Điện mặt trời phát triển nóng
Liên quan đến việc quản lý, điều tiết điện lực quốc gia, Bộ Công Thương cho biết, năm 2019, dự báo sẽ có nhiều khó khăn mà ngành điện phải đối mặt, vì vậy, công tác vận hành hệ thống điện được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Tổng nhu cầu điện năng toàn quốc năm 2019 ước đạt 240,8 tỷ kWh, tăng 9,41% so với năm 2018. Theo Bộ này, năm 2019 không xuất hiện tình trạng tiết giảm điện năng. Dự kiến năm 2020, hệ thống điện vẫn cung cấp đủ điện cho nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế.
Về công tác điều hành giá điện, ngay từ những tháng đầu năm 2019, Bộ Công Thương đã xây dựng các kịch bản điều chỉnh giá bán điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện có hiệu lực từ ngày 20/3/2019. Song song với đó, Bộ Công Thương cũng thực hiện ban hành các quyết định phê duyệt khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện cũng như giá dịch vụ phụ trợ năm 2019 theo đúng quy định tại Luật Điện lực.
Về công tác vận hành hệ thống điện, theo Bộ trưởng Công Thương, do sự phát triển nóng của các nhà máy điện mặt trời nên đã xảy ra quá tải trên lưới điện truyền tải, phân phối tại khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận; việc cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than, tuabin khí gặp nhiều khó khăn; do biến đổi khí hậu, nhiều lưu vực sông thuỷ văn thấp hơn số liệu thống kê trong quá khứ dẫn đến chưa khai thác tối ưu lượng nước trong các hồ thuỷ điện phục vụ các mục tiêu cấp nước cho nông nghiệp, giao thông và phát điện.
Bên cạnh đó, thị trường điện cũng chưa mở rộng mức độ cạnh tranh và tỷ lệ các đơn vị trực tiếp tham gia thị trường điện bán buôn cạnh tranh. Đáng lưu ý, mặc dù việc xây dựng và ban hành quyết định về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện có hiệu lực từ ngày 20/3/2019 thực hiện theo đúng qui định của pháp luật nhưng vẫn còn có một số ý kiến chưa đồng thuận của các khách hàng sử dụng điện.
Hầu hết các nguồn điện BOT đều chậm
Theo Bộ Công Thương, bất cập hạn chế trên do có “nhiều biến động lớn”, ảnh hưởng đến việc thực hiện quy hoạch điện như: không xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn do các vấn đề về cấm vận, các vấn đề về thu xếp vốn, các vấn đề về giải phóng mặt bằng, các vấn đề về môi trường.
Cùng với đó, các dự án nguồn điện, đặc biệt là các dự án ngoài EVN thường bị chậm so với quy hoạch ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung ứng điện. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016-2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện cần được đầu tư và đưa vào vận hành.
Sau 3 năm thực hiện, nhiều dự án đã không được thực hiện do đề xuất, kiến nghị của địa phương như: các dự án điện than ở Bạc Liêu, Quảng Ninh, Hà Tĩnh. Trong khi nhiều địa phương khác đề nghị bổ sung các trung tâm điện khí mới như Bạc Liêu, Bà Rịa Vũng Tàu, Ninh Thuận. Hầu hết các dự án BOT do nước ngoài thực hiện đều bị chậm so với tiến độ trong Quy hoạch, nhiều dự án đang thi công cũng bị chậm tiến độ như Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2... Việc chậm tiến độ các dự án điện hoặc các dự án không được triển khai theo quy hoạch đang tạo ra các khó khăn, thách thức lớn trong việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó là tình trạng đầu tư dàn trải, chưa ưu tiên đúng mức những dự án trọng tâm dẫn đến các yếu tố bất lợi trong quản lý triển khai các dự án kể cả phía chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công, kéo theo việc chậm tiến độ. Theo đánh giá, trong giai đoạn sắp tới, hầu như chỉ có các dự án do EVN triển khai có thể đáp ứng tiến độ, các chủ đầu tư nguồn điện khác, đặc biệt là các nguồn điện BOT hầu hết đều chậm...
Giải pháp khắc phục thời gian tới được Bộ Công Thương đề ra là xây dựng cơ chế nâng cao tỷ lệ các nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện; tiếp tục mở rộng thị trường cạnh tranh bán buôn điện; tham mưu Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm để các nhà máy điện gió và mặt trời bán điện trực tiếp cho khách hàng mua điện để tiến tới hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Về điều hành giá điện, tiếp tục kiểm tra giám sát chi phí sản xuất kinh doanh điện hàng năm của EVN, thực hiện công tác kiểm tra việc thực hiện quy định giá bán điện theo quyết định của Bộ Công Thương.
Trên cơ sở khảo sát thực tế, thu nhập của người dân, ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, các nhà nghiên cứu và người dân, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ ngành nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phù hợp với chi phí và đặc điểm dây chuyền sản xuất cung ứng điện, thực tế sử dụng điện của các khách hàng sử dụng điện ở nước ta.