Một lô gồm hơn 1.000 bình ôxy, máy nén ôxy, máy thở và các thiết bị y tế khác được Singapore đưa đến Indonesia cuối tuần qua. Úc sau đó cũng chuyển cho Indonesia 1.000 máy thở, ông Luhut Binsar Pandjaitan, Bộ trưởng phụ trách nỗ lực chống đại dịch của Chính phủ Indonesia cho biết.
Ngoài số hàng viện trợ này, Indonesia có kế hoạch mua 36.000 tấn ôxy và 10.000 máy nén ôxy từ Singapore, ông Pandjaitan cho biết. Quan chức này đang phụ trách việc liên lạc với Trung Quốc và các nguồn ôxy tiềm năng khác. Mỹ và UAE bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ.
Indonesia tiếp tục ghi nhận số lượng kỷ lục các ca mắc và tử vong. Cho đến nay, quốc gia đông dân thứ tư thế giới đã báo cáo hơn 2,4 triệu ca mắc và 64.631 trường hợp tử vong vì COVID-19. Những con số này được tin là thấp hơn nhiều so với thực tế, vì tỷ lệ xét nghiệm tương đối thấp và công tác truy vết được thực hiện kém. Indonesia ghi nhận số ca tử vong cao nhất hôm 7/7 với 1.040 người chết và gần 39.000 ca mắc trong hai ngày 8-9/7. Số ca mắc mới của ngày 11/7 là 35.094, CNA đưa tin.
Tại Java, đảo đông nhất của Indonesia, các bệnh viện bắt đầu lập cơ sở dã chiến từ giữa tháng 6. Nhiều bệnh nhân chờ nhiều ngày chưa được nhập viện. Các bình ôxy được đưa ra lối đi bộ cho những ai may mắn nhận được, trong khi nhiều người khác được bảo phải tự tìm. Các phòng cấp cứu tại một bệnh viện công ở TP Bandung phải đóng cửa từ đầu tuần trước vì thiếu ôxy, trong khi tình trạng tranh mua khiến đại dịch càng lây lan ở thủ phủ của tỉnh Tây Java, Phó thị trưởng Yaya Mulyana cho biết.
Indonesia viện trợ 3.400 bình ôxy và máy nén cho Ấn Độ khi nước này đối phó với làn sóng bùng phát vào mùa xuân năm nay. Khi đến lượt mình hứng “sóng”, Jakarta hủy kế hoạch gửi thêm 2.000 máy nén ôxy cho Ấn Độ vào cuối tháng 6. Nhu cầu sử dụng ôxy ở nước này đã lên mức 1.928 tấn mỗi ngày, trong khi năng lực sản xuất của cả nước hiện là 2.262 tấn/ngày. “Tôi yêu cầu dành 100% ôxy cho mục đích y tế. Chúng ta đang chạy đua với thời gian, chúng ta phải làm thật nhanh”, Bộ trưởng Pandjaitan nói, đồng thời dự báo bối cảnh tồi tệ nhất mà Indonesia sắp đối mặt là 50.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày. Ông cho rằng tuần này sẽ là tuần cao điểm, theo AP.
Làn sóng COVID-19 bùng phát lần này xảy ra sau lễ hội Idul Fitri từ giữa tháng 5. Đó là dịp người dân Indonesia về thăm nhà hoặc đi du lịch, bất chấp lệnh cấm đi lại. Một lý do khác là sự xuất hiện của các biến chủng virus mới như Delta, được cho là đã xâm nhập Indonesia qua những người về từ nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, Singapore ra quy định để đối phó với tình hình mới ở quốc gia láng giềng. Theo đó, từ 12/7, tất cả du khách có lịch sử đi lại đến Indonesia trong 21 ngày qua sẽ không được phép quá cảnh Singapore, nếu muốn nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.
Tiêm lại cho y bác sĩ
Giới chức Thái Lan hôm qua báo cáo thêm 86 trường hợp tử vong và 9.539 ca mắc mới, nâng tổng số người chết và mắc COVID-19 ở nước này lên tương ứng là 2.711 và 336.371. Số ca mắc mới chỉ kém một chút so với đỉnh điểm 9.633 ca ghi nhận vào ngày 17/5, Bangkok Post đưa tin.
Số liệu từ trang Real World Data cho thấy vắc-xin Sinovac hiệu quả trong việc giảm bớt số bệnh nhân phải nhập viện và chuyển nặng, nhưng đến nay chưa có số liệu nào về hiệu quả của vắc-xin này đối với biến chủng Delta.
Giới chức y tế Phuket hôm qua trấn an dư luận rằng các biện pháp chống dịch bệnh vẫn hiệu quả, sau khi hòn đảo này phát hiện thêm 2 du khách từ Myanmar mắc COVID-19. Trước đó, du khách đầu tiên ở Phuket được phát hiện mắc COVID-19 kể từ khi hòn đảo này thực hiện dự án tái mở cửa du lịch từ ngày 1/7 là người đàn ông từ UAE. Ngày 10/7, tất cả 13 hành khách trên cùng chuyến bay với người đàn ông này phải quay về nước. Phuket đón 3.287 du khách nước ngoài kể từ khi mở cửa trở lại vào ngày 1/7.
Indonesia và Thái Lan đều đang tính việc tiêm mũi tăng cường cho các nhân viên y tế, dù họ đã tiêm đủ liều vắc-xin Sinovac, Reuters đưa tin. Indonesia đã tiêm cho hàng triệu nhân viên y tế bằng vắc-xin Sinovac, nhưng đến nay hàng ngàn người trong số đó đã mắc COVID-19.
Sẽ nhận được 1,5 triệu liều vắc-xin Pfizer/BioNTech từ Mỹ vào cuối tháng này, Thái Lan định dùng để tiêm cho 700.000 nhân viên y tế, dù hầu hết họ đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin Sinovac. Chính phủ Thái Lan tuyên bố bảo vệ việc sử dụng vắc-xin Sinovac và có kế hoạch mua thêm sản phẩm này. Các bác sĩ Indonesia cũng nói rằng Sinovac có thể không phải vắc-xin tốt nhất trên thị trường, nhưng cho rằng có vắc-xin để dùng còn hơn không có gì.