Ðiêu đứng vì dịch tả heo châu Phi

Thịt heo tại chợ TPHCM ế ẩm sau khi xuất hiện dịch tả heo châu Phi
Thịt heo tại chợ TPHCM ế ẩm sau khi xuất hiện dịch tả heo châu Phi
TP - Dù đã tăng cường kiểm soát, lập thêm trạm dã chiến, trắng đêm kiểm tra từng xe chở heo… thế nhưng, cuối cùng TPHCM vẫn có hộ chăn nuôi “dính” dịch tả heo châu Phi. Thị trường thịt heo mới le lói phục hồi, nay lại rơi vào tình trạng thê thảm khiến cả người nuôi và người bán đều tả tơi.

Người nuôi muốn chuyển nghề

Tình trạng heo ế đang diễn ra tại nhiều chợ lẻ ở TPHCM như chợ Phú Lâm (Q.6), chợ Hòa Bình (Q.5), chợ Căn Cứ (Q.Gò Vấp)… Trưa ngày 17/6, tại chợ Lê Văn Quới (Q.Bình Tân), nhiều quầy sạp kinh doanh thịt heo vẫn còn rất nhiều. Chị Lài (tiểu thương) thở dài: “Hôm nay lấy có nửa con, tầm 70kg, vậy mà từ sáng tới giờ chưa bán được phân nửa. Cả tuần nay đều vậy. Ế lắm!”.

Theo chị Lài, cách đây 10 ngày, khi giá vừa nhích nhẹ, bỗng nay phát hiện có dịch tả heo châu Phi, thế là bạn hàng lại quay lưng. Hiện chỉ có những người mua về bán hàng ăn thì vẫn lấy thịt, dù sức mua có sụt chút ít, còn người mua lẻ gần như không thấy. Tuy nhiên, giá cả thịt tại các chợ hầu như không giảm so với trước dù sức mua yếu. Cụ thể, đùi 84.000 đồng/kg, nạc dăm 72.000 đồng/kg, cốt lết 80.000 đồng/kg, sườn non 110.000 đồng/kg...

Đang lựa chọn mua heo mảnh tại chợ đầu mối Hóc Môn (H.Hóc Môn) để đưa ra chợ lẻ, chị Thu cho hay, trước đây mua cả 2 con (4 mảnh) rồi chia lại cho tiểu thương nhỏ, nhưng giờ chị chỉ còn dám lấy nửa con rồi tự pha lóc và bán luôn chứ không bỏ sỉ như trước. “Tuy loại bệnh này không lây sang người và động vật khác, song lượng khách mua vẫn e ngại. Khi mua họ cũng xem xét rất kỹ miếng thịt. Do đó, việc bảo quản thịt cũng phải rất cẩn thận nên chúng tôi không dám nhập nhiều.Bên cạnh đó, nhiều mối lái tạm ngưng bán, đóng sạp hoặc chuyển qua bán rau trái. Tôi cũng đang tính toán lại xem có tiếp tục kinh doanh heo nữa hay không, vì theo dự báo, từ đây đến cuối năm, nếu tình hình dịch tả heo châu Phi chưa được khống chế, việc khan hiếm thịt là điều chắc chắn” - chị Thu thở dài.

Ông Chánh, hộ chăn nuôi heo ở Q.Thủ Đức mấy ngày nay cũng nhấp nhổm đàn heo thịt gần 20 con của mình.

Trước đây, gần ngày xuất heo, thương lái, chủ lò mổ thường đến tận nhà để săn đón trước. Tuy nhiên, đợt này, ông phải “năn nỉ” thì họ mới đến thu mua hoặc giết mổ, đồng thời phải chấp nhận bán rẻ hơn để đẩy nhanh hàng, phòng ngừa dịch lây tới trại. Hiện tại, giá heo hơi được thương lái mua lại của người chăn nuôi giảm xuống mức 35.000-37.000 đồng/kg đối với thịt heo hơi loại thường, còn thịt heo hơi loại siêu nạc cũng chỉ 38.000-40.000 đồng/kg. Ông Chánh cho biết, sau đợt này ông sẽ đóng chuồng, chuyển qua nuôi gà, vịt hay thỏ.

Lo “trắng trại”

Dịch tả heo châu Phi đã lan rộng tới 56 tỉnh thành, gần 2,4 triệu con heo bị tiêu hủy. Mới đây nhất, Long An cũng đã công bố có dịch khiến người dân càng thêm hoang mang.

Thông tin về giá cả, sức mua mặt hàng thịt heo những ngày gần đây, ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Chợ đầu mối Hóc Môn cho hay, sản lượng và giá cả thịt heo vẫn đang giữ ổn định so với trước khi thành phố phát hiện có dịch tả heo châu Phi. Cụ thể, lượng heo về chợ đêm ngày 17/6 là 5.082 con, giá heo hơi 38.000 đồng/kg, heo mảnh loại 1 là 48.000 đồng/kg, giảm khoảng 1.000-2.000 đồng/kg so với 1 tuần trước. “Cái tôi lo nhất là hiện tượng “trắng trại” heo nếu dịch không được ngăn chặn kịp thời. Chợ Hóc Môn là chợ heo lớn nhất thành phố, trung bình cung cấp 5.000-5.200 con/ngày cho các chợ lẻ. Nếu heo không về nữa thì chợ sẽ đóng cửa, lúc đó thương nhân cũng không biết xoay xở thế nào” - ông Tiển lo lắng.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM đã gửi công văn đến UBND 24 quận/huyện về việc tăng cường các biện pháp khẩn cấp trong công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn TP (tình huống 3 - TP có dịch). Trong đó vận động người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến, kho bảo quản, nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể thực hiện cam kết không vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ thịt heo, sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch để kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Dù các ngành chức năng đẩy mạnh phòng chống dịch nhưng đến nay đã có tới 56/63 tỉnh thành phát hiện có dịch tả heo châu Phi. Cá biệt như An Giang công bố dịch trên toàn tỉnh, một số địa phương khác vẫn còn tình trạng phát hiện xác heo chết ở ngoài môi trường. Chính điều này làm ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng. Trong một báo cáo mới đây, Rabobank (định chế tài chính của Hà Lan chuyên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm) dự báo: Lượng thịt heo của Việt Nam năm 2019 giảm ít nhất 10%, tiêu dùng thịt heo tính theo đầu người cũng sẽ giảm tới 7%.

TPHCM sẽ hỗ trợ các địa phương cấp đông thịt heo

Theo Sở Công Thương TPHCM, để đảm bảo nguồn cung thịt heo khi dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, thành phố đang khuyến khích doanh nghiệp thu mua, cấp đông dự trữ thịt lợn. Bởi hiện nay, thành phố chỉ có khoảng 20% lượng thịt heo được nuôi chủ động, còn lại phải nhập từ các tỉnh thành phố khác. UBND TPHCM cũng đã làm việc với 6 doanh nghiệp lớn trên địa bàn để khẩn trương thu mua, dự trữ thịt heo và đề nghị các doanh nghiệp này chủ động tìm các nguồn thực phẩm an toàn khác thay thế nếu nguồn thịt heo sụt giảm.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM nhìn nhận, thành phố đang có lợi thế là có hệ thống kho cấp đông nhiều. Bởi hiện hệ thống kho chứa tại thành phố đủ đáp ứng chương trình bình ổn giá và TPHCM sẽ vận động các doanh nghiệp có kho chứa hỗ trợ cấp đông thịt heo cho các địa phương giáp ranh. Người tiêu dùng hiện đã có nhận thức rộng mở hơn giữa thịt nóng và thịt đông lạnh, bởi nếu có mua thịt nóng, các gia đình cũng bỏ tủ lạnh cả tuần để sử dụng dần.

Ðược biết, nhu cầu tiêu thụ thịt heo tại TPHCM khoảng 4.000 tấn thịt lợn/tháng và khi các doanh nghiệp cấp đông, dự trữ nguồn hàng thì sẽ đảm bảo nguồn cung thịt cho người dân trong nhiều tháng khi dịch bệnh tả châu Phi diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề trữ đông thịt heo, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho rằng, chưa thể nói là làm ngay được. Lý do là người dân vẫn thích dùng thịt nóng hơn thịt nguội; muốn cấp đông phải có đủ kho lạnh, trong khi hệ thống kho lạnh hiện nay vẫn chưa đủ đáp ứng, chưa kể đội chi phí nhiên liệu sẽ đẩy giá heo lên cao. 

MỚI - NÓNG