Một số bị can, bị cáo trong các vụ án được yêu cầu khẩn trương xét xử sơ thẩm.
Ðường cao tốc vừa dùng đã hỏng
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài gần 140km có tổng mức đầu tư 34.516 tỷ đồng, chủ yếu là tiền đi vay. Tuyến đường thông xe năm 2018 nhưng vừa đi vào hoạt động đã hỏng. Riêng 65km thuộc giai đoạn 1 đã có tới 380 điểm hỏng, trung bình 1km hỏng 6 chỗ. Cảnh sát đã vào cuộc điều tra và xác định, chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn giám sát… đã vi phạm quy định, làm không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo nhưng vẫn đưa vào sử dụng.
Liên quan giai đoạn 1 đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng đã đề nghị truy tố 7 bị can, trong đó có 2 sĩ quan thuộc các Binh đoàn 11 và 12 vì vi phạm quy định về xây dựng. Song song, cơ quan điều tra Bộ Công an đã đề nghị xử lý hình sự 36 đối tượng trong đó có một người nước ngoài là Nhật Bản về tội “Vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình gây hậu quả nghiêm trọng”. Các sai phạm trong giai đoạn 2 (đoạn đường dài 74km) của tuyến đường này được tách ra xử lý sau vì phải chờ kết luận giám định hoặc hỗ trợ tư pháp.
Tiền mất, tật mang tại TISCO
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Cty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) được triển khai năm 2007 do TISCO làm chủ đầu tư, đơn vị trúng thầu dự án là Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) có trụ sở tại Bắc Kinh. Để triển khai, TISCO đã ký với MCC hợp đồng EPC trọn gói trị giá hơn 160 triệu USD. Giá trị này không đổi và MCC phải thi công, chạy thử, chuyển giao trong 30 tháng.
Sau khi ký hợp đồng, MCC không thi công nhưng yêu cầu tăng giá hợp đồng thêm 138 triệu USD. Nhiều bộ ngành, đơn vị tư vấn chỉ rõ đây là yêu cầu vô lý, nếu MCC không làm phải bồi thường nhưng phía TISCO lại chấp nhận chi thêm tiền. Tuy vậy, MCC vẫn không hoàn thành hợp đồng. Cùng với việc tăng giá, dự án bị kéo dài nên đã đội vốn từ 3.834 tỷ đồng lúc đầu lên tới 8.104 tỷ đồng. Đến năm 2018, dự án chưa hoàn thành; thiết bị hư hỏng, gỉ sét nhưng TISCO đã đổ vào đây hơn 4.423 tỷ đồng và phải chịu thiệt hại hơn 830 tỷ đồng. Liên quan vụ án, nhiều cán bộ đã phải nhận kỷ luật, trong đó ông Hoàng Trung Hải - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ bị cảnh cáo.
Cho tư nhân thâu tóm đất công
Tổng Cty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) do Bộ Công Thương quản lý và doanh nghiệp này được sử dụng khu đất rộng hơn 6.000m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TPHCM). Sabeco đã liên doanh với các công ty tư nhân nhằm xây dựng tòa nhà khách sạn, văn phòng tại đây. Năm 2012, Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính nhưng ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công Thương và bà Hồ Thị Kim Thoa - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương vẫn tiếp tục chỉ đạo Sabeco thực hiện đầu tư xây dựng.
Năm 2015, bị cáo Nguyễn Hữu Tín - nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất số 2-4-6 là hơn 997 tỷ đồng. Liên doanh của Sabeco đã nộp số tiền này và được quyền xây dựng nhưng ngay sau đó, các cổ đông tư nhân lại yêu cầu Sabeco thoái vốn tại đây. Bộ Công Thương cũng đồng ý cho Sabeco bán cổ phần trong liên doanh giá 196 tỷ đồng. Như vậy, khu đất số 2-4-6 trị giá hơn 3.816 tỷ đồng ban đầu là tài sản Nhà nước do Sabeco quản lý bị chuyển sang thành tài sản của tư nhân, gây thiệt hại hơn 2.713 tỷ đồng.
Buôn lậu qua sân bay, cảng biển
Cty Nhật Cường do Bùi Quang Huy (đang bỏ trốn) làm chủ. Từ năm 2014- 2019, Bùi Quang Huy sử dụng hệ thống của Cty Nhật Cường để mua trái phép 255.311 sản phẩm điện thoại di động, máy nghe nhạc, máy tính bảng… trị giá 2.927 tỷ đồng. Số hàng này được nhập từ 16 chủ hàng tại Mỹ, UAE, Singapore, Hồng Kông. Để chuyển hàng về nước, Bùi Quang Huy chi hơn 72,9 tỷ đồng cho 9 đường dây buôn lậu. Những đường dây này có thể chuyển hàng qua biên giới Việt - Trung, qua cảng Hải Phòng và thậm chí có 3 đường dây vận chuyển qua sân bay Nội Bài.
Tổng cộng, Cty Nhật Cường đã bán được 254.364 sản phẩm, thu hơn 3.213 tỷ đồng và qua đây hưởng lợi bất chính 221 tỷ đồng. Ngoài ra, Bùi Quang Huy còn chỉ đạo nhân viên lập 2 hệ thống sổ sách kế toán để trốn 26,8 tỷ đồng tiền thuế GTGT cùng hơn 3,1 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Liên quan vụ án này, ông Nguyễn Đức Chung - nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị xác định là người liên quan. Để nắm vụ án, ông Chung đã móc nối điều tra viên, chiếm đoạt tài liệu mật nhưng bị phát hiện. Tháng 12/2020, ông Chung phải nhận 5 năm tù về hành vi này.
Thuốc giả thành thật
9.300 hộp thuốc chữa ung thư H-Capita do Cty VN Pharma nhập khẩu được quảng cáo có xuất xứ từ Canada nhưng thực tế được dán tem kiểm tra từ Ấn Độ, tem vận chuyển của Singapore. Cơ quan chức năng xác định số thuốc này là giả nên các tòa án đã phạt tù hàng loạt đối tượng về các tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”, “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”. Tại phiên tòa xét xử các bị cáo buôn hàng giả năm 2019, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết đã sang tận Ấn Độ kiểm tra và thấy số thuốc này chỉ thiếu 1 tiêu chí nên được coi là thuốc thật.
Quan điểm này bị cả viện kiểm sát và tòa án bác bỏ. Không dừng lại, các cơ quan tố tụng sau đó đã khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại Cục Quản lý dược và khởi tố 3 bị can gồm Nguyễn Việt Hùng - nguyên Phó Cục trưởng, Phạm Hồng Châu - nguyên Trưởng Phòng Đăng ký thuốc, Nguyễn Thị Thu Thủy - nguyên Phó phòng Quản lý giá thuốc. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra.