Cụ thể, theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, dòng sản phẩm condotel 9 tháng qua, ghi nhận sự chững lại của cả nguồn cung và giao dịch. Đáng chú ý, trong quý III/2018, hầu hết ở các vùng phát triển mạnh về bất động sản nghỉ dưỡng như Phú Quốc, Đà Nẵng không có nguồn cung mới chào bán. Lượng giao dịch cả nược về sản phẩm condotel chỉ đạt khoảng 1.000 sản phẩm.
Cụ thể, tổng lượng sản phẩm condotel giao dịch trong quý III/2018 tại Đà Nẵng chỉ đạt 294 căn. Tương tự, tại Nha Trang, sản phẩm bất động sản ở tất cả các phân khúc, kể cả condotel, đều chững lại.
Lý giải về thực tế này, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng “Then chốt nhất là do ngân hàng có động thái siết chặt nguồn vốn chảy vào bất động sản nghỉ dưỡng. Ngoài ra, sau một thời gian sốt nóng, giá bán cao từ 35 - 50 triệu đồng/m2, thậm chí vượt ngưỡng 70 triệu đồng/m2 nên nhà đầu tư F2 khó tạo thanh khoản khi chuyển nhượng”.
Vị chuyên gia này cũng thẳng thắn đánh giá năng lực phát triển dự án loại hình bất động sản nghỉ dưỡng còn hạn chế. “Nhiều chủ đầu tư quảng bá các đơn vị quản lý vận hành đến từ những thương hiệu có tiếng. Tuy nhiên, thực tế quyền lợi của nhà đầu tư không đảm bảo hiệu quả. Kéo theo sự mất niềm tin ngắn hạn về phân khúc này.
“Việc đổ tiền quá nhiều vào condotel trong khi số lượng condotel lớn sẽ dẫn tới bội thực, cạnh tranh và cuối cùng là bội thực. Chủ đầu tư đã thu tiền một cụm, bản thân khách hàng cũng phải bỏ tiền vào đó một phần, tín dụng ngân hàng một phần. Đến khi chủ đầu tư "thất thủ", nói không thể trả tiền được, ngân hàng siết tài sản này, khách hàng có thể mất trắng. Ngân hàng ôm vào một mớ condotel không bán được cho ai. Vì vậy cần khuyến nghị tạm dừng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng” - ông Đính nhấn mạnh.