Dịch bệnh lùi dần ở TPHCM: Nhịp sống mới trở lại

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tái khởi động sản xuất. Ảnh: P.V
Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tái khởi động sản xuất. Ảnh: P.V
TP - Nỗ lực thực hiện tổng hợp các giải pháp chống dịch trên địa bàn TPHCM đang mang lại thành quả khả quan khi số ca bệnh giảm dần, số ca tử vong giảm sâu ở các tầng điều trị. Các hoạt động kinh tế, xã hội đang từng bước quay trở lại giai đoạn bình thường mới.

Những thành quả quan trọng

Trong giai đoạn cao điểm, trung bình mỗi ngày thành phố ghi nhận khoảng trên dưới 6.000 ca dương tính với SARS-CoV-2, số ca tử vong ở mức cao, đỉnh điểm lên tới 340 trường hợp vào ngày 22/8. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, TPHCM đã thực hiện tổng hợp nhiều giải pháp, tăng cường xét nghiệm diện rộng, đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, tăng khả năng đáp ứng điều trị, đặc biệt là nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch, quản lý, chăm sóc F0 tại nhà…

TPHCM đã tiêm chủng được gần 9,5 triệu mũi vắc-xin ngừa COVID-19, cơ bản hoàn tất tiêm mũi 1 và đang đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 cho người dân để sớm bao phủ vắc- xin, đạt miễn dịch cộng đồng.

Đến nay, cuộc chiến chống dịch đã đạt được những thành quả khả quan, mỗi ngày trên địa bàn thành phố chỉ còn khoảng 4.000 trường hợp được phát hiện mới mắc COVID-19, trong khi đó số ca tử vong đã giảm sâu chỉ còn 123 trường hợp (ngày 25/9). Mỗi ngày, số người được điều trị khỏi ngày càng nhiều, hiện đã có gần 190.000 người xuất viện về với gia đình. Bên cạnh đó, thành phố đã tiêm chủng được gần 9,5 triệu mũi vắc-xin ngừa COVID-19, cơ bản hoàn tất tiêm mũi 1 và đang đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 cho người dân để sớm bao phủ vắc- xin, đạt miễn dịch cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng- Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, cuộc chiến với đại dịch COVID-19 đang diễn ra theo chiều hướng rất khả quan ở cả 3 tầng điều trị. Cụ thể, với nhóm F0 tại cộng đồng hiện đã được quản lý, chăm sóc, điều trị hiệu quả. Việc sử dụng túi thuốc C (thuốc kháng virus) cho các F0 tại nhà đã góp phần giảm tỷ lệ bệnh diễn tiến nặng, cơ bản chặn đứng tử vong ngoài cộng đồng.

PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Y- Đại học Y Dược ( TPHCM) đang trực tiếp điều hành chương trình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng” trên địa bàn quận 8, quận 10 và quận Bình Tân chia sẻ, so với giai đoạn đầu tháng 8, đến nay tỷ lệ tử vong đã giảm rõ rệt. “Tại quận 8, số ca bệnh tử vong vì COVID-19 chỉ còn vài trường hợp xảy ra trên bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền” - PGS Vương Thị Ngọc Lan nói.

“Có lẽ, tới thời điểm này chúng ta bắt đầu thấy được ánh sáng nơi cuối đường hầm khi số ca mắc giảm, số bệnh nhân nặng được kiểm soát và số ca tử vong có xu hướng đi xuống” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

Tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi, giai đoạn cao điểm bệnh viện điều trị hơn 700 bệnh nhân COVID-19, nhóm bệnh nặng tử vong ở mức cao. Tuy nhiên, đến ngày 26/9 tại đây chỉ còn 430 bệnh nhân đang điều trị. Trao đổi với PV Tiền Phong, BS Trần Chánh Xuân, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Số ca bệnh nhập viện đang giảm nhanh, đặc biệt số ca tử vong giảm sâu, gần đây chỉ còn vài trường hợp tử vong là nhóm đã rơi vào nguy kịch, hồi sức trong thời gian dài trên những người có bệnh lý nền và chưa được chích vắc- xin”.

Tại các trung tâm hồi sức COVID-19 đang nhận những tín hiệu vui với số ca xuất viện ngày càng nhiều, số bệnh nhân tử vong ngày càng giảm. PGS.TS Lê Minh Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức COVID-19 do Bệnh viện Đại học Y Dược (TPHCM) phụ trách đặt tại Bệnh viện Quốc tế City, cho biết: “Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 500 bệnh nhân COVID-19 nặng. Đã có hơn 200 trường hợp người bệnh nguy kịch được cứu sống ngoạn mục và xuất viện”.

Tình hình khả quan cũng đang diễn ra tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 16 do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách. PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: “Hiện trung tâm có hơn 350 bệnh nhân nặng, công tác điều trị tuần qua đã có những tín hiệu khả quan với số lượng bệnh nhân tử vong giảm”.

Trước những tín hiệu đáng mừng của cuộc chiến chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Có lẽ, tới thời điểm này chúng ta bắt đầu thấy được ánh sáng nơi cuối đường hầm khi số ca mắc giảm, số bệnh nhân nặng được kiểm soát và số ca tử vong có xu hướng đi xuống”. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, sau ngày 30/9, TPHCM sẽ có kế hoạch đảm bảo sự an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong phòng, chống dịch.

Ði chợ dã chiến: Mừng lắm

Trưa cuối tuần, đoạn đường dài gần 500 mét trên đường Tản Đà (quận 5) nhộn nhịp từ sáng sớm bởi người dân đến mua thực phẩm tại phiên chợ “dã chiến”. Sau thời gian dài ở nhà, hôm nay bà Ngô Thị Ánh (58 tuổi) mới được xách giỏ tự đi chọn thực phẩm.

Sau khi xuất trình giấy đi chợ và mã QR chứng minh đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, bà Ánh được “đóng dấu” nhận biết, nhận một menu với 135 mặt hàng: “Suốt nhiều tuần qua, tôi chỉ có thể đặt mua thực phẩm qua mạng. Hôm nay được đi chợ, tự tay lựa chọn rau củ, thịt cá… nên mừng lắm” - bà Ánh nói.

Tỷ lệ mắc COVID-19 ở vùng đỏ, vùng cam còn 0,3%

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM ngày 26/9 cho biết, hiện thành phố có 2.310.875 hộ dân, trong đó có 396.166 hộ dân thuộc vùng đỏ, 175.721 hộ dân thuộc vùng cam, số còn lại thuộc vùng vàng và vùng xanh. Công tác xét nghiệm toàn thành phố đến nay đã thực hiện được 7 đợt. Ðối với vùng cam và đỏ, thực hiện lấy mẫu bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh với tỷ lệ dương tính giảm từ 3,7% trong đợt 1 xuống còn 0,3% trong đợt 7. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đẩy nhanh công tác xét nghiệm tại vùng cam, vùng đỏ để kịp thời bóc tách F0 khỏi cộng đồng.

Vân Sơn

Đây là mô hình chợ “dã chiến” do UBND quận 5 thực hiện nhằm giúp người dân trực tiếp mua sắm, lựa chọn mặt hàng cần thiết sau thời gian dài giãn cách. Người dân khi tới chợ sẽ mang theo phiếu đã được địa phương phát trước đó. Trong chợ, có nhân viên phụ trách đo thân nhiệt, kiểm tra giấy chứng nhận tiêm vắc-xin và đóng dấu xác nhận đủ điều kiện vào chợ.

Chủ tịch UBND quận 5 Trương Minh Kiều cho biết: “Sau thời gian dài giãn cách liên tục trong nhà, người dân cần có cơ hội đi ra ngoài thư giãn, mua sắm nhu yếu phẩm, thay đổi không khí... Đi chợ “dã chiến”, bà con có thể trực tiếp chọn lựa sản phẩm và mua bán trong giới hạn phòng chống dịch cho phép, kết hợp việc thực hiện nghiêm 5K. Các chợ sẽ luân phiên nhau từ phường này đến phường khác, tập trung ưu tiên hơn cho những khu vực, phường mà người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa COVID-19. Tiêu chí chợ không lợi nhuận nên giá hỗ trợ cho người dân”.

Mới đây, TP Thủ Đức cũng tái khởi động một số công trình xây dựng trên địa bàn sau thời gian giãn cách xã hội. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, việc tái khởi động này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 còn kéo dài, diễn biến phức tạp trên địa bàn TP HCM nói chung, TP Thủ Đức nói riêng.

Theo ông Tùng, nhiều tuần qua, khu vực quận 2 cũ và quận 9 cũ giữ được “vùng xanh” nên thành phố quyết tâm khởi công một số công trình tại các khu vực này. Từ đó, tạo đà cho các hoạt động kinh tế tiếp tục sau ngày 1/10 tới cũng như tạo công ăn việc làm, tăng tốc độ triển khai, thi công các dự án, sớm đưa nhiều dự án đi vào hoạt động.

MỚI - NÓNG