Chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng) được xem là chợ nổi nhộn nhịp nhất ở ĐBSCL. Chợ họp ở trung tâm của 5 con kênh lớn: Một ngả xuôi về Bạc Liệu, Cà Mau. Một ngả ngược lên Ngã Bảy để ra sông Hậu. 3 ngả còn lại là Rạch Cái Trầu đổ ra Phú Lộc - Thạnh Trị, Rạch Xẻo Chích đi về Vĩnh Quới - Ngan Gừa. Ngả thứ 5 là kênh “Xáng chìm” đổ về Trà Bang - ra sông Cái Lớn, xưa vốn thuộc đất Rạch Giá, nay thuộc huyện Long Mỹ (Hậu Giang). 5 ngả hợp thành hình ngôi sao xoè rộng giữa vùng đồng đất bằng phẳng.
Chợ Ngã Năm họp từ 1 - 2h sáng nhưng đông nhất vào lúc 4h. Các ghe thuyền trên chợ đi lại tấp nập, bán đầy đủ hàng hóa nhưng nhiều nhất là các loại hàng nông sản như rau, củ, trái cây theo mùa.
Photo: ..
Những chiếc xuồng nhỏ này len lỏi giữa các ghe thương hồ, mỗi chiếc chỉ bán một mặt hàng cơm, hoặc hủ tiếu hay chuyên cà phê, nước giải khát.
Anh Ngô Văn Thu ( 53 tuổi, Sóc Trăng) đã có hơn 25 năm bán cà phê, nước ngọt trên sông nước ở chợ nổi Ngã Năm.
Mỗi ngày, người bán phải thức dậy từ sáng sớm để chuẩn bị thực phẩm đầy đủ.
Những khách hàng thường là người địa phương đi chợ, cũng có khi là người ở các tỉnh khác chạy ghe thuyền ngang qua dừng chân lại nghỉ ngơi.
Nhiều bữa đông khách, chủ hàng dọn đồ về khi mặt trời chưa kịp mọc.
Một hàng cơm tấm sườn chuẩn bị cho ngày mới bằng mẻ thịt nướng thơm nhức mũi. Mỗi hàng ăn hay giải khát có những khách hàng ruột nên hiếm khi ế. Mỗi ngày, họ kiếm được khoảng trăm nghìn đồng từ việc bán đồ ăn, thức uống.
Một tiểu thương chạy chợ dừng xuồng ăn vội đĩa cơm cho chắc dạ trước khi khua chèo rảo chợ mua bán.
Một hàng hủ tiếu bập bềnh trên chợ nổi Ba Ngàn (Hậu Giang). Khách du lịch khi đi thăm chợ nổi thường ghé vào nếm thử hương vị quà sáng chợ nổi.
Giá của những bữa ăn sáng bán trên sông nước cũng khá "mềm", chỉ từ 10.000 đến 15.000 đồng.
Không bàn ghế, khách hàng thường ngồi chông chênh trên thuyền để ăn. Đây được xem như một đặc trưng của vùng sông nước Miền Tây.