UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải (GTVT), Sở Quy hoạch – Kiến trúc và UBND huyện Củ Chi về phương án hướng tuyến đường Vành đai 4 đoạn qua địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND TPHCM chấp thuận về mặt chủ trương đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường Vành đai 4 đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM (phương án 2) theo ý kiến của Sở GTVT và các sở ngành.
Cụ thể, phương án 2 như sau: Hướng tuyến đi về phía Đông-Nam (phía trái) so với hướng tuyến trong đồ án quy hoạch chung TPHCM. Phương án này sẽ hạn chế ảnh hưởng các đồ án quy hoạch đã thực hiện, cũng như hạn chế ảnh hưởng tới Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi giai đoạn 2.
Sơ đồ tuyến đường Vành đai 4 TPHCM theo quy hoạch. Nguồn: Sở GTVT TPHCM |
Ngoài ra, đoạn vành đai được nắn lại một số khu vực để tránh các đường hiện hữu như Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành... Chiều dài tuyến theo phương án 2 là 17,12 km, vốn đầu tư giai đoạn 1 là 13.893 tỷ đồng; giai đoạn hoàn thiện gần 22.900 tỷ đồng. Tuyến này cơ bản tránh các đường hiện hữu, ít hộ di dời, chi phí giải phóng mặt bằng thấp và không ảnh hưởng nối kết giao thông khu vực.
UBND TPHCM giao Sở GTVT lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án (với phương án hướng tuyển chọn là Phương án 2) để lấy ý kiến góp ý của các sở ngành, đơn vị liên quan; đồng thời, xây dựng kế hoạch chi tiết (nội dung công việc, cơ quan chủ trì, phối hợp, tiến độ thực hiện...) để triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định; tham mưu, đề xuất UBND thành phố trong tháng 10/2023.
UBND TPHCM cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp UBND huyện Củ Chi và các sở ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện điều chỉnh cục bộ các Đồ án quy hoạch theo quy định và cơ chế chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết số 98 của Quốc hội; qua đó, tham mưu, đề xuất UBND TP trong tháng 10/2023.
Dự án xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM có tổng chiều dài khoảng 200 km đi qua các tỉnh thành gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TPHCM.
UBND TPHCM là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), dài khoảng 17 km.
Bên cạnh TPHCM, 4 địa phương còn lại là cơ quan có thẩm quyền đầu tư các đoạn thuộc vành đai 4 qua địa bàn. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn, dài khoảng 18 km. Đồng Nai làm đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên (không tính cầu Thủ Biên), dài 45 km. Tỉnh Bình Dương được giao xây dựng đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên), dài khoảng 49 km. Long An thực hiện đoạn kênh Thầy Cai - Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TPHCM) dài khoảng 71 km.