Úc vạch lộ trình thoát COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Úc đang ở trong giai đoạn 1 của lộ trình nhằm sống chung với COVID-19 Ảnh: Getty Images
Úc đang ở trong giai đoạn 1 của lộ trình nhằm sống chung với COVID-19 Ảnh: Getty Images
TP - Bang New South Wales của Úc vừa ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao kỷ lục trong năm nay vì sự lây lan biến chủng Delta nguy hiểm. Tuy nhiên, chính phủ nước này đã lên kế hoạch gồm 4 giai đoạn đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Khi tốc độ tiêm vắc-xin diễn ra chậm chạp, Thủ hiến New South Wales Gladys Berejiklian kêu gọi người dân hạn chế thăm người thân và bạn bè, vì bản chất của biến chủng Delta là rất dễ lây nhiễm. “Điều thực sự quan trọng với chúng ta là tuân thủ hướng dẫn y tế để có cơ hội tốt nhất thoát khỏi phong toả đúng thời hạn”, bà Berejiklian nói với phóng viên từ Sydney. Quan chức này cho biết bà không có kế hoạch kéo dài phong tỏa sau ngày 16/7 nhưng cảnh báo người dân chớ nên có “giả định phi thực tế” rằng có thể khống chế biến chủng Delta khi tỷ lệ tiêm phòng vẫn thấp và người dân không tuân thủ chặt chẽ các quy tắc giãn cách xã hội. Mới có 9% người dân New South Wales được tiêm đủ mũi, và 29% được tiêm mũi đầu tiên.

Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết chính quyền liên bang sẽ bảo đảm hỗ trợ kinh tế đầy đủ nếu gia hạn phong toả và kêu gọi người dân kiên nhẫn. “Tôi biết mọi người đang mệt mỏi và giận dữ. Đây là virus mà chúng ta phải đối phó và nó sẽ đề ra luật riêng của nó”, ông Morrison nói trong cuộc họp báo trên truyền hình.

Hiệp hội Y khoa Úc (AMA) cảnh báo giới chức New South Wales không dỡ bỏ phong toả trước khi khống chế được hoàn toàn các chùm ca nhiễm biến chủng Delta. “Không có lựa chọn nào khác cho New South Wales. Không nơi nào trên thế giới có thể sống chung với Delta mà chưa đạt tỷ lệ tiêm phòng cao”, Chủ tịch AMA Omar Khorshid nói.

Quy định bắt buộc người dân ở nhà được áp dụng trong 2 tuần qua ở Sydney, thành phố lớn nhất của Úc. Đợt lây nhiễm mới nhất nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở Sydney lên gần 400 kể từ khi trường hợp đầu tiên được phát hiện hơn 3 tuần trước. Đó là một lái xe đã chở phi hành đoàn sau chuyến bay từ nước ngoài. Đợt lây nhiễm này khiến Sydney bị phong toả thêm một tuần nữa.

Đang có nhiều ý kiến kêu gọi hạ thấp mục tiêu cho Sydney vì phải tiêm cho 80% người trưởng thành để đưa thành phố này trở lại cuộc sống bình thường bị cho là nhiệm vụ không thực tế. Uỷ ban Sydney (tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách) hôm qua kêu gọi nên bảo đảm người dân được tiếp cận vắc-xin, thay vì đặt mục tiêu bao phủ. Ông Gabriel Metcalf, Giám đốc Uỷ ban, nói: “Chúng ta không thể đợi đến khi một tỷ lệ dân số đáng kể được tiêm vắc-xin mới dừng phong toả”. Ông nêu ví dụ nước Anh chưa đạt được tỷ lệ 80% tiêm phòng nhưng sắp mở cửa trở lại. Ông nhấn mạnh rằng Sydney “đang hứng một đòn giáng mạnh về kinh tế” và “phong toả tương đối phù hợp với những người có thể làm việc từ xa, chứ không phải người làm trong ngành dịch vụ”.

4 giai đoạn

Sau 16 tháng đối phó COID-19 bằng nhiều đợt phong toả, đóng cửa biên giới và nhiều mức độ giãn cách xã hội, chính phủ Úc tuần trước thông báo đã chuẩn bị lộ trình để đưa Úc thoát khỏi COVID-19. Chiến lược 4 giai đoạn chủ trương thay đổi cách làm từ ngăn chặn hoàn toàn sang quản lý COVID-19 giống như các loại bệnh truyền nhiễm khác, ABC đưa tin.

Giai đoạn 1 được gọi là giai đoạn tiền vắc-xin. Úc hiện đang ở giai đoạn này, với nhiệm vụ trọng tâm là khống chế virus lây lan để chờ đến khi đa số người dân được tiêm vắc-xin. Trong giai đoạn này, Chính phủ Úc sẽ thử nghiệm nhiều phương pháp cách ly đối với người đến từ nước khác, như cho phép cách ly 7 ngày tại nhà đối với những người đã tiêm phòng đầy đủ.

Tính đến tối 8/7, Úc có hơn 30.900 người mắc COVID-19, ít nhất 910 ca tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Trong khi đó, toàn thế giới ghi nhận hơn 185,2 triệu ca mắc, 4 triệu người tử vong và hơn 3,3 tỷ liều vắc-xin được tiêm.

Giai đoạn 2 được gọi là giai đoạn hậu vắc-xin, với trọng tâm chuyển từ khống chế virus sang giảm thiểu số người bị ốm nặng, phải nhập viện và tử vong. Các chính sách cho giai đoạn này chưa được quyết định, nhưng Thủ tướng Morrison cho biết có thể bao gồm việc nới lỏng hạn chế và kiểm soát biên giới với những người đã tiêm phòng, nâng giới hạn tiếp nhận du khách và chỉ phong toả trong những trường hợp cực kỳ nghiêm trọng.

Câu hỏi đang đặt ra là tỷ lệ bao phủ vắc-xin bao nhiêu là đủ để bước sang giai đoạn 2? Các chuyên gia nói rằng đây là câu hỏi trị giá hàng triệu đô la. Các bệnh khác nhau có ngưỡng miễn dịch cộng đồng khác nhau. Đối với COVID-19, nó tuỳ thuộc vào loại vắc-xin được sử dụng, hiệu quả của vắc-xin trước các biến chủng mới và thời gian duy trì hiệu quả của vắc-xin. Tại Úc, mức miễn dịch cộng đồng được đánh giá là sẽ đạt được khi 80% dân số được tiêm. Nhưng một số chuyên gia cho rằng biến chủng Delta đòi hỏi tỷ lệ cao hơn thế, có thể là 90%, bao gồm cả trẻ em.

Giai đoạn 3 được gọi là giai đoạn củng cố. Thủ tướng Morrison nói rằng khi đó, Úc sẽ bắt đầu coi COVID-19 giống như bệnh cúm mùa, Sẽ không còn phong toả, không còn hạn chế đi lại quốc tế và những người đã tiêm vắc-xin được phép ra nước ngoài.

Giai đoạn 4 là đưa cuộc sống trở lại bình thường, nhưng một số tàn tích của đại dịch có thể vẫn còn, ví dụ chỉ những người đã tiêm vắc-xin mới được miễn cách ly.

MỚI - NÓNG