Dịch virus Corona: TPHCM đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất

TPO - Theo Bác sỹ (BS) Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, tuy chưa phát hiện thêm các trường hợp nhiễm bệnh, TPHCM đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả các phương án để đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), kể cả khi xảy ra tình huống xấu nhất.

Chiều 31/1, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác chăm lo Tết Canh Tý 2020 và triển khai phòng chống dịch nCoV. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết tính đến ngày 31/1, trên thế giới đã có 9.822 người mắc bệnh nCoV, trong đó đã tử vong 213 người và đều là người Trung Quốc. Tỷ lệ tử vong của dịch bệnh nCoV là khoảng 2,1%, nếu so với một số dịch bệnh trước đây như H5N1 thì tỷ lệ tử vong thấp hơn.

BS Hưng cho biết từ khi có những thông tin đầu tiên như bệnh viêm phổi lạ ở Trung Quốc, Sở Y tế TPHCM đã theo dõi, đánh giá nguy cơ, mức độ ảnh hưởng, lây lan. TPHCM có hơn 10 triệu dân, là đầu mối giao lưu, giao thông của khu vực phía Nam. Du khách xuống phía Nam chủ yếu đi bằng đường hàng không và hầu hết đều đến TPHCM, nguy cơ dịch bệnh xuất hiện và lây lan là rất cao.

Dịch virus Corona: TPHCM đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất ảnh 1 Sây bay Tân Sơn Nhất là cửa ngõ nguy hiểm nhất dễ làm "xổng" virus Corona vào TPHCM

Theo BS Nguyễn Hũu Hưng, giải pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa dịch bệnh là phát hiện sớm nhất các trường hợp nhập cảnh vào TPHCM có thể mang theo mầm bệnh để kịp thời cách ly, tránh lây bệnh cho cộng đồng. TPHCM đã triển khai sớm việc giám sát tại các cửa khẩu, sân bay và đã phát hiện kịp thời 2 ca nhiễm nCoV là hai cha con người Trung Quốc và đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp nào khác.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, Sở Y tế bố trí 2 máy tầm nhiệt và mỗi khi phát hiện hành khách có dấu hiệu bị sốt cao thì sẽ đưa vào khu vực cách ly để theo dõi, xử lý. Tuy nhiên, đối với những trường hợp đang trong giai đoạn ủ bệnh, không có biểu hiện sốt thì máy tầm nhiệt bị vô hiệu. Vì vậy, TPHCM đã bố trí mỗi máy 2 nhân viên. Một người theo dõi các chỉ số trên máy và người còn lại theo dõi các dấu hiệu lâm sàng như ho, sổ mũi để kịp thời hỏi thăm tìm hiểu thông tin.

Lãnh đạo Sở Y tế cho rằng với những trường hợp không đến từ vùng dịch, nếu có biểu hiện sốt cao thì cũng không có lý do để cách ly điều trị nên TPHCM vẫn cho cho phép về nơi lưu trú nhưng người nhập cảnh sẽ được theo dõi. Vấn đề quan trọng hiện nay là thông tin tuyên truyền để người dân tự trang bị kiến thức, chủ động tham gia phòng chống dịch.

“Các nhà trọ, khách sạn, hộ dân giám sát và nhanh chóng thông báo với cơ quan y tế, chính quyền nếu phát hiện người nhập cảnh có dấu hiệu bị sốt. Sở Y tế chỉ đạo bệnh viện các quận huyện quan tâm những bệnh nhân có dấu hiệu sốt, xác định có đến từ các vùng đang có dịch hay không để cách ly, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Những trường hợp nghi ngờ sẽ được chuyển về Bệnh viện Nhiệt đới và Bệnh viện Nhi TPHCM”, BS Hưng cho hay.

Dịch virus Corona: TPHCM đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất ảnh 2 BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM

Theo lãnh đạo Sở Y tế, TPHCM phấn đấu hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong. Tuy nhiên, thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả các phương án đối phó khi xảy ra tình huống xấu nhất.

“TPHCM sẽ thành lập bệnh viện dã chiến khi dịch lan rộng. TPHCM đã lập 26 đội phản ứng nhanh. Bộ Y tế cũng giao một số bệnh viện lập đội phản ứng nhanh để chi viện cho các địa phương”, BS Nguyễn Hữu Hưng cho hay.   

Tại hội nghị, Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu chính quyền địa phương xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh bán khẩu trang y tế giá cao. TPHCM kiên quyết không để xảy ra thiếu khẩu trang, nước sát khuẩn và đặc biệt là không để cán bộ y tế bị nhiễm bệnh do thiếu trang thiết bị bảo hộ.

“TPHCM hiện có 35 nhà máy sản xuất khẩu trang y tế, trong đó có trên 2/3 là sản xuất loại khẩu trang có than, đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân”, ông Nhân thông tin.

Theo Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, dịch bệnh mới diễn ra hơn 1 tháng nên không được chủ quan. Tại TPHCM, việc phòng chống dịch phải thực hiện theo phương châm “5 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ, phương án tại chỗ, con người tại chỗ, phương tiện tại chỗ, nhiệm vụ tại chỗ) và mục tiêu quan trọng là tuyên tuyền để từng người dân ý thức được đầy đủ nguy cơ dịch bệnh và chủ động tham gia phòng chống.

Dịch virus Corona: TPHCM đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất ảnh 3 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị

Lưu ý 3 trường hợp người Việt Nam có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm nhưng lúc nhập cảnh hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện sốt cao, Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm đến biện pháp xác minh du khách và người nhập cảnh vào Việt Nam đến từ nơi nào.

Ông Nhân nói: “Nghe thì có vẻ xúc phạm nhưng vì vấn đề an ninh, đảm bảo sức khỏe cho hơn 9 triệu dân thành phố, chúng ta không thể không làm. Phải phấn đấu không để dịch nCoV xảy ra trên địa bàn TPHCM bởi hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Và, nếu không may dịch bệnh vẫn xảy ra thì phải nhanh chóng cô lập, không để lây lan.

Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị các cơ quan chức năng xây dựng cẩm nang bỏ túi và phát miễn phí cho từng hộ để người dân chủ động ứng phó. Cụ thể: Nếu nhà trọ, khách sạn có khách đến lưu trú từ vùng có nguy cơ cao thì phải có biện pháp giám sát. Các hộ dân có người thân từ vùng dịch trở về sau khi báo cáo sẽ được chính quyền, cơ quan y tế cấp miễn phí khẩu trang y tế, nước sát khuẩn…

“Các bệnh viện dành riêng một khu vực để lập khu vực cách ly và hạn cuối là đến 12 giờ trưa 2/2. Lãnh đạo thành phố sẽ kiểm tra. Xác định về tính cấp thiết, trường hợp dịch nCoV lan rộng, từ ngày 15/2, TPHCM sẽ xây dựng bệnh viện dã chiến để ứng phó với dịch. Đối với dịch nCoV, chúng ta không hoang mang nhưng tuyệt đối không được chủ quan”, ông Nhân nêu rõ.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.