Diễn đàn quốc tế với chủ đề "Chính sách phát triển thanh niên - Kinh nghiệm của các nước". Ảnh: Xuân Tùng |
Ngày 29/11, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia (UBQG) về Thanh niên Việt Nam tổ chức Diễn đàn quốc tế với chủ đề "Chính sách phát triển thanh niên - Kinh nghiệm của các nước" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Dự Diễn đàn có anh Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm UBQG về Thanh niên Việt Nam; ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; anh Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực UBQG về Thanh niên Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: Xuân Tùng |
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể; đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các cấp vụ thuộc cơ quan, bộ phụ trách công tác thanh niên các nước ASEAN và Trung Quốc; các chuyên gia, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị T.Ư Đoàn, các tỉnh thành Đoàn, Đoàn trực thuộc.
Xây dựng thế hệ thanh niên phát triển toàn diện
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, anh Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam cho biết: Ngày nay, phát triển thanh niên trở thành vấn đề lớn của mỗi quốc gia, dân tộc. Tại hầu hết các quốc gia, ở các mức độ khác nhau, Nhà nước đều có các chủ trương, chính sách đối với thanh niên để bồi dưỡng, đào tạo và phát huy sự tham gia của thanh niên vào tiến trình phát triển của xã hội. Để tăng cường đầu tư cho sự phát triển của thanh niên, nhiều nước trên thế giới đã ban hành Luật Thanh niên, chiến lược, chính sách phát triển thanh niên.
Anh Nguyễn Tường Lâm phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Xuân Tùng |
Đối với riêng Việt Nam, thanh niên hiện nay được xác định trong độ tuổi từ 16 - 30 tuổi, chiếm 22,5% dân số, là lực lượng xã hội to lớn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thanh niên được khẳng định là lớp người làm chủ tương lai của đất nước; được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người; chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Anh Lâm cho biết, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách hướng tới mục tiêu xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế. Phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện và nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các đại biểu trình bày tham luận trực tiếp tại Diễn đàn. (Từ trái sang phải, từ trên xuống lần lượt là bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; ông Mai Xuân Trường - Phó Giám đốc Sở Nội vụ UBND TP Hà Nội; bà Phan Thu Hiền - đại diện tổ chức Plan International Việt Nam; chị Đỗ Thị Kim Hoa - Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia). Ảnh: Xuân Tùng |
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung trao đổi về các nội dung chính như: Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực thi chính sách phát triển thanh niên của các nước trên các lĩnh vực: Học tập, nghiên cứu khoa học; lao động, việc làm; khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; văn hóa, thể dục, thể thao; chuyển đổi số; Chính sách dành cho các đối tượng thanh niên (thanh niên tình nguyện, thanh niên có tài năng, thanh niên khuyết tật, thanh niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi).
Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận về các chính sách đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách phát triển thanh niên; đánh giá tình hình, dự báo về những tác động, ảnh hướng đến việc thực hiện chính sách phát triển thanh niên của các nước; đề xuất cơ chế phối hợp trong xây dựng và thực thi chính sách phát triển thanh niên; tăng cường hợp tác thanh niên ASEAN và Trung Quốc.
Diễn đàn cũng đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi thảo luận trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: Xuân Tùng |
Nâng cao chất lượng đào tạo, chủ động định hướng nghề
Bà Nguyễn Thị Quyên - Phó Cục trưởng Cục việc làm, Bộ LĐTB&XH chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, thực hiện chính sách lao động, việc làm cho thanh niên.
Bà Quyên cho rằng, cần thống nhất trong nhận thức, hành động về chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, trong đó thanh niên là nhân tố giữ vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội. Việc tham mưu, ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên cần có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của đất nước, tập trung vào nguồn lực của địa phương kết hợp với nguồn hỗ trợ từ Trung ương và các nguồn huy động khác.
Bà Nguyễn Thị Quyên chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh: Xuân Tùng |
Theo bà Quyên, để đẩy mạnh giải quyết việc làm cho lao động nói chung, thanh niên, nhất là sinh viên, thanh niên nông thôn, ngoài sự năng động, chủ động của bản thân thanh niên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ định hướng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo đến thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, khuyến khích thành lập doanh nghiệp, tạo mở nhiều cơ hội việc làm.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm; nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm; chủ động, tích cực phân luồng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp phổ thông tham gia học nghề và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
Tháo gỡ khó khăn của thanh niên tài năng
Bà Pan Meng - giảng viên của Đại học Nghiên cứu Chính trị Thanh niên Trung Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm về chính sách thanh niên tài năng của Trung Quốc. Theo đó, chính sách tài năng của Trung Quốc đặt mục tiêu ưu tiên phát triển thanh niên, quan tâm đến tất cả các giai đoạn trưởng thành của thanh niên tài năng, tháo gỡ khó khăn mà thanh niên tài năng gặp phải nhờ nỗ lực của cả chính phủ và xã hội, đồng thời giúp thanh niên thực hiện ước mơ của mình song hành cùng sự phát triển nhanh chóng của đất nước.
Ở cấp Trung ương, Trung Quốc đã xây dựng kế hoạch phát triển thanh niên trung và dài hạn (2016 - 2025) với sự tham gia triển khai của 17 cơ quan ban ngành, gồm Đoàn TNCS Trung Quốc; tổ chức Hội nghị Trung ương về công tác nhân tài.
Năm 2022, Đoàn TNCS Trung Quốc đã ban hành kế hoạch hành động Đào tạo thanh niên Tài năng trong thời đại mới và xây dựng mô hình việc làm “1+5”. Mô hình này tập trung đào tạo thanh niên tài năng hướng tới thành tựu chính trị, phát triển kỹ năng khoa học và công nghệ, vận hành và quản lý, tái thiết nông thôn và thúc đẩy phúc lợi công.
Đại biểu Trung Quốc chia sẻ trực tuyến tại Diễn đàn. Ảnh: Xuân Tùng |
Hiện Trung Quốc triển nghiên cứu dự án thí điểm xây dựng thành phố phát triển thanh niên nhằm tối ưu hóa môi trường quy hoạch phục vụ ưu tiên phát triển thanh niên, cải thiện môi trường làm việc và hỗ trợ các nhu cầu sống của thanh niên như nhà ở, nuôi dạy con cái.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy sự phát triển của thanh niên tài năng dựa trên điều kiện địa phương như xây dựng và vận hành "khách sạn thanh niên tài năng" cung cấp chỗ ở miễn phí trong 7 ngày cho thanh niên đang tìm việc; hay Ninh Hạ - tỉnh kém phát triển ở Tây Bắc Trung Quốc đã ban hành chính sách "giữ chỗ" thanh niên tài năng để thu hút tiến sĩ, thạc sĩ về địa phương.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Xuân Tùng |