Ba ngày trước khi có kết quả dương tính, Tiến sĩ Maor, một bác sĩ tim mạch, đã tham dự một cuộc họp lớn tại bệnh viện của anh ở phía đông Tel Aviv. Anh đã đặt stent vào động mạch của 10 bệnh nhân. Và anh đã lái xe đến một hội nghị về tim mạch ở phía bắc Tel Aviv, đi chung ô tô 90 phút có một đồng nghiệp 70 tuổi, và ăn trưa ở đó với năm người khác trong một căng tin đông đúc.
Tiến sĩ Maor, 45 tuổi, đã tham dự một buổi biểu diễn piano với hàng chục khán giả vì người bạn chơi với anh 13 năm hôm đó chơi một bản nhạc của nhà soạn nhạc Hungary Stephen Heller. Và cuối cùng, vào tối thứ Sáu tuần trước, Tiến sĩ Maor đã ăn bữa tối tại nhà vợ cùng với vợ và 9 thành viên khác trong gia đình.
Thế nhưng trong số nhiều người mà bác sỹ này tiếp xúc gần hầu hết đã được tiêm ba mũi vắc xin Pfizer-BioNTech, chỉ có người đồng nghiệp 70 tuổi đến nay đã có kết quả dương tính với biến thể Omicron.
Con số người lây nhiễm từ bác sỹ Israel này có thể vẫn còn tăng, vì virus có thể mất vài ngày để xuất hiện trong các xét nghiệm và không phải mọi tiếp xúc đều đã được xét nghiệm. Nhưng ít nhất 50 người tiếp xúc với bác sỹ này đã được xét nghiệm PCR tại bệnh viện của bác sĩ Maor, Trung tâm Y tế Sheba, và ít nhất 10 người trong số đó đã được xét nghiệm ít nhất ba lần.
Những kết quả ban đầu này đã khiến các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại trung tâm y tế Sheba, nơi có một trong những phòng thí nghiệm COVID-19 hàng đầu của Israel, thận trọng và hy vọng rằng những người đã tiêm ba mũi vắc xin có thể không dễ bị nhiễm Omicron như lo ngại ban đầu.
Mặc dù bác sĩ Maor đã gặp gỡ nhiều người vào tuần trước, hầu hết họ đều là nhân viên chăm sóc sức khỏe hoặc các thành viên thân thiết trong gia đình. Và những người mà anh tiếp xúc gần nhất đã được tiêm phòng đầy đủ và thậm chí gần đây đã được tiêm mũi “nhắc lại” thứ ba.
Giáo sư Gili Regev-Yochay, giám đốc đơn vị dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại trung tâm y tế Sheba, người đã dẫn đầu nghiên cứu về loại virus này, cho biết: “Điều này cho chúng ta biết rằng, trong một số trường hợp, Omicron không lây nhiễm nếu bạn được tiêm chủng đầy đủ và tiêm mũi tăng cường”.
Đối với bác sĩ Maor, người vẫn đang bị cách ly tại nhà vào tối thứ Tư, vẫn lo ngại rằng anh đã bị mắc COVID-19 rất nặng, mặc dù bản thân đã được tiêm phòng đầy đủ và là một người không hút thuốc cũng như không mắc bất kỳ bệnh mãn tính nào.
Bác sĩ tim mạch này đã phải nằm trên giường cả thứ Bảy và Chủ nhật với cơn sốt, đau họng và đau nhức các cơ và chỉ bắt đầu cảm thấy khỏe hơn đáng kể vào chiều thứ Tư.
Tiến sĩ Maor nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: "Nếu không có vắc xin, có lẽ tôi đã phải nằm viện."
Bác sĩ Maor đã trở về từ London vào thứ Tư tuần trước khi anh tham dự một hội nghị tim mạch đông đúc khác. Bởi vì anh đã xét nghiệm âm tính hai lần ở London và lần thứ ba khi trở lại Israel, anh đã nghĩ rằng mình đã an toàn để hoạt động bình thường. Nhưng kinh nghiệm của anh cho thấy virus có thể không xuất hiện trong các xét nghiệm trong vài ngày.
Giáo sư Gili Regev-Yochay, giám đốc đơn vị dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại trung tâm y tế Sheba, cho rằng, lý tưởng nhất là mỗi người mới đến một đất nước khác nên được kiểm tra vào mỗi buổi sáng trong ít nhất 5 ngày sau khi đến.
24 giờ, thế giới thêm hơn 634.000 ca mắc COVID-19 mới
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 634.000 ca mắc COVID-19 và 6.426 ca tử vong. Đức thực hiện phong toả toàn quốc với người chưa tiêm vắc xin, trong khi Mỹ và một loạt nước khác phát hiện thêm nhiều ca nhiễm biến thể Omicron.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 3/12 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 264.358.658 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.248.292 ca tử vong. Số ca mắc mới trong 24 giờ qua là 634.709 và 6.426 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 238.411.202 người, 20.699.164 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 86.941 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca mắc mới với 90.065 ca; Đức đứng thứ hai với 73.486 ca; tiếp theo là Anh (53.945 ca). Nước Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.221 người tử vong trong ngày; tiếp theo là Mỹ (848 ca) và Ukraine (525 ca tử vong).
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 49.662.001 người, trong đó có 805.869 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.609.741 ca nhiễm, bao gồm 469.724 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 22.118.782 ca bệnh và 615.179 ca tử vong.
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 82,3 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với trên 74,25 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 59,37 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 39,02 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 8,76 triệu ca và châu Đại Dương trên 372.000 ca nhiễm.