Điều chỉnh cục bộ, cá nhân phá nát quy hoạch xây dựng

Nhiều khu đô thị kiểu mẫu "ngẫu hứng" điều chỉnh, quy hoạch gây bức xúc trong dân Ảnh: PV
Nhiều khu đô thị kiểu mẫu "ngẫu hứng" điều chỉnh, quy hoạch gây bức xúc trong dân Ảnh: PV
TP - Thảo luận tại tổ về Luật Xây dựng (sửa đổi), sáng 18/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nêu ra những bất cập khi quy hoạch xây dựng đã được duyệt nhưng việc điều chỉnh cục bộ lại quá dễ dàng, chỉ do vài cá nhân quyết định, dẫn đến phá vỡ quy hoạch, gây ách tắc giao thông và bức xúc trong xã hội. 

Phá vỡ quy hoạch, gây bức xúc xã hội

Đề cập đến công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, khi thông qua quy hoạch một đô thị, thậm chí một quận, một khu đô thị làm rất nghiêm túc song những điều chỉnh quy hoạch sau khi quy hoạch đã được công bố lại làm rất đơn giản. “Chỉ cần UBND địa phương cùng 1 - 2 sở ngành cũng có thể điều chỉnh quy hoạch đã được thông qua bằng việc lấy ý kiến các bộ ngành, hội đồng kiến trúc. Điều này sẽ phá vỡ quy hoạch”, ông Thể phân tích.

Để ngăn chặn tình trạng này, ông Thể đề xuất, khi điều chỉnh quy hoạch thì cấp nào ban hành quy hoạch, hội đồng bao nhiêu người, cơ quan thông qua thì cũng phải có một hội đồng tương ứng như thế đồng ý mới được điều chỉnh để đảm bảo tính khách quan, “tránh tình trạng một vài cá nhân điều chỉnh khu nào đó, phá nát quy hoạch, dẫn đến ùn ứ giao thông, gây bức xúc trong xã hội”.

Dẫn ví dụ về quy hoạch một khu đô thị được thông qua mật độ nhà cửa, khu công viên, công cộng rất rõ nhưng đến khi nhà đầu tư thay đổi cục bộ dẫn đến mất diện tích cây xanh, diện tích công cộng, Bộ trưởng Thể chỉ rõ, bất cập hiện nay là những thay đổi này chỉ có một số đồng chí lãnh đạo, một số sở, ngành tự điều chỉnh chứ hội đồng thẩm định quy hoạch trước đó hoàn toàn không biết. Theo ông Thể, chính việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch quá dễ nên họ sử dụng quyền đó làm quy hoạch không tốt.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) bày tỏ sự bức xúc trước thủ tục cấp giấy phép, hoàn công, làm người dân khốn khổ. “Cho giấy phép xây dựng xong đến khi hoàn công lại làm bộ hồ sơ khác rất phức tạp, rồi phải làm lại sổ đỏ khi đã có tài sản trên đất. Tại sao không gom làm một? Cấp giấy phép xây dựng thì đi kèm theo bộ hồ sơ hoàn công và sổ đỏ, quyền sử dụng đất và tài sản trên đất”, ông nói và nhấn mạnh “hành hạ người dân mới có chuyện chia cắt như thế”. Ông Kim đề nghị các bộ phải thảo luận để liên thông, giải quyết cho dân. “Việc của bộ khác nhưng cùng trong nhà nước vì dân, của dân, do dân thì phải thảo luận để giúp dân”, ông Kim nói.

Thất thoát, lãng phí sao vẫn đảm bảo an toàn?

Nhắc tới việc suất đầu tư các công trình xây dựng trong nước thường cao hơn so với các nước trong khu vực, ĐBQH Sùng Thìn Cò (Hà Giang) bày tỏ sự chưa hài lòng với giải thích của các bộ trưởng là “do địa chất phức tạp, khó xử lý”. “Nhiều nước địa hình, địa chất cũng như thế mà sao họ lại thấp hơn chúng ta”, ông Cò nêu câu hỏi và thẳng thắn cho rằng, từ quy hoạch đến thực hiện dự án, kết thúc và đưa công trình vào khai thác sử dụng thì hầu hết các dự án đều phát sinh chi phí. “Không có dự án nào tiêu không hết tiền, bao nhiêu dự phòng đều hết cả, thậm chí còn vượt tổng mức đầu tư mấy trăm phần trăm mà công trình kéo dài lê thê, chục năm không hoàn thành. Nhưng không quy định rõ trách nhiệm chủ đầu tư, cấp trên của chủ đầu tư, các nhà thầu, các bên liên quan... Đây là những mầm mống làm bức xúc trong xã hội, gây mất uy tín trong nhân dân...”, ĐB Sùng Thìn Cò đề cập.

ĐBQH Hoàng Duy Chinh (Bắc Kạn) cũng bày tỏ sự bức xúc trước việc suất đầu tư lớn, thất thoát lớn, song vẫn được kết luận “tuyệt đối an toàn”? “Có người nói do luật chúng ta thiết kế các tiêu chuẩn an toàn quá cao nên bớt đi rồi vẫn an toàn. Không biết hiểu như thế có đúng không khi mà thanh, kiểm tra công trình thì có thất thoát mà công trình đó vẫn đảm bảo an toàn. Tại sao gây thất thoát mà vẫn an toàn? Làm gì có chuyện nhà thầu không có lãi?”, ông Chinh nói và đề nghị đưa vấn đề này vào Luật Xây dựng để quản lý chặt chẽ, chống thất thoát.

Liên quan đến vấn đề thất thoát trong đầu tư công, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh dẫn ví dụ về tính toán giá vật liệu xây dựng khi làm công trình giao thông. “Giá vật liệu và giá đất san nền lấy tại mỏ và tính khoảng cách từ mỏ đến công trình xây dựng. Khoảng cách bao nhiêu cộng với giá gốc tại đấy là ra. Nhưng thực chất có tình trạng “đất tặc”, “cát tặc” bởi ra thực tế công trình người thi công thấy ở đâu gần thì mua ở đấy. Lại không ai kiểm soát chuyện khoảng cách bao nhiêu cây số để ra cái giá xây dựng. Cho nên vừa thất thoát vừa tạo điều kiện khai thác trộm khoáng sản”, ông Khánh phân tích.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cũng đề nghị cần làm rõ quy trình thẩm định đầu tư, chất lượng công trình và trách nhiệm của chủ đầu tư. “Lúc làm thì ai cũng cứ muốn làm chủ đầu tư, nhưng đến khi công trình có vấn đề thì không có quy định xử phạt. Phải làm sao, khi cầm tiền rồi chủ đầu tư phải sợ và đảm bảo trách nhiệm. Chứ đằng này chủ đầu tư cứ làm mà công trình thì cứ xuống cấp”, ông Khánh nhấn mạnh đồng thời đề nghị quan tâm quản lý chất lượng công trình xây dựng để giữ tuổi thọ, tính bền vững của công trình.

Điều chỉnh cục bộ, cá nhân phá nát quy hoạch xây dựng ảnh 1 Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

“Tôi đề nghị những công trình lớn, đô thị lớn, nên chăng có quy định chặt chẽ theo hướng hội đồng nào, cấp nào thông qua quy hoạch thì khi điều chỉnh phải có hội đồng tương ứng đồng ý, tránh xé lẻ làm phá đi quy hoạch”, Bộ trưởng Thể đề xuất.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

MỚI - NÓNG