Điểm nhấn giáo dục: Giao Bộ Giáo dục nghiên cứu xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng học phí

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Giao Bộ Giáo dục nghiên cứu xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng học phí; Công bố danh sách tạp chí lừa đảo, mạo danh; Vụ học sinh bị đánh trong trường quốc tế, UBND TPHCM báo cáo gì với Bộ GD&ĐT là những thông tin giáo dục nổi bật trong tuần qua.

Giao Bộ Giáo dục nghiên cứu xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng học phí

Chiều 4/6, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, nói về vấn đề tăng học phí, Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định 81, quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Thời điểm ban hành, dịch phức tạp nên Bộ đề xuất và được giữ nguyên học phí năm học 2021 – 2022 như năm 2020-2021.

Khung học phí đối với những năm tiếp theo, đối với giáo dục phổ thông, năm 2022 – 2023 đã được quy định cụ thể trong Nghị định 81.

Theo ông Sơn, từ các năm sau, HĐND các địa phương căn cứ tình hình cụ thể về điều kiện kinh tế xã hội, mức độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng từng địa phương, khả năng đóng góp thực tế của người dân để quyết định khung học phí hoặc mức học phí áp dụng cho địa phương ở bậc mầm non, phổ thông nhưng không quá 7,5% trong 1 năm.

Lãnh đạo Bộ giáo dục cho biết, dự kiến đến năm 2025 mới tính đủ chi phí với giáo dục đại học. Với giáo dục mầm non và phổ thông đến năm 2030, lộ trình tính đủ chi phí này đã kéo dài so với chủ trương Nghị quyết 19 của Trung ương.

Chính phủ giao Bộ tiếp tục nghiên cứu xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng học phí, đặc biệt là nghiên cứu một cách toàn diện tác động của việc tăng học phí tới các đối tượng khác nhau... từ đó đề xuất Chính phủ có biện pháp hỗ trợ.

Công bố danh sách tạp chí lừa đảo, mạo danh

Retraction Watch, trang thông tin quen thuộc với giới nghiên cứu, vừa ra mắt danh mục cảnh báo tạp chí mạo danh.

TS Dương Tú, Đại học Purdue, Hoa Kỳ cho hay tạp chí mạo danh hay tạp chí cướp danh (hijacked journals) là loại tạp chí giả mạo tên, mã ISSN và những thông tin nhận diện khác của các tạp chí gốc nhằm đánh lừa và thu tiền đăng bài từ các nhà nghiên cứu. (xem chi tiết)

Giáo viên tiếng Anh bị kỷ luật cảnh cáo vì đánh 19 học sinh trong giờ học

Ngoài giáo viên bị kỷ luật, Hiệu trưởng nơi giáo viên tiếng Anh công tác phải tổ chức kiểm điểm, phê bình do chưa làm hết vai trò của người đứng đầu cơ sở, chưa kịp thời trong xử lý, tạo nên dư luận không tốt.

Ông Lê Thanh Kính - Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, Ban giám hiệu Trường THCS Quang Trung (xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) đã tổ chức kỷ luật đối với cô giáo Nguyễn Thị Kim Loan, do có hành vi trái với đạo đức nhà giáo khi nhiều lần đánh học sinh trong giờ học. Theo đó, cô Loan bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. (xem chi tiết)

Sở GD&ĐT Gia Lai làm thất thoát 2,3 tỷ đồng tại các dự án phần mềm

Thanh tra tỉnh Gia Lai xác định Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này sử dụng chưa hiệu quả các dự án phần mềm công nghệ thông tin, gây thất thoát, lãng phí hơn 2,3 tỷ đồng.

Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Gia Lai cho biết, sở vừa nhận được kết luận của Thanh tra tỉnh về việc “Đầu tư các dự án, mua sắm các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động tại Sở GD&ĐT Gia Lai”, giai đoạn từ năm 2015-2021. (xem chi tiết)

Vụ học sinh bị đánh trong trường quốc tế: UBND TPHCM báo cáo gì với Bộ GD&ĐT?

Theo UBND TPHCM, Trường Quốc tế TPHCM American Academy (ISHCMC-AA) thừa nhận chưa sâu sát dẫn đến học sinh xô xát nhau đồng thời chỉ đạo Công an thành phố có biện pháp nắm bắt, xử lý thông tin chưa chính thống, thông tin trái chiều về vụ việc trên mạng xã hội khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng liên quan…(xem chi tiết)

Thủ tướng yêu cầu thảo luận, đánh giá toàn diện với môn Lịch sử

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo khẩn trương tổ chức hội thảo, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện để đề xuất phương án phù hợp với môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. …(xem chi tiết)

Bình Dương và Bình Phước còn thiếu hơn 3.000 giáo viên

Để đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy, ngành giáo dục tỉnh Bình Dương cần bổ sung thêm hơn 1.600 giáo viên, trong khi đó Bình Phước cần thêm 1.500 giáo viên.

Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cho biết toàn tỉnh này có gần 500.000 học sinh. Hiện tại, học sinh trên toàn tỉnh Bình Dương đang chuẩn bị các kỳ thi cuối cấp. Để chuẩn bị cho năm học tiếp theo, ngành giáo dục Bình Dương đang rà soát tình hình nhân sự, số lượng học sinh để bổ sung, đáp ứng nhu cầu. (xem chi tiết)

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.