Điểm yếu của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đang có 3 điểm yếu là hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch và cơ chế điều phối liên vùng. Thực tế, sản phẩm du lịch của vùng đơn điệu, chậm đổi mới, thiếu sáng tạo.

Cần tạo ra trải nghiệm du lịch độc đáo, khác biệt

Các đánh giá trên được chuyên gia, đơn vị lữ hành đưa ra tại Hội thảo Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), diễn ra ngày 29/3, tại Cần Thơ. Hội thảo do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Cần Thơ tổ chức.

Điểm yếu của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1

Khách du lịch tham quan chợ nổi Cái Răng, TP Cần Thơ (Ảnh: Hòa Hội).

Bà Lê Đình Minh Thy - Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ - thẳn thắn nêu quan điểm, sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL đơn điệu, chậm đổi mới, thiếu sáng tạo, công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế; các đường bay tới sân bay trong vùng nhiều hạn chế.

Theo bà Thy, các điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch trong vùng ĐBSCL phải được công nhận là điểm đạt chuẩn để cung cấp tới khách dịch vụ uy tín. Điều này đòi hỏi các cơ sở phải có hàng hóa rõ nguồn gốc, niêm yết và bán đúng giá, an toàn thực phẩm, nhân viên biết ngoại ngữ...

“Việc hình thành trung tâm tinh hoa văn hóa ẩm thực miền Tây không chỉ góp phần làm mới sản phẩm du lịch cho cả vùng, còn giới thiệu được nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của vùng sông nước. Ẩm thực vùng ĐBSCL là sự giao thoa văn hóa giữa vùng miền, các nước lân cận, sẽ là những trải nghiệm thu hút khách du lịch”, bà Thy chia sẻ.

Bên cạnh đó, cần tạo ra các trải nghiệm du lịch độc đáo và khác biệt, kết hợp du lịch với văn hóa, ẩm thực, thể thao, và lễ hội địa phương. Ít nhất trong một chương trình du lịch cũng nên kết nối các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc để tạo ra sự khác biệt, tăng sức hấp dẫn tránh đơn điệu, nhàm chán.

Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - cho biết, năm 2023, địa phương đón trên 5,9 triệu lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách lưu trú đạt trên 2,9 triệu lượt (khách quốc tế lưu trú gần 150.000 lượt). Tổng doanh thu du lịch đạt trên 5.400 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Đến nay, Cần Thơ đã ký kết, hợp tác du lịch với hơn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua đó góp phần hình thành các tuyến du lịch liên vùng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương hợp tác phát triển tour, tuyến, gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách đến Cần Thơ và ngược lại.

Làm du lịch tự phát, thiếu chuyên nghiệp

TS. Trần Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL - cho biết, sản phẩm du lịch đặc thù vùng là thế giới sông nước Mê Kông. Bên cạnh đó, cũng cần gắn với nét văn hóa bản địa, như không gian bảo tàng lúa nước, bảo tàng ẩm thực, đờn ca tài tử, chợ nổi, sinh thái ngập nước và biển đảo...

Điểm yếu của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2

TS. Trần Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL. (Ảnh: Hòa Hội).

Ông Hiệp cũng cho rằng, cách làm du lịch của vùng ĐBSCL còn nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có, thiếu đầu tư dài hạn, liên kết.

“Do tính tương đồng về tự nhiên, tài nguyên, hầu hết các địa phương đều tổ chức khai thác các sản phẩm gần như nhau, nên kém hấp dẫn, không rõ tính đặc thù. Do đó, các giá trị đặc thù chưa được khai thác phù hợp để tổ chức những trải nghiệm đích thực về các giá trị sông nước”, ông Hiệp nói.

Du lịch ĐBSCL cũng được chỉ ra thiếu “nhạc trưởng”, dù Hiệp hội du lịch ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực, nhưng hoạt động còn hạn chế, trở ngại. Vai trò của cơ quan quản lý du lịch cấp bộ, địa phương qua các dự án, sản phẩm du lịch cụ thể cũng còn hạn chế.

Điểm yếu của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 3

Khách du lịch khám phá miệt sông nước miền Tây. Ảnh: Hòa Hội

“Du lịch ĐBSCL đang có 3 điểm yếu là hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch yếu kém, thiếu một cơ chế điều phối liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành du lịch hiệu quả. Dẫn tới không gian du lịch vùng, liên kết với TPHCM bị ngắt khúc”, ông Hiệp nói thêm.

Sau đại dịch COVID-19, du lịch ĐBSCL dần phục hồi. Ước năm 2023, tổng du khách đến các địa phương trong vùng đạt gần 45 triệu lượt, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế hơn 1,8 triệu lượt, tăng hơn 3 lần với năm 2022. Doanh thu du lịch đạt gần 46.000 tỷ đồng, tăng trên 42% so với cùng kỳ 2022.

MỚI - NÓNG