Những hiểu biết hiện tại về biến thể Omicron

TPO - Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên cho một biến thể virus corona mới là Omicron và chỉ định rằng nó là một "biến thể đáng lo ngại".
Những hiểu biết hiện tại về biến thể Omicron ảnh 1

Nhưng điều gì khiến biến thể SARS-CoV-2 này khác biệt và tại sao các nhà khoa học lại lo lắng về nó? Câu trả lời là vì biến thể chỉ mới được xác định gần đây, nên có rất nhiều điều chúng ta chưa biết về nó.

Các nhà khoa học lo ngại rằng Omicron có số lượng đột biến rất cao, nhiều đột biến nằm trong gien mã hóa protein gai mà virus sử dụng để bám và xâm nhập vào tế bào người. Bằng chứng ban đầu cho thấy những người từng mắc và khỏi COVID-19 có thể có nguy cơ tái nhiễm biến thể Omicron cao hơn so với các biến thể trước đó, theo một tuyên bố từ WHO.

Nhưng họ vẫn chưa rõ về mức độ nghiêm trọng hay khả năng lây nhiễm của Omicron, cũng như không rõ vắc xin COVID-19 hiện tại có hiệu quả với chúng hay không. Các chuyên gia cho rằng có khả năng vắc-xin sẽ kém hiệu quả hơn do những đột biến mới, nhưng chúng vẫn có khả năng bảo vệ. Từ nguồn gốc đến tác động có thể xảy ra, đây là tất cả những gì chúng ta đã biết cho đến nay về Omicron.

Nguồn gốc

Các quan chức ở Nam Phi lần đầu tiên báo cáo về Omicron (B.1.1.529) cho WHO vào ngày 24/11, sau khi số ca nhiễm ở tỉnh Gauteng tăng mạnh trong những tuần trước đó. Ca nhiễm Omicron đầu tiên được biết đến và được xác nhận là từ một mẫu bệnh lấy vào ngày 9/11 và hiện nay, số ca nhiễm Omicron đang gia tăng trên khắp Nam Phi, theo một tuyên bố của WHO.

Mặc dù Nam Phi là quốc gia đầu tiên báo cáo về Omicron cho WHO, nhưng không ai biết biến thể này xuất hiện từ quốc gia nào, theo NPR. Nhiều quốc gia kể từ đó đã ban hành lệnh cấm du lịch đối với các quốc gia khu vực Nam Phi. Saad Omer, Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu Yale, nói với NPR: “Những lệnh cấm này gần như chả có ích gì”. Omicron cũng đã được phát hiện ở Canada, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Anh, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Scotland, Botswana, Israel, Úc và Hồng Kông (Trung Quốc), theo The Washington Post.

Các xét nghiệm PCR thông thường có thể phát hiện biến thể Omicron và dễ dàng phân biệt nó với các biến thể khác do đột biến ở một trong ba gen mà xét nghiệm kiểm tra. Theo WHO, "bằng cách sử dụng phương pháp này, biến thể Omicron đã được phát hiện với tốc độ nhanh hơn so với các đợt lây nhiễm trước đây".

Những hiểu biết hiện tại về biến thể Omicron ảnh 2

Đột biến

Omicron có hơn 30 đột biến trong gen mã hóa protein gai, theo Nature. Trong số những đột biến này, 10 đột biến nằm trong "vùng liên kết thụ thể", hay phần protein gai bám vào tế bào người, theo The Guardian.

Trong khi đó, một số đột biến khác đã được tìm thấy trước đây trong các biến thể cũ và có thể liên quan đến khả năng lây nhiễm cao hơn hay có thể giúp virus né tránh hệ miễn dịch, theo một bản tóm tắt chuyên môn do WHO công bố vào ngày 28/11.

"Khả năng lây nhiễm của Omicron ở cấp độ toàn cầu là cao", theo bản tóm tắt.

Mức độ nghiêm trọng

Người ta vẫn chưa biết liệu Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với các biến thể trước đó hay không.

Bằng chứng ban đầu cho thấy tỷ lệ nhập viện đang gia tăng ở Nam Phi, "nhưng điều này có thể là do tổng số người bị nhiễm bệnh ngày càng tăng chứ không phải là kết quả của việc nhiễm biến thể Omicron", theo WHO. Chỉ có khoảng 24% dân số Nam Phi được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ, theo Our World in Data.

Những hiểu biết hiện tại về biến thể Omicron ảnh 3

Các ca nhiễm đầu tiên ở Nam Phi được báo cáo là ở sinh viên đại học, những người "trẻ tuổi có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn." Tuy nhiên, chỉ có khoảng 6% dân số Nam Phi lớn hơn 65 tuổi, theo Telegraph. Vì vậy, vẫn chưa rõ liệu biến thể này có gây ra bệnh nặng hơn ở những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn hay không, chẳng hạn như người lớn tuổi.

Không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy các triệu chứng của Omicron khác với các triệu chứng của các biến thể trước đó, theo WHO.

Nhưng Tiến sĩ Angelique Coetzee, một bác sĩ tư nhân và là chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, nói với BBC rằng những bệnh nhân mắc biến thể mới mà bà gặp cho đến nay đều có các triệu chứng "cực kỳ" nhẹ.

Trong số vài chục bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 mà bà gặp gần đây, hầu hết là những nam thanh niên khỏe mạnh có triệu chứng "cảm thấy rất mệt mỏi", Coetzee nói với Telegraph. Không ai trong số bệnh nhân của bà bị mất vị giác hay khứu giác, và không ai cần phải nhập viện, theo BBC.

Tuy nhiên, những báo cáo ban đầu này có thể gây hiểu lầm và vẫn còn quá sớm để kết luận Omicron gây ra bệnh nhẹ hơn hay nặng hơn so với các biến thể trước đó.

Khả năng lây nhiễm

Vẫn chưa rõ liệu Omicron có lây lan từ người sang người dễ dàng hơn so với các biến thể trước đó hay không.

Theo WHO, số người ở Nam Phi có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 đã tăng lên ở các khu vực có Omicron, nhưng vẫn chưa rõ liệu sự gia tăng là do sự lây lan của biến thể mới hay các yếu tố khác.

Hiệu quả của vắc xin

Người ta cũng không biết vắc-xin COVID-19 hiện tại có hiệu quả thế nào trước biến thể mới.

Hầu hết các loại vắc-xin COVID-19, bao gồm cả những vắc-xin được sử dụng ở Mỹ, hỗ trợ hệ thống miễn dịch đặc biệt chống lại protein gai. Vì Omicron có nhiều đột biến trong protein gai, các chuyên gia lo ngại rằng các loại vắc-xin hiện tại có thể kém hiệu quả hơn trong việc huấn luyện hệ thống miễn dịch nhận biết nó.

Những hiểu biết hiện tại về biến thể Omicron ảnh 4

"Dựa trên rất nhiều công trình mà mọi người đã thực hiện trên các biến thể và đột biến khác, chúng tôi có thể khá chắc rằng những đột biến này sẽ gây ra sự sụt giảm đáng kể trong quá trình trung hòa kháng thể," hay khả năng kháng thể bám vào vi rút và ngăn chúng xâm nhập vào tế bào người, theo Jesse Bloom, một nhà sinh học tiến hóa tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, nói với New York Times.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói với The Guardian rằng mặc dù vắc-xin có thể kém hiệu quả hơn đối với Omicron so với các biến thể trước đó, chúng vẫn có thể mang lại một số khả năng bảo vệ.

Hơn nữa, tế bào T, hay tế bào miễn dịch tấn công các tế bào nhiễm vi rút, có thể bỏ qua sự khác biệt giữa các biến thể so với kháng thể, theo Danny Altmann, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Imperial London nói với The Guardian.

Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới - bao gồm cả những người tại Pfizer-BioNTech và Moderna, những nhà phát triển hai loại vắc xin mRNA COVID-19 được sử dụng rộng rãi ở Mỹ - đang làm việc để tìm hiểu mức độ hiệu quả của vắc xin đối với biến thể này, theo The Times.

Paul Burton, Giám đốc Y tế của Moderna cho biết trên chương trình Andrew Marr Show của BBC hôm 28/11 rằng: “Nếu chúng ta phải sáng chế ra loại vắc-xin mới, tôi nghĩ chúng ta sẽ phải đợi tới đầu năm 2022 mới có thể phân phối chúng ở số lượng lớn”. Các loại vắc xin COVID-19 của Moderna và Pfizer/BioNTech dựa trên công nghệ mRNA được phát triển và chỉnh sửa nhanh hơn so với các loại vắc xin trước đó, theo Live Science đưa tin.

Burton nói: “Điều đáng chú ý về vắc-xin mRNA, nền tảng của Moderna, là chúng tôi có thể sửa đổi chúng rất nhanh”.

Tin liên quan