'Điểm danh' máy bay không người lái uy lực nhất thế giới

Máy bay MQ-1 Predator. Ảnh: USAF
Máy bay MQ-1 Predator. Ảnh: USAF
Kẻ săn mồi MQ-1 Predator, IAI Eitan, Elbit Hermes 900 là những máy bay không người lái (UAV) được các chuyên gia quân sự đánh giá cao về hiệu quả trinh sát và tấn công.

Kẻ săn mồi MQ-1 Predator

MQ-1 Predator là dòng máy bay không người lái sát thương đầu tiên. Trong thập niên 1990, Predator chủ yếu được sử dụng trong hoạt động trinh sát, nhưng nó có kích thước đủ lớn để chở tên lửa. Sau này, nhà sản xuất tăng cường băng thông và tốc độ liên lạc khiến máy bay có thêm chức năng tấn công.

Vụ phóng thử tên lửa đầu tiên của Predator diễn ra tháng 2/2001. Tốc độ bay của phi cơ đạt gần 220 km/h, có thể chở 2 tên lửa lớn hoặc 6 tên lửa nhỏ. Máy bay có thể hoạt động trên không rất lâu, giám sát chặt chẽ những mục tiêu mặt đất.

Theo National Interest, sứ mệnh không kích tiêu diệt kẻ thù đầu tiên của Predator diễn ra tại Afghanistan vào tháng 2/2002. Sau đó, máy bay này bắt đầu tiến hành nhiều vụ không kích ở Afghanistan, Iraq, Yemen, Somalia và Pakistan. Predator phục vụ trong nhiều đơn vị của quân đội Mỹ và của không quân của ít nhất 4 quốc gia khác.

MQ-9 Reaper

'Điểm danh' máy bay không người lái uy lực nhất thế giới ảnh 1

Máy bay MQ-9 Reaper trong biên chế Không quân Hoàng gia Anh. Ảnh: Wired

Máy bay Reaper có thể coi là một phiên bản lớn và hiệu quả hơn Predator. Reaper có phạm vi hoạt động rộng hơn, tải trọng cao hơn và thời gian hoạt động trên không dài hơn. Do vậy, nó có thể thực hiện nhiệm vụ kép (tấn công - trinh sát) hiệu quả hơn.

General Atomics, nhà sản xuất của cả Predator và Reaper, bắt đầu phát triển Reaper sau khi khả năng thực hiện 2 nhiệm vụ cùng một lúc của Predator trở nên rõ ràng. Reaper có thể đạt vận tốc bay hơn 480 km/h, chở 4 tên lửa Hellfire (và một số bom Paveway). Cũng như Predator, máy bay Reaper đã thực hiện nhiều vụ không kích ở các nước trong khu vực Trung Đông và Trung Á.

Mỹ sở hữu gần 100 chiếc Reaper, biên chế về nhiều đội quân khác nhau. Những nước cũng chuộng loại máy bay này gồm Italy, Pháp, Anh và Hà Lan.

IAI Eitan

'Điểm danh' máy bay không người lái uy lực nhất thế giới ảnh 2

Máy bay IAI Eitan do Tập đoàn hàng không vũ trụ Israel phát triển. Ảnh: UAV Global

IAI Eitan là máy bay trinh sát không người lái do Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Israel phát triển dựa trên một dòng máy bay cũng nổi tiếng của hãng, IAI Heron. Eitan là máy bay loại lớn, có khả năng chở nhiều vũ khí, đạt trần độ cao hơn 13,7 km, có khả năng hoạt động lâu dài trên không (khoảng 70 giờ).

Thông tin về vai trò hiện tại và trong tương lai của Eitan không nhiều. Tuy nhiên, nhà sản xuất Israel chắc chắn đã thiết kế để máy bay có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ trinh sát, giám sát, tấn công, thậm chí có thể nhiều hơn. Một số nguồn tin cho biết, Israel đã triển khai máy bay Eitan trong một nhiệm vụ không kích ở Sudan năm 2009.

Giới quan sát nhận định Eitan chắc chắn đóng vai trò lớn trong một cuộc chiến mà Israel phát động chống Iran. Dù Eitan không hoàn toàn phù hợp để chiến đấu trên không, những máy bay không người lái và có phi công điều khiển khác có thể hỗ trợ để phá vỡ mạng lưới phòng không của Iran.

Elbit Hermes 900

'Điểm danh' máy bay không người lái uy lực nhất thế giới ảnh 3

UAV Hermes 900 của Israel. Ảnh: UAV Global

Hermes 900 là dòng máy bay cải tiến của Elbit Hermes 450, loại máy bay không người lái có vũ trang mà quân đội Israel đã sử dụng từ giữa thập kỷ trước. Hermes 900 có kích thước tương đương với máy bay Predator nhưng thời gian hoạt động lâu hơn 50% và bay ở độ cao hơn. Các UAV của Israel thường xuyên giám sát những khu vực đông đúc, cùng với nguy cơ về các tên lửa đất đối không vác vai của kẻ thù. Do vậy, trần độ cao của máy bay càng lớn là một "bảo chứng" về hệ số an toàn.

Quân đội Israel rất kín tiếng về những sứ mệnh triển khai UAV, nhưng chắc chắn Hermes 900 đã tham gia vào vụ không kích ở Gaza đẫm máu hồi năm ngoái. Những quốc gia Nam Mỹ như Brazil, Chile và Colombia đều tỏ ý muốn mua các máy bay Hermes.

Tên lửa Tomahawk khối IV

'Điểm danh' máy bay không người lái uy lực nhất thế giới ảnh 4

Ảnh mô phỏng việc phóng tên lửa Tomahawl từ tàu ngầm. Ảnh: Business Insider

Tên lửa hành trình có nhiều điểm tương đồng với một máy bay không người lái mang sứ mệnh tấn công tự sát. Các tên lửa trong thời Chiến tranh Lạnh tìm ra mục tiêu dựa trên những thông số thiết lập từ trước, hoặc bộ cảm biến bên trong, khiến chúng hoạt động mang tính lập trình sẵn và cứng nhắc hơn các UAV hiện đại.

Tên lửa Tomahawk trong giai đoạn đầu (đầu thập niên 1980) là một tên lửa tầm xa nhưng tốc độ bay chậm, sử dụng trong các mục đích như mang đầu đạn hạt nhân, tấn công mặt đất và chống hạm. Từ sau Chiến tranh Lạnh, nhà sản xuất đã nhiều lần cải tiến nó trở thành một vũ khí hiện đại hơn. Ngày nay, các tên lửa Tomahawk vẫn tự hủy ở điểm cuối hành trình bay, nhưng nó có thể thay đổi đoạn đường bay, nhắm vào các mục tiêu di động, thay đổi mục tiêu theo chỉ thị của điều khiển từ xa.

Gần đây, Hải quân Mỹ đã tái lập sứ mệnh diệt hạm của tên lửa Tomahawk hiệu quả, khi máy bay F/A 18 có thể dẫn đường để tên lửa tấn công chính xác mục tiêu. Việc sản xuất Tomahawk sẽ kết thúc vào năm 2016. Tuy nhiên, tên lửa này vẫn sẽ chứng tỏ hiệu quả tấn công đáng gờm trong thập kỷ tới.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG