Trưng dụng căng tin làm phòng bệnh
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, từ đầu năm đến nay, số ca TCM đã lên đến 3.568. Chỉ tính trong tuần vừa qua đã có 347 bệnh nhân nhập viện, tăng 49% so với trung bình 4 tuần trước đó. Khoa Nhiễm- Thần kinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho gần 190 bệnh nhi TCM, trong đó có 28 ca nặng nằm cấp cứu, 2 ca TCM độ 1, 17 ca độ 3 và 15 ca độ 2B. “Chỉ trong một tiếng đồng hồ có thể có đến 7 ca TCM nhập viện, bệnh viện đã bổ sung thêm 3 phòng căng tin tầng 1 của bệnh viện để tiếp nhận những bệnh nhân TCM thể nhẹ". BS Dư Tấn Quy, Phó Khoa Nhiễm Thần - Kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết.
Không riêng tại TPHCM, hiện tại bệnh nhi mắc TCM đang có dấu hiệu tăng đột biến ở các tỉnh khác khu vực phía Nam. Theo số liệu của Viện Pasteur TPHCM, tại tỉnh Đồng Nai từ đầu năm đến nay có hơn 4.000 ca mắc bệnh TCM, 90% là trẻ dưới 3 tuổi. Có những tuần, tỉnh ghi nhận đến 500 ca bệnh, nhiều trường hợp bệnh trở nặng nguy hiểm. BS Lương Thị Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương, cho biết chỉ trong tháng 8/2018, toàn tỉnh phát hiện 478 ca mắc bệnh TCM, tăng 202 ca so với tháng trước.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 53.500 trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó gần một nửa số bệnh nhân phải nhập viện và đã có 6 ca tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Trẻ khi mắc tay chân miệng sẽ xuất hiện nhiều bọng nước. Riêng với bệnh sởi, trẻ sẽ xuất hiện nhiều nốt phát ban
Ngoài TCM, sởi và sốt xuất huyết cũng đang có dấu hiệu “vào mùa”. Tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam, theo thống kê của Viện Pasteur TPHCM, trong tháng 8 và tháng 9, số ca mắc bệnh sởi tăng mạnh so với cùng kỳ các năm gần đây. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, địa phương có số ca mắc bệnh sởi cao nhất khu vực là tỉnh Đồng Nai với 136 ca, tiếp theo là Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM.
Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, bệnh sởi trên địa bàn này bắt đầu gia tăng từ giữa tháng 8, rải rác ở 51 xã, phuờng, tập trung nhiều nhất ở huyện Nhơn Trạch, TP Biên Hòa, huyện Long Thành. Riêng tại TPHCM, từ đầu năm đến nay ghi nhận 111 ca mắc sởi, tăng đột biến vào tháng 9. Tất cả những người trong cộng đồng chưa được tiêm chủng, chưa mắc sởi đều có khả năng mắc sởi, nhất là những nơi có sự biến động dân cư. Đối với những trẻ chưa tới tuổi tiêm chủng thì những người chăm sóc trẻ và những người xung quanh cần phải rà soát lại lịch sử tiêm chủng của mình, nếu chưa rõ, tốt nhất nên đi tiêm vắc xin phòng sởi để bảo vệ trẻ, các chuyên gia nhận định.
Riêng đối với bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm 2018 đến nay, tại TPHCM ghi nhận khoảng 6.000 ca nhập viện. Tuy nhiên, theo các BS, do TPHCM đang bắt đầu mùa mưa nên tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn có nguy cơ diễn biến phức tạp.
Theo ThS-BS Nguyễn Minh Tuấn (Trưởng khoa sốt xuất huyết BV Nhi Đồng 1 TPHCM), mỗi ngày trung bình có khoảng vài chục trẻ đang điều trị tại khoa. “Vì triệu chứng của bệnh có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh sốt siêu virus, viêm họng, TCM, nên nếu thấy trẻ có các biểu hiện sốt, lừ đừ, biếng ăn, các bậc phụ huynh nên cho con đến thăm khám tại các cơ sở y tế để có hướng xử trí kịp thời”, BS Tuấn khuyến cáo.
Dịch chồng dịch
Đánh giá về tình trạng lây nhiễm sởi, theo các chuyên gia, nếu một người mắc sởi thì hơn 90% những người chưa miễn dịch sởi tiếp xúc chung quanh đều có khả năng mắc bệnh. PGS.TS.BS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM phân tích: “Tại các tỉnh phía Nam, việc giao lưu đi lại giữa các khu vực chính là một trong những nguyên nhân lây lan bệnh, điều này thể hiện rõ qua hình thái dịch tễ, khi TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương… Miễn dịch cộng đồng là rất quan trọng, nếu trước đây chỉ đòi hỏi miễn dịch đối với bệnh sởi chỉ khoảng 85-95%, tuy nhiên đối với những địa phương, nơi có sự giao lưu đi lại, nhập cư kể trên phải cao hơn nữa”.
Theo ông Lân, dịch sởi phát hiện sớm, xử lí kịp thời, hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn chặn. Các địa phương đang có nguy cơ bùng phát dịch cần khoanh vùng ổ dịch nhanh chóng, tránh lây lan, nâng cao miễn dịch cộng đồng, bằng biện pháp tiêm chủng, rà soát lại hoạt động tiêm chủng. “Đối với những người sinh từ năm 1984- 1997, thời kỳ bắt đầu triển khai vắc xin sởi, có thể đã tiêm được 1 mũi hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ. Do đó cần rà soát các đối tượng này ở các tỉnh Đông Nam Bộ. Các cơ quan ban ngành cần có giải pháp đồng bộ hơn, thậm chí ra khỏi phạm vi y tế, cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp, tiếp cận những đối tượng nguy cơ cao ấy”, ông Lân nói.
Quảng Ngãi: Trên 1.000 ca tay chân miệng
Tại Quảng Ngãi ghi nhận trên 1.000 ca mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó riêng tại TP Quảng Ngãi có 405 ca bệnh với 25 ổ dịch, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ða phần các ổ dịch được phát hiện tại các điểm trường mầm non, nhóm trẻ gia đình. Bệnh diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh khiến số ca bệnh tăng cao nhất so với 3 năm trở lại đây.
Trao đổi với Tiền Phong, bà Lê Thị Bích Thu - Giám đốc Trung tâm Y tế TP Quảng Ngãi, cho biết: Trong ngày 2/10, ngành Y tế phát hiện thêm 1 ổ dịch TCM tại trường Mầm non Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi).
Nguyễn Ngọc
Nói về nguy cơ dịch chồng dịch ở khu vực phía nam, ông Phan Trọng Lân nhìn nhận đây là vấn đề hoàn toàn có thể xảy ra vì tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi… là các bệnh lưu hành thường xuyên, do đó hệ thống dự phòng phải luôn thường trực, luôn luôn làm công tác chuẩn bị sẵn sàng, đáp ứng mọi tình huống xảy ra.