Dù châu Âu và Bắc Mỹ chiếm phần lớn doanh số trên toàn thế giới (khoảng 167 tỷ USD và 124 tỷ USD), các nước đang phát triển ở Đông Nam Á mới góp phần đáng kể vào sự phát triển lĩnh vực này. Mức độ tiêu thụ thức ăn nhẹ được dự báo sẽ tăng lên khi khu vực Đông Nam Á chào đón khoảng 300 triệu người tiêu dùng mới trong thập kỷ tới. Sự gia tăng thu nhập và tầng lớp trung lưu cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong những năm tới.
Nielsen đã thăm dò ý kiến của hơn 30.000 người tiêu dùng trong vòng 30 ngày tại 60 nước để xác định loại thức ăn nhẹ phổ biến nhất thế giới và các tiêu chí lựa chọn được ưu tiên, như sức khỏe, hương vị và thành phần. Theo đó, người tiêu dùng Đông Nam Á dùng rất nhiều loại, gồm trái cây tươi, chocolate, bánh mỳ, bánh mỳ ngọt, sữa chua và chuối chiên.
Nhìn chung, người tiêu dùng trong khu vực ăn vặt tương đối lành mạnh khi trái cây tươi đứng đầu danh sách những món phổ biến. 30% người Việt, 26% người Indonesia và 23% người Thái lựa chọn đây là thức ăn nhẹ của mình, cao hơn hẳn so với 18% cả thế giới.
Connie Cheng - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Người tiêu dùng của Nielsen khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và Thái Bình Dương cho biết: “Các nhà sản xuất thực phẩm ăn nhẹ cần phải hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như các yếu tố kích thích sự ăn vặt, để đưa ra các sản phẩm vừa tốt cho sức khỏe, vừa ngon miệng. Nội địa hóa các sản phẩm cho phù hợp với sở thích và mối quan tâm về sức khỏe của người tiêu dùng Đông Nam Á sẽ đảm bảo thành công cho các doanh nghiệp”.
Người tiêu dùng trong khu vực cũng quan tâm đến thành phần nguyên liệu. Tỷ lệ không chứa phẩm màu là mối quan ngại về sức khỏe hàng đầu tại Indonesia (56%), Malaysia (49%) và Thái Lan (45%). Trong khi đó, 3 trong 5 người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên các sản phẩm có thành phần tự nhiên.
Philippines và Việt Nam cũng là những người tiêu dùng có ý thức với môi trường nhất, với một nửa người Philippines cho rằng các món ăn nhẹ có chứa thành phần hữu cơ là rất quan trọng. Trong khi đó, 45% người tiêu dùng Việt Nam tin rằng nguồn cung cấp sản phẩm bền vững là điều cần thiết.
Xét về hành vi tiêu dùng, nhìn chung, người Đông Nam Á đều có khuynh hướng lên kế hoạch cho việc ăn vặt. Còn những người tự phát thì thường mua tại quầy thanh toán và ăn ngay sau khi chi trả.
Cheng nhận định: “Điều này đã tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp tìm chiến lược khác nhau để làm hài lòng cả hai dạng khách hàng này. Những người mua có chủ đích biết họ muốn gì và rất cẩn thận khi lựa chọn sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp cần ghi rõ đặc tính sản phẩm hay nguồn cung nguyên liệu. Ngược lại, với người mua tự phát, sản phẩm nên được đặt ở khu vực bắt mắt, dễ nhìn thấy để thu hút sự chú ý”.
Theo Hà Thu