Điểm mặt những yếu tố không ngờ tới có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Ung thư vú xảy ra khi các tế bào của vú phát triển bất thường. Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh nhưng những yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Kích thước vòng eo lớn

Một số nghiên cứu cho thấy thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú từ 30 – 60%. Lý do, estrogen được sản xuất trong các tế bào chất béo, khi các tế bào chất béo vượt mức quy định, các estrogen trong cơ thể cũng tăng lên, và nồng độ estrogen cao có thể dẫn đến sự phát triển của khối u.

Một nghiên cứu mới đây của tạp chí British Medical Journal xác định yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tỷ lệ ung thư vú sau mãn kinh của phụ nữ là sự “nở ra” của vòng eo. Nghiên cứu cho thấy béo phì là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư vú.

Có kinh nguyệt sớm, mãn kinh muộn

Những người có kinh nguyệt sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi) có nguy cơ bị ung thư vú cao. Ở độ tuổi sinh sản, nội tiết tố nữ (estrogen) kích thích các tế bào tuyến vú phân chia. Thời gian người phụ nữ chịu tác động lâu dài của estrogen càng dài thì nguy cơ bị ung thư vú càng lớn.

Lười vận động

Duy trì hoạt động thể chất có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú. Tác dụng đầu tiên của hoạt động thể chất là chống viêm và tăng cường hệ miễn dịch một cách tự nhiên. Kế đến, hoạt động thể chất có thể làm giảm lượng glucose và insulin trong máu, đồng thời có thể giúp cơ thể phá vỡ estrogen liên quan đến nguy cơ ung thư vú.

Nghiên cứu cũng cho thấy ngay cả những phụ nữ có nguy cơ cao mang đột biến BRCA có thể nhận được những phần thưởng đáng ngạc nhiên từ việc tăng cường tập thể dục. Các chuyên gia khuyến cáo mỗi phụ nữ cần dành 1 tiếng trong ngày để thực hiện các bài tập thể dục và thực hiện từ 4-5 lần trong 1 tuần.

Không mang thai và cho con bú

Những phụ nữ không bao giờ sinh con có vẻ như có nguy cơ ung thư vú sau mãn kinh cao hơn so với những người đã sinh con nhiều lần. Thời điểm có thai lần đầu cũng có thể có vai trò quan trọng: phụ nữ có thai lần đầu tiên ở tuổi từ 30 trở lên bị tăng nguy cơ mắc ung thư vú.

Thói quen uống rượu

Một số nghiên cứu đã liên kết giữa việc tiêu thụ quá nhiều rượu với nguy cơ cao bị ung thư vú. Một nghiên cứu được tiến hành năm 2013 tại Mỹ cho thấy những phụ nữ uống rượu quá mức, đặc biệt là trong giai đoạn mang thai lần đầu có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Hút thuốc lá

Nghiên cứu của Bệnh Viện Mayo Clinic (Mỹ) cho thấy, hút thuốc lá làm tăng rõ rệt nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ có tiền sử gia đình ung thư vú và buồng trứng.

Thuốc tránh thai

Hiệp hội Ung thư Mỹ cho rằng, phụ nữ hiện dùng viên thuốc tránh thai có thể tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú.

Chế độ ăn uống

Nghiên cứu cho thấy việc cắt giảm thịt đỏ và tăng cường tiêu thụ thực phẩm từ thực vật có thể kìm hãm sự tăng trưởng của tế bào ung thư. Các loại rau họ cải ngoài công dụng làm giảm viêm còn có tác dụng giúp cân bằng estrogen. Và các thực phẩm có màu đỏ cam rực rỡ, như cà rốt và cà chua phong phú các carotenoid – một chất chống oxy hóa – đã được chứng minh có khả năng hạ thấp nguy cơ ung thư vú. Hạn chế tiêu thụ các loại đường và chất béo cũng có thể giúp bảo vệ đôi gò bồng đảo tránh xa nguy cơ ung thư.

Ngủ ít

Nguy cơ ung thư vú tăng nếu bạn làm việc ca đêm. Nguy cơ này cao nhất nếu bạn không ngủ từ 1-2h sáng, khi nồng độ melatonin (hormon điều hòa giấc ngủ) cao nhất. Phụ nữ thiếu ngủ ít nhất ba đêm mỗi tuần sẽ tăng 40% nguy cơ ung thư vú, trong khi đó, làm việc ban đêm sẽ tăng 60% nguy cơ.

Gen

Phụ nữ mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 có nguy cơ cao phát triển ung thư vú so với những phụ nữ không thừa hưởng những gen khiếm khuyết này. Tuy nhiên, còn có một gen vừa được xác định mới đây cũng có mối quan hệ mật thiết với ung thư vú, đặc biệt là trên những phụ nữ trẻ. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy ở phụ nữ dưới 40 tuổi, đột biến ở gen PALB2 có thể dẫn đến nguy cơ ung thư vú cao hơn 8-9 lần so với phụ nữ ở độ tuổi tương tự mà không có sự đột biến này.

Tiền sử gia đình

Nếu bạn không mang một đột biến gen gây ung thư vú, nhưng nếu có mẹ hay chị gái bị ung thư vú, thì bạn có gấp đôi khả năng bị ung thư vú, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ.

Chiều cao

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ có chiều cao hơn chiều cao trung bình thường có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn người có chiều cao thấp hơn chiều cao trung bình.

Chất độc trong môi trường

Nhiều bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với độc tố nhất định, gây ra các rối loạn nội tiết có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Những hóa chất tổng hợp tích tụ trong các tế bào mỡ, và tại nơi đó chúng bắt chước estrogen gây ra các khối u. Theo Womenshealthmag, tác nhân gây rối loạn nội tiết thường gặp là bisphenol A (BPA), một loại nhựa được sử dụng trong các vật dụng gia đình và chất bảo quản trong mỹ phẩm gọi là phthalates.

MỚI - NÓNG