trong nước cũng như các hạt rắn có dầu bám dính thoát ra môi trường.
Các tấm lọc chuyên dụng này được duy trì liên tục, lọc toàn bộ nước chảy từ suối Trầm xuống, kiểm soát dầu còn sót lại nhả ra từ đất. “Đây là khâu quan trọng nhất trong hoạt động xử lý ô nhiễm, kiểm soát ô nhiễm từ đầu nguồn”, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam chia sẻ.
Trước đó vào chiều đến chiều 16/10 tại suối Trầm, chảy ra kênh dẫn nước của nhà máy vẫn còn hiện tượng váng dầu mỏng nổi lên mặt nước suối, các chuyên gia nhận định do 2 nguyên nhân là dầu ngấm vào đất từ điểm khởi nguồn sự cố rò rỉ theo nước vào suối và dầu lắng đọng dưới bùn còn sót lại nổi lên khi người dân dẫm chân xuống lòng suối. Lượng dầu này sẽ theo nước chảy tiếp tục bám dính vào phù sa lắng xuống đáy, khuếch tán trong nước.
Ông Sơn cho biết, theo phương án được phê duyệt, Trung tâm SOS đang triển khai nhiều biện pháp khác như thu gom đất, bùn có mùi dầu, cỏ cây bám dính dầu trên suối Trầm chuyển về bãi tập kết để xử lý như chất thải nguy hại.
Bên cạnh đó sẽ bóc toàn bộ phần đất nhiễm dầu tại khu vực dầu đổ xuống suối Trầm và xúc hết phần đất đã bị nhiễm dầu đưa về nơi tập kết chất thải nguy hại. Riêng khu vực gần trạm bơm hồ Đồng Bài, dự kiến sẽ tiến hành bơm hút toàn bộ sa lắng, lấy mẫu phân tích.
“Việc bơm hút và xử lý lớp bùn tại khu vực hồ Đầm Bài tiếp giáp với suối Bằng, kênh dẫn nước vào trạm bơm cũng được triển khai nhằm loại bỏ dầu và hóa chất sa lắng”, ông Sơn nói.
Trung tâm SOS đề xuất bổ sung thiết bị với khả năng kiểm tra hàm lượng một số loại hóa chất có hại trong nước trước khi đưa vào Nhà máy, Hiện nay Nhà máy chỉ có thiết bị kiểm tra liên tục 3 chỉ tiêu: độ đục, pH và clo dư. Đối với chỉ tiêu khác thì hàng tuần lấy mẫu phân tích và chờ kết quả.
Trước đó, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, ngày 9/10, người dân phát hiện việc đổ trộm dầu thải trên đường liên xã Hợp Thịnh - Phúc Tiến - Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình).
Sở TN-MT Hòa Bình, Cục Bảo vệ Môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) cùng UBND huyện Kỳ Sơn, UBND xã Phúc Tiến, Công an tỉnh Hòa Bình sau đó đã kiểm tra hiện trường.
Thời điểm phát hiện sự việc, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà - đơn vị vận hành nhà máy nước sạch Sông Đà - đã kiểm tra, phát hiện có váng dầu tại suối Bằng. Khi kiểm tra ngược theo dòng suối, đơn vị thấy trên đường liên xã của xã Hợp Thịnh và xã Phúc Tiến có đổ dầu thải. Dầu thải này chảy tràn xuống suối Trầm.
Từ đỉnh dốc (điểm có dầu) đến điểm chảy xuống suối khoảng 150 m. Do trời mưa nên có hiện tượng dầu chảy lan xuống suối Trầm và khu vực xung quanh.
Sau đó, Công ty nước sạch sông Đà rải cát trên toàn bộ bề mặt đường có dính dầu, khoanh vùng dầu chảy tràn trên bề mặt suối và thu gom dầu, nước dính dầu, cây cỏ dính dầu.
Khối lượng thu gom khoảng 100 lít dầu, nước dính dầu, 7 bao tải có dính dầu (khoảng 60 kg) được lưu giữ trong kho chứa chất thải nguy hại của nhà máy, khoảng 3-4 m3 cát dính dầu được chôn lấp tạm thời trong khuôn viên nhà máy, thành và đáy hố được lót bạt dứa, trên mặt phủ đất.
Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình cho biết, việc chôn lấp tạm thời cát lẫn dầu thải của Nhà máy nước sông Đà không đúng quy định, yêu cầu công ty khẩn trương thu gom; xử lý cát nhiễm dầu đã chôn lấp trong khuôn viên nhà máy.
Theo ông Phạm Văn Sơn việc xử lý ô nhiễm môi trường sẽ tiếp tục trong những ngày tới.