Không được phép xây dựng resort tại hành lang bảo vệ bờ biển
Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học, Công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, khu vực dự kiến xây dựng Lancaster Nam Ô thuộc khu vực hành lang bảo vệ bờ biển, theo quy định của Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo (Hành lang bảo vệ bờ biển tính từ mực nước triều cao nhất tới khoảng 100 – 150 m về phía đất liền).
Trong khi đó, Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo quy định rõ những điều cấm làm tại hành lang bảo vệ bờ biển. Cụ thể, điều 24 của Luật quy định, không được xây dựng mới, mở rộng công trình xây dựng, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và các công trình xây dựng khác phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển quyết định chủ trương đầu tư.
Luật cũng quy định cấm lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang bảo vệ bờ biển. Cấm các hoạt động làm sạt lở bờ biển, suy thoái hệ sinh thái vùng bờ, suy giảm giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên.
Như vậy, theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, việc xây dựng resort tại bãi biển Nam Ô là chưa phù hợp với Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo. Ngoài ra còn tác động đến môi trường, sinh thái như phá vỡ sự liên tục của hệ sinh thái từ trên bờ xuống biển, phá vỡ môi trường tự nhiên, sinh cảnh vùng bờ biển, tăng khả năng ô nhiễm môi trường và thiệt hại do thiên tai.
Cần đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển
Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, việc triển khai các dự án như Lancaster Nam Ô Resort còn làm biến đổi cảnh quan ven biển, làm mất không gian chung để người dân và khách du lịch có thể đi dạo, tập thể dục, thể thao, nghỉ dưỡng tại bãi biển và khu vực ngay sát biển. Như vậy làm giảm giá trị tài nguyên du lịch đồng thời vi phạm quyền tiếp cận của người dân với biển.
Về giá trị tài nguyên du lịch, theo PGS Ca, khi người dân được tự do tiếp cận và sử dụng bãi biển, số lượng khách du lịch sẽ tăng lên, doanh thu dịch vụ du lịch cũng sẽ tăng theo. Nếu một khu vực bãi biển được giao cho một số tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thì lượng người sử dụng bãi biển sẽ bị giảm rất nhiều do bị hạn chế bởi các quy định do các tổ chức, cá nhân này đặt ra.
Về quyền tiếp cận của người dân với biển, theo PGS Ca, không gian ngay sát biển là khu vực có nhiều tài nguyên có tính chất chia sẻ và thường được nhiều tổ chức, cá nhân cùng khai thác, sử dụng. Vì thế, rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam đã quy định việc đảm bảo tính chất sở hữu công cộng và quyền tiếp cận của cộng đồng đối với bãi biển và các nguồn tài nguyên ở không gian ven biển.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, việc xây dựng một dự án như Lancaster Nam Ô Resort chắc chắn sẽ gây tác động đến môi trường, sinh thái khu vực. Nhưng tác động như nào cần phải được phân tích và lãm rõ trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, chẳng hạn như diện tích rừng bị phá là bao nhiêu, hệ sinh thái khu vực bị ảnh hưởng như nào, vấn đề xử lý nước thải từ khu biệt thự đang thực hiện ra sao…”Tất cả các vấn đề này cần được cơ quan chức năng xem xét một cách thận trọng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án”, ông Tùng nói.
Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, việc triển khai các dự án như Lancaster Nam Ô Resort còn làm biến đổi cảnh quan ven biển, làm mất không gian chung để người dân và khách du lịch có thể đi dạo, tập thể dục, thể thao, nghỉ dưỡng tại bãi biển và khu vực ngay sát biển. Như vậy làm giảm giá trị tài nguyên du lịch đồng thời vi phạm quyền tiếp cận của người dân với biển.