Điện quốc gia đẩy mạnh kinh tế vùng thuần nông Hậu Giang

Nhờ có điện lưới ổn định, hoạt động chế biến nông sản tại Hậu Giang phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Trong ảnh: Một cơ sở chế biến gạo tại huyện Long Mỹ, Hậu Giang. Ảnh: Đại Dương
Nhờ có điện lưới ổn định, hoạt động chế biến nông sản tại Hậu Giang phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Trong ảnh: Một cơ sở chế biến gạo tại huyện Long Mỹ, Hậu Giang. Ảnh: Đại Dương
TP - Với sự phát triển không ngừng của hệ thống điện quốc gia trên địa bàn, sau 10 năm thành lập, kinh tế tỉnh thuần nông Hậu Giang từng bước được chuyển dịch theo hướng tăng mạnh tỷ lệ công nghiệp và dịch vụ.

Ruộng đồng, xóm ấp bừng lên cùng điện

Ngành điện Hậu Giang đã bám sát các mục tiêu phát triển nông nghiệp và nông thôn để đưa dòng điện quốc gia đến với từng xóm ấp. Ông Nguyễn Thanh Hùng, ở huyện Long Mỹ tâm sự: “Trước đây bà con xài đèn dầu rất cực khổ, con em không đủ ánh sáng để học. Giờ thì điện trải khắp các nơi, kể cả vùng sâu nên sản xuất, sinh hoạt của bà con rất thuận lợi”.

Ông Hùng cho biết, khi có trạm bơm khép kín, bà con không còn phải đem máy chạy bằng dầu ra bơm rồi thức khuya dậy sớm cực khổ. Nhờ có trạm bơm điện, nước tưới đầy đủ, năng suất lúa của gia đình ông Hùng và nhiều hộ dân trong vùng đạt rất cao, từ 8 đến 10 tấn/ha/vụ.

Theo ông Lê Văn Sếp, một nông dân khác tại Long Mỹ, không chỉ năng suất lúa tăng cao, nhờ có nước bơm tưới dồi dào chi phí lại rẻ hơn bơm dầu 20 – 30% nên người dân địa phương còn phát triển chăn nuôi, trồng rẫy tăng thu nhập; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để chăm sóc vườn tược, ao nuôi.

Cũng nhờ có điện lưới quốc gia, các hoạt động sản xuất chế biến nông thủy sản được phát triển, đồng thời vực dậy các làng nghề truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Dọc theo kinh xáng Xà No, con đường thủy huyết mạch chạy ngang qua địa bàn tỉnh Hậu Giang đã hình thành hệ thống xay xát, lau bóng gạo hoạt động liên tục. Từ đây, mỗi năm, hàng trăm nghìn tấn gạo được cung ứng cho các đầu mối xuất khẩu. Ngoài năng lực xay xát khoảng 40 ngàn tấn lúa/năm, mới đây, Nhà máy xay xát Thanh Phong còn đầu tư thêm dây chuyền sản xuất củi trấu nhằm tận dụng phụ phẩm để tăng hiệu quả sản xuất. Theo bà Trương Thị Thùy Nga, chủ nhà máy, điều này chỉ có thể thực hiện được khi nguồn cung điện được cung ứng đầy đủ, ổn định và kịp thời.

Công nghiệp khởi sắc

Hậu Giang đã hình thành 2 khu và nhiều cụm công nghiệp thu hút hàng chục nhà đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đầu tư hơn 50 ngàn tỷ đồng và hàng trăm triệu USD, thú hút trên 10 ngàn lao động tại chỗ. Nhiều doanh nghiệp đã và đang hoạt động có hiệu quả cao.

Khởi nghiệp từ một cơ sở chế biến thủy hải sản quy mô nhỏ, với vài chục công nhân, Công ty TNHH Phú Thạnh đã không ngừng nỗ lực để mở rộng qui mô, luôn đảm bảo ở mức tăng trưởng 10 đến 15% mỗi năm. Sau 10 năm hoạt động, hiện công ty Phú Thạnh có khoảng 300 công nhân, hàng năm tạo ra khoảng 2.000 tấn sản phẩm như rau, củ, quả và các mặt hàng thủy hải sản.

Ông Trương Kiếm Phan - GĐ Xí nghiệp đông lạnh Phú Thạnh cho biết hầu hết các công đoạn trong dây chuyền sản xuất của xí nghiệp để sử dụng điện, từ sơ chế, tiếp nhận hàng, tới cấp đông, trữ lạnh. Vì vậy, có thể khẳng định, điện đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản ngay tại vùng nông nghiệp trọng điểm của ĐBSCL. Phó GĐ Sở Công thương Hậu Giang, ông Lê Chí Công đánh giá: “Ngày thành lập tỉnh, công nghiệp Hậu Giang rất nhỏ bé, điện sản xuất lúc có lúc không, chất lượng điện không đảm bảo. Suốt 10 năm qua, với sự cố gắng không ngừng của ngành điện, kinh tế tỉnh nhà trong đó có lãnh vực công nghiệp phát triển nhảy vọt”. Nhờ có nguồn điền đầy đủ, ổn định, giá trị sản xuất công nghiệp của Hậu Giang tăng bình quan trên 11%/ năm. Tính đến cuối năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng gấp đôi so với năm đầu thành lập.

Ông Nguyễn Viết Thọ - GĐ Công ty Điện lực Hậu Giang: “Trong nhiều năm vừa qua, mỗi năm chúng tôi đầu tư 8 - 10 tỷ đồng kéo điện cho 10 - 15 nghìn hộ dân trong tỉnh. Chúng tôi còn ứng vốn của tỉnh để kéo điện, riêng năm 2010 đã ứng 32 tỷ đồng tiền từ vốn ngân sách để kéo điện và trả dần trong khoảng thời gian 5 năm. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ có điện được nâng từ 84% của ngày mới thành lập tỉnh lên 98% như hiện nay.

MỚI - NÓNG