Đất tăng từng ngày
Ông Nguyễn Văn Thường – một người dân trên đảo cho biết: Năm 2001, ông mua một miếng đất 4 công (4.000m2), giá 40 triệu đồng tại khu tuyến tránh thị trấn Dương Đông để trồng rau và nuôi heo. “Năm 2010 người ta trả 400 triệu tôi không bán. Rồi đất nó cứ lên dần lên theo làn sóng chung của cả đảo. Tuy nhiên chưa có bao giờ đất Phú Quốc lại tăng nhiệt như mấy tháng qua. Miếng đất người bạn gần nhà tôi tháng 11/2017 bán 4 tỷ một công, qua tháng 12 người mua sang lại 6 tỷ, đến đầu tháng 1/2018 lên 10 tỷ, giữa tháng 3 lên 15 tỷ và giờ đây là 20 tỷ đồng. Tuy nhiên cơn sốt đất vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tôi nghĩ nó sẽ lên khoảng 30 đến 40 tỷ đồng vào cuối năm nay”, ông Thường nói.
Trong khi đó ông Đặng Văn Tuân - một “trùm bất động sản” trên đảo cho biết: Đất trên tuyến đường Dương Đông – Cửa Cạn, đất ấp Ông Lang... trước năm 2000 chỉ vài triệu một công. Đến năm 2004 mới có người mua bán. Năm 2006 lên khoảng 1 tỷ một công, năm 2016 khoảng 5-6 tỷ. Trước Tết Nguyên đán 2018 khoảng 8-10 tỷ một công và hiện đang ở mức 20-30 tỷ một công, tùy theo vị trí. Nói chung, sau Tết đất trên đảo tăng lên chóng mặt, hầu hết đều đã tăng 4-5 lần và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ghi nhận của phóng viên, đất Phú Quốc không chỉ tăng theo tháng, mà biến động hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Một miếng đất người này vừa mua 10 tỷ vào buổi sáng, nhưng chỉ vài giờ sau một nhóm người khác trả ngay 12 tỷ thậm chí 15 tỷ là “chuyện thường ngày” trên đảo Phú Quốc trong mấy tháng qua. Ông Nguyễn Văn Chín ở ấp 2, xã Cửa Cạn cho biết: “Khoảng 9 giờ ngày 2/4 có vị khách đến mua 3 công đất vườn nhà tôi, giá 9 tỷ. Họ đặt cọc 1,5 tỷ đồng, hẹn tuần sau ra công chứng thanh toán hết. Nếu “bẻ kèo” người bán phải bồi thường gấp 3 lần.
Thế nhưng buổi chiều có một nhóm khác đến năn nỉ mua giá 12 tỷ và chịu bồi thường luôn cả tiền đặt cọc 4,5 tỷ”. Mặc dù vậy, “số phận” miếng đất kia vẫn chưa yên khi đang có người ngắm nghía với giá 18 tỷ đồng. Cách đây 2 năm, anh Nguyễn Trọng Hải, quê An Giang, ra Phú Quốc mua một miếng đất ven biển tại khu phố 7, thị trấn Dương Đông, giá 1,1 tỷ đồng. Cuối tháng 3 vừa qua anh bán cho một người khách đến từ Hà Nội giá 12,5 tỷ. Khách mua đặt cọc 2,5 tỷ, hẹn đến ngày 20/4 này thanh toán hết. Thế nhưng ngày 9/4 đã có người lại đến hỏi mua. Và, vị khách Hà Nội chưa trả hết tiền kia nói chắc như đinh đóng cột rằng: “có 20 tỷ thì giao dịch”.
Mở phòng giao dịch lưu động bên lề đường
Đối tượng mua đất Phú Quốc chủ yếu đến từ Hà Nội, TPHCM, Việt kiều... Người nước ngoài, trong đó có người Nga, Pháp, Trung Quốc cũng đã tham gia mua đất trên đảo. Anh Nguyễn Đang, một người kinh doanh bất động sản trên đảo Phú Quốc cho biết: “Người Trung Quốc bắt đầu tham gia thị trường đất đai trên đảo Phú Quốc từ năm 2016, sau khi có chuyến bay từ Quảng Châu đến đảo. Khi giao dịch họ thường nhờ người thân quen là người Hoa ở Việt Nam đứng tên. Hiện một đối tác của Trung Quốc đang đặt tôi mua một ngôi nhà trị giá khoảng 1 triệu đô”.
Thị trường đất đai Phú Quốc trong cơn “điên đảo” còn chứng kiến cảnh tranh mua tranh bán. Ghi nhận của Tiền Phong, tất cả những gốc cây, trụ điện, hàng rào, bờ tường trên mọi nẻo đường đều mang tên... “bán đất”. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn tổ chức cho nhân viên treo bảng dự án, đặt bàn giao dịch ven đường mời chào bán đất.
Trên con đường bê tông rộng khoảng 8 mét chạy qua ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương, mặc dù đang giai đoạn thi công nhưng các dự án phân lô bán nền đã mọc lên như nấm suốt chiều dài gần 5km.
Đang chạy xe máy cùng một đồng nghiệp, bỗng có một giọng người Bắc la lớn: “Anh ơi, anh ơi... mua đất chúng em đi”. Đó là một nhóm thanh niên đến từ Hà Nội. Đại diện nhóm tay cầm một sơ đồ thửa đất đã phân lô cho biết: Dự án “Khu dân cư cao cấp mặt tiền Bến Tràm” này của Cty bất động sản Hưng Thịnh House, họ đã mở bán hết rồi, bây giờ chỉ mua đi bán lại mà thôi.
Người này chỉ vào một thửa đất nằm ngay lô góc rộng hơn 200m2 và cho biết: Giữa năm 2017 lô đất này chỉ 1 tỷ đồng, cách đây hơn một tuần giá 3 tỷ đồng, nay chủ đất nói được 5,2 tỷ mới bán. Tuy nhiên 2 ngày sau, khi chúng tôi quay trở lại lô đất nói trên thì một nhóm người khác, nói giọng miền Trung chốt giá 5,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại tuyến tránh thị trấn Dương Đông, nhiều nhóm người đậu ô tô, đặt bàn mở “phòng giao dịch” lưu động ngay bên lề đường, cầm giấy tờ đất liên tục vẫy tay chào mời khách qua đường mua đất. Một “giao dịch viên” tự giới thiệu tên Toàn chỉ vào một tấm bảng ghi “Khu dự án” giới thiệu: Đây là khu dân cư cao cấp, có nhiều loại nền từ 100-500m2, giá thấp nhất là 12 triệu một mét vuông. Anh Toàn cho biết: Bình quân mỗi ngày anh tiếp khoảng 100 khách đến giao dịch. Đông nhất là thứ bảy và chủ nhật, khách từ Hà Nội đi từng đoàn, có người mua cùng lúc cả chục nền. Họ cũng mua đi rồi bán lại. Chưa thấy ai mua đất cất nhà ở khu này.
Ông Võ Văn Lên – Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Phú Quốc cho biết: Sau tết nguyên đán, số lượng người dân đến đăng ký làm thủ tục đất đai tăng đột biến, khoảng 200-300% so với cùng kỳ. Hiện còn khoảng 7.000 hồ sơ cần giải quyết. Bình quân mỗi ngày có thêm hàng trăm hồ sơ tiếp tục đổ về. Tỉnh đã điều động 3 cán bộ từ đất liền ra đảo tăng cường. Tuy nhiên do áp lực quá lớn, tôi đang đề xuất tăng từ 5-7 người nữa.