Điện sáng rỡ, mừng hết biết
Ông Thạch Ọl ở ấp Phnô Cam Bốt, xã Tham Ðôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã từng reo lên khi điện lưới quốc gia được kéo đến tận nhà: “Cuộc sống thay đổi rồi!”. Ông Ọl so sánh: “Trước không có điện, ban đêm tối thui, muốn đi lại phải lấy lá dừa bó lại làm đuốc lần mò đường mà đi. Con cái học hành phải đốt đèn dầu, chớ đâu có sáng sủa như bây giờ”. Theo ông Ọl, điều bà con Khmer ở đây mừng nhất là được thoải mái nghe đài, xem tivi để học hỏi cách làm ăn phát triển kinh tế gia đình, hiểu biết pháp luật...
Đến thăm nhà anh Thạch Sa Rót (ấp Ba Sát, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) đúng lúc anh đang ngồi xem lại vở tuồng do gánh hát ở địa phương tự biên, tự diễn. “Tụi mình mới thành lập gánh hát được ba tháng, tự dàn dựng vở và biểu diễn cho bà con xem. Đêm diễn đầu tiên được tổ chức ở trong chùa cách đây ít hôm, bà con kéo đến xem như đi hội”- anh Sa Rót kể, đồng thời cho biết, lần đầu tiên ở ấp thành lập được gánh hát và hát bằng tiếng Khmer nên bà con rất vui. “Nhờ có điện, tụi tui mới dễ luyện tập và biểu diễn. Cũng nhờ có điện nên sau khi ghi hình mới đưa vào màn hình tivi mở xem lại để rút kinh nghiệm”- Sa Rót nói. Anh cũng cho biết, mới đây, nhà anh đã được kéo điện vào tận nhà và được gắn đồng hồ riêng. “Điện sáng rỡ, mừng hết biết”- Sa Rót bày tỏ niềm vui.
“Các hộ dân có đường điện đi qua, nhất là đồng bào dân tộc Khmer, vì quyền lợi chung của cả cộng đồng đã cùng đóng góp công sức và tạo thuận lợi hỗ trợ Nhà nước triển khai thực hiện tốt dự án này. Khi dự án hoàn thành đồng bào dân tộc Khmer sẽ có thêm điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giảm mạnh hộ nghèo, tăng nhanh số hộ khá, giàu; Góp phần xây dựng phum sóc, ấp – khóm văn hoá, gia đình văn hoá mới, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn của tỉnh Sóc Trăng nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng”.
Ông Lâm Văn Mẫn -
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng
Trở lại xã Phú Cần (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) vào đầu năm 2016, phóng viên nhận thấy một sự đổi khác lớn so với lần đến đây vào năm 2014. Đêm đến, các phum sóc của bà con người Khmer rực sáng ánh đèn điện. Người người mừng vui, nhiều gia đình đã sắm ti vi, quạt máy và các đồ điện gia dụng. Bà Thạch Chanh kể: “Hôm đầu tiên có điện, vợ chồng tui vui tới nỗi không ngủ được. Tui nói với ông xã mai mua cái tivi ông nghen. Ổng cười nói má mày mua đi…”. Bà Chanh cũng cho biết, không riêng gia đình bà, cả phum sóc này đều vui như vậy. Chị Kim Thị Oanh Ni, xã Kế Thành, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) kể về những đổi thay tức thời khi có điện: “Trước đây bà con thường xài bình ắc quy để xem ti vi. Mỗi khi hết bình phải chở đi sạc rất cực. Bây giờ muốn coi ti vi giờ nào cũng được, có điện rồi dễ. Các con học bài cũng dễ hơn khi còn đốt đèn cóc”.
Chuyển động theo dòng điện
Ngoai làm ruộng, ông Thạch Hiếu (ấp Ba Sát, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, tỉnh Sóc Trăng) còn tranh thủ những ngày nông nhàn làm nghề mộc tăng thêm thu nhập. “Trước đây toàn phải làm bằng tay, mất khá nhiều thời gian mới hoàn thành một sản phẩm. Từ khi có điện, tôi bắt đầu mua sắm máy móc và mọi công đoạn từ cưa, xẻ đến bào, khoan…đều làm bằng máy nên tốc độ vừa nhanh lại vừa khỏe. Thu nhập cũng tăng lên”- ông Hiếu chia sẻ.
Ấp Ba Sát có 389 hộ, với 1.215 nhân khẩu, trong đó hầu hết là người Khmer. Đến nay, trên 99% hộ dân trong ấp có điện. Trưởng ấp Ba Sát, ông Thạch Tuấn cho biết trước đây khi chưa có điện, nhiều hộ dân trong ấp sử dụng điện câu đuôi, chất lượng điện áp không đảm bảo nên không thể dùng trong sản xuất, chưa kể giá rất cao. Từ khi dự án cấp điện cho đồng bào Khmer được thực hiện, điện về thắp sáng từng nhà dân đã làm thay đổi bộ mặt của ấp nghèo này. “Nhờ có điện, nhiều hộ dân trong ấp phát triển nghề xay xát gạo, chăn nuôi bò, heo và nâng cao đời sống”- ông Tuấn cho biết.
Gia đình ông Sơ Xa Bời, chuyên nuôi nái, là một ví dụ. Khi có điện, ông đầu tư mô-tơ bơm tưới nước cho heo. Nhờ thuận lợi trong việc chăm sóc, ông mạnh dạn nâng số lượng heo và hiện trong chuồng nhà ông có đến 12 con heo nái, cho nguồn thu cao. Trong khi đó, ông Kiên Tìa tận dụng lợi thế của điện để nâng cao năng suất lúa. Nhà ông có 15 công ruộng, trước đây năng suất chỉ đạt 18-19 giạ/công/vụ. Từ khi có điện, ông chăm chỉ theo dõi và học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất do các kênh truyền chuyên về khoa học kỹ thuật hướng dẫn và áp dụng vào sản xuất. Kết quả, năng suất lúa gia đình ông tăng lên 26-27 giạ/công/vụ.
Ông Dương Văn Thanh- Phó chủ tịch UBND xã Đôn Châu cho biết tỷ lệ hộ dân có điện trong xã hiện đạt 96,41% và xã đã hoàn thành tiêu chí thứ 4 trong xây dựng nông thôn mới. Tương tự Đôn Châu, đời sống của người dân xã Đông Hải (huyện Duyên Hải), nơi phần lớn là đồng bào Khmer, cũng khá lên nhờ có điện phát triển nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, tưới tiêu hoa màu.
Ông Ngô Văn Phil- Chủ tịch UBND xã Đông Hải cho biết cả xã có 2.073 hộ dân với 8.690 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Khi dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer (3 giai đoạn) được triển khai, trên địa bàn xã có 558 hộ dân được cấp điện, nâng tỷ lệ hộ dân có điện từ 90,04% (năm 2011) lên gần 99% vào thời điểm hiện tại.
Nhờ có điện, ông Thạch Hiếu phát triển nghề mộc, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Từ ngày có điện, gia đình ông Thạch Chang (thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) có thêm điều kiện mở rộng chăn nuôi, đặc biệt, là chủ động lịch thời vụ và được hưởng với giá điện đúng qui định. Điện cũng đã góp phần giúp cho đồng bào Khmer hai huyện Vĩnh Châu và Trần Đề (Sóc Trăng) có thêm điều kiện bơm tưới để mở rộng diện tích hành tím đặc sản và mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Ông Ngô Minh Trạng - Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng đánh giá: “Không chỉ cung cấp điện sinh hoạt nâng cao đời sống cho đồng bào Khmer, điện còn góp phần phục vụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đặc biệt nuôi trồng thủy sản, góp phần tạo nguyên liệu cho xuất khẩu thủy sản của tỉnh mỗi năm đạt khoảng 450 triệu USD”.
Phum sóc được “phủ” điện
Ông Nguyễn Văn Hợp - Tổng giám đốc EVN SPC cho biết, Dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer tại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang là dự án trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện từ tháng 8 năm 2009 với mục tiêu tạo điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, người dân có điều kiện để mở rộng sản xuất, giải trí và tiếp cận thông tin nhiều hơn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trong khu vực.
Vì ý nghĩa quan trọng của dự án, EVN SPC cùng các đơn vị trực thuộc đã nỗ lực để triển khai thành công dự án. Trong đó, dự án thành phần tại Bạc Liêu đã được hoàn thành từ nhiều năm trước. Đến nay, dự án tiếp tục hoàn thành tại hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh.
Mặc dù có nhiều khó khăn thách thức, nhưng ngành Điện cùng với địa phương và các nhà thầu đã nỗ lực thực hiện hoàn thành dự án. Tại Trà Vinh, sau 5 năm triển khai với 3 giai đoạn, đến nay dự án này đã được hoàn thành, đúng tiến độ đề ra. Ông Đặng Văn Dình - Phó GĐ Công ty Điện lực Trà Vinh cho hay, khi hoàn thành, dự án cấp điện ổn định cho gần 35.000 hộ dân, nâng tổng số hộ có điện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh lên 264.227 hộ (đạt 98,48%), trong đó số hộ nông thôn có điện đạt 97,82% và số hộ đồng bào dân tộc Khmer có điện khoảng 97%.
Tại Sóc Trăng, đến nay đưa vào vận hành đảm bảo về chất lượng, kỹ thuật, an toàn và cấp điện ổn định cho trên 45.308 hộ dân. Ông Huỳnh Minh Hải- Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng cho biết, Dự án hoàn thành đã đưa tỷ lệ hộ gia đình có điện trên toàn tỉnh Sóc Trăng lên 99,4%, trong đó tỷ lệ hộ Khmer có điện lên 91%.