Điện thay đổi cuộc sống trên đảo Phú Quý

Từ khi có điện 24/24 giờ, khu vui chơi cho trẻ em trên đảo Phú Quý được hình thành. Ảnh: TCN.
Từ khi có điện 24/24 giờ, khu vui chơi cho trẻ em trên đảo Phú Quý được hình thành. Ảnh: TCN.
TP - Kể từ 2014, người dân trên đảo Phú Quý (Bình Thuận) được cung cấp điện 24/24, ngang với giá điện trong đất liền. Nhờ có điện đầy đủ, cuộc sống của người dân Phú Quý đang từng ngày thay đổi, khấm khá.

Bí thư huyện ủy Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), ông Trần Tới khẳng định: “Việc thực hiện giá bán điện bằng với đất liền và nâng thời gian sử dụng điện lên 24 giờ/ngày đối với đảo Phú Quý là bước ngoặt mang tính lịch sử. Đây là yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo Phú Quý”.

Đổi thay nơi đảo xa

Chúng tôi đến thôn Hội An, xã Tam Thanh. Dọc theo những con đường nhỏ trong thôn, trụ và dây điện được kéo cùng khắp. Cứ một đoạn chừng hơn 50m có một ngọn đèn đường. Bà con cho biết nhờ những đèn này không ai còn sợ bóng đêm. Ánh sáng đến đâu đem văn minh đến đó.

Vào thăm nhà ông Đỗ Đẫm. Vừa mời khách ngồi, chủ nhà, lão ngư phủ tuổi 70, với tay lên tường bật công tắc quạt máy. Ngọn gió từ quạt tỏa ra xua đi cái nắng nóng của buổi trưa hè.

Người nhà ông bê chiếc khay trên đó có vài ly nước đá và một bình trà. Để một ly trước mặt, ông rót trà vào ly đá mời khách. “Nhờ có điện đó anh”- ông nói, đồng thời cho biết từ ngày có điện 24/24 và giá điện bằng giá đất liền, cuộc sống chúng tôi khởi sắc hơn, có được TV, tủ lạnh, máy giặt...

Ông Đẫm cho biết thêm, từ khi điện có suốt ngày đêm bà con vui lắm. Tôi nay đã lớn tuổi rồi không còn khả năng rong ruổi trên ghe để đánh bắt. Ở nhà, quanh năm làm bạn với chiếc TV...

Câu chuyện giữa ông và chúng tôi bị ngắt quãng khi vợ ông từ ngoài xách giỏ đi vào. Ông nói: “Bả đi chợ về. Trước kia ngày nào cũng đi giờ thì một tuần hay năm ba bữa mới đi một lần. Thức ăn mua về cho vào tủ lạnh ăn dần. Cơm thì chỉ cần vo gạo và bật nút, khoảng nửa giờ sau có ăn”.

Một cụ già gần 90 tuổi mà chúng tôi đã gặp ở xã Long Hải cho biết, trước đây tàu thuyền không dám đi xa, chỉ đánh bắt gần bờ. Sáng đi chiều về. Hoặc tối đi sáng về. Sản vật đánh bắt được không nhiều vì không có điều kiện bảo quản vì  không có điện. Ban đêm bà con thức khuya hơn. Có tiếng nhạc xập xình từ trong các gia đình vọng ra, có tiếng cười nói của trẻ thơ, của người lớn quây quần quanh chiếc TV.  “Cả một đời, sinh ra và lớn lên ở Phú Quý, đến lúc già thấy cuộc sống đổi thay có chết tôi cũng mãn nguyện”- cụ nói và nở nụ cười rạng rỡ.

Chuyển động

Đến thăm doanh nghiệp tư nhân chế biến hải sản Phú Nuôi, được Giám đốc Nguyễn Văn Phú cho biết, trung bình một năm, doanh nghiệp này chế biến khoảng 300 tấn sản phẩm. “Trước đây chưa có điện, chạy hoàn toàn bằng máy nổ chi phí rất cao không dám làm nhiều nên lợi nhuận thấp khiến cho đời sống công nhân bị ảnh hưởng nặng. Từ ngày có điện hoạt động 24/24 cơ sở ông có phần khởi sắc. Sản lượng bây giờ tăng hơn 3 lần khi chưa có điện. Trong năm 2015 doanh thu của cơ sở ông đạt mức 35 tỷ”- ông Phú chia sẻ.

Ông Phú cũng cho biết, trước đây tình trạng điện phập phù không đáp ứng được nhu cầu sản xuất nên nhiều doanh nghiệp đã vào đất liền đầu tư kinh doanh. Qua nhiều năm như thế, những doanh nghiệp này đã “mọc rễ” nên rất khó để họ trở về lại Phú Quý. Tuy nhiên, hiện nay đang có những dấu hiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư quay lại đảo hoạt động.

Ông Tạ Minh Nhựt, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết, sau khi điện đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, huyện đang kêu gọi khôi phục lại các ngành nghề như nước đá, chế biến hải sản. Sắp tới đây huyện sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp để phát triển nhà hàng, khách sạn và tiểu thủ công nghiệp. Hiện nay đã có một dự án về du lịch được một doanh nghiệp ở TPHCM xúc tiến đầu tư. Tại Phú Quý, dịch vụ du lịch đang ở mức khởi động. Có 7 điểm du lịch đang được xúc tiến nhưng tất cả còn nằm trên giấy trừ một điểm là vịnh Triều Dương đã hoạt động nhưng cũng chưa hiệu quả lắm.

Chủ tịch UBND huyện cũng cho biết, phương tiện đi lại giữa đất liền và đảo Phú Quý cũng dần được cải thiện với việc ra đời của những chiếc tàu hiện đại, và có tốc độ cao hơn. Nhờ vậy, du khách đến với Phú Quý ngày càng nhiều hơn. Trước đây, muốn đến Phú Quý, du khách phải đi trên những con tàu nhỏ mất khá nhiều thời gian. Từ khi tàu Hưng Phát ra đời, với độ an toàn cao và rút ngắn được thời gian chạy tàu, du khách đổ về Phú Quý khá nhiều. Chỉ riêng dịp lễ 30/4 vừa qua có đến 2.000 du khách ra đảo. Trên đảo hiện có 122 phòng lưu trú theo dạng nhà nghỉ và các chủ đầu tư đang có kế hoạch xây dựng thêm 55 phòng có qui mô khách sạn.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.