Dự án resort ở Nam Ô: Kiến nghị giữ nguyên trạng ghềnh đá, di tích

Lăng cá ông, Dinh Âm hồn trong vùng dự án.
Lăng cá ông, Dinh Âm hồn trong vùng dự án.
TP - Ngoài việc đề xuất thành phố Đà Nẵng không cho phép xây biệt thự, vila trên mỏm Hạc - ghềnh đá Nam Ô chỉ cho tôn tạo phục vụ du lịch sinh thái, hạn chế tối đa việc chặt phá cây rừng nguyên sinh làm thay đổi hiện trạng, quận Liên Chiểu còn kiến nghị  không di dời các lăng, miếu mà trùng tu, tôn tạo đảm bảo nguyên vẹn, phục vụ tín ngưỡng, nhu cầu văn hóa của người dân địa phương...

Ngày 27/3, ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng ) cho biết, đã có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng trình bày các đề nghị của UBND quận liên quan đến Khu du lịch sinh thái Nam Ô đang gây xôn xao dư luận.

Theo báo cáo, UBND quận Liên Chiểu kiến nghị 6 nội dung liên quan dự án này. Cụ thể, về ranh giới dự án phía tiếp giáp với mặt nước biển, đề nghị UBND thành phố quy hoạch điều chỉnh theo Luật Biển và chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng. Dải đất dọc đường Nguyễn Tất Thành (nối dài) khoảng 6.300m2, quận  đề nghị UBND thu hồi và cho chủ trương sử dụng vào mục đích quy hoạch mở rộng nút giao thông, xây dựng cơ sở trưng bày làng nghề nước mắm Nam Ô và các sản phẩm của ngư dân.

Tuyến đường bê tông hiện trạng rộng 4m, dài 1,7km giáp ranh giữa dự án và khu dân cư chỉnh trang (do Cty CP Trung Thủy đã thi công) đề nghị UBND thành phố quy hoạch mở rộng thành đường 5,5m có vỉa hè và hệ thống thoát nước để tạo không gian cách ly, hình thành tuyến phố, làm đẹp cảnh quan và tạo cơ hội cho người dân buôn bán, làm dịch vụ, chuyển đổi ngành nghề.

Riêng phần diện tích trên mỏm Hạc - ghềnh đá Nam Ô, quận Liên Chiểu đề nghị UBND thành phố phê duyệt với mục đích tôn tạo phục vụ du lịch sinh thái, hạn chế tối đa việc chặt phá cây rừng nguyên sinh làm thay đổi hiện trạng. Theo UBND quận Liên Chiểu, đây là khu rừng được người dân Nam Ô tự giác bảo vệ nguyên vẹn từ nhiều đời nay. Việc tác động mạnh đến tự nhiên khu vực này sẽ có nguy cơ phản ứng tiêu cực từ cộng đồng.

Về lối xuống biển, quận Liên Chiểu đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng quy hoạch 2 vị trí tại di tích dinh Âm Hồn và miếu Bà Liễu Hạnh hiện nay. Ngoài ra, hình thức xây dựng tường rào quanh dự án, quận đề nghị thiết kế thoáng, kết hợp hàng rào mềm, tránh cảm giác chia cắt không gian cảnh quan chung trong khu vực.

Ông Đàm Quang Hưng, cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng về rà soát, kiểm tra lại dự án để có phương án điều chỉnh quy hoạch, UBND quận đã phối hợp với chủ đầu tư tháo dỡ rào chắn các lối đi, dừng các hoạt động ở dự án cho đến khi có giấy phép xây dựng. Về các di tích, quận Liên Chiểu kiến nghị thành phố xem xét không di dời để tiến hành trùng tu, tôn tạo, đảm bảo nguyên vẹn, phục vụ tín ngưỡng, nhu cầu văn hóa của người dân địa phương, phát triển hệ thống du lịch tâm linh kết hợp du lịch cộng đồng, sinh thái.

Dự án này đã được quy hoạch gần 10 năm nhưng chậm triển khai, theo ông Hưng nguyên nhân là nhiều lần thay đổi quy hoạch, chuyển đổi chủ đầu tư. Ngoài ra, do kéo dài nhiều năm nên phát sinh kinh phí đền bù nên thành phố cân nhắc việc đền bù giải tỏa phải chuẩn bị kinh phí... Tiền giải phóng mặt bằng khoảng 120 tỷ đồng

Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cũng cho biết, quy hoạch dự án rộng hơn 36 ha, nhưng hiện chủ đầu tư chỉ nộp tiền sử dụng đất 10ha với số tiền 63 tỷ đồng (sau khi được giảm 10%). Diện tích hơn 26 ha còn lại chủ đầu tư sẽ phải thuê lại của thành phố để thực hiện dự án.  “Hiện Cty đang làm thủ tục để triển khai dự án trong diện tích hơn 36 ha này. Phần nào thuê đất, công ty phải làm thủ tục nộp tiền nghĩa vụ sử dụng đất”, ông Hưng cho biết.

Theo ông Hưng, trong dự án có phần thuê đất và giao đất, quận được giao nhiệm vụ giải tỏa đền bù để giao đất sạch cho dự án, trong đó có 10ha công ty đã nộp tiền sử dụng đất. Hiện nay, quận chỉ giải tỏa, sau khi có đất sạch mới tiến hành các thủ tục cho thuê đất. Thuê bao nhiêu năm thẩm quyền thuộc Sở TN&MT. Tuy nhiên việc thuê đất triển khai dự án, phải chi trả theo quy định và chỉ đạo của thành phố.

Từ ngày 29/11/2017, Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT) Đà Nẵng đã có văn bản gửi Sở Xây dựng, phản hồi về việc di dời miếu Âm hồn, miếu Bà Liễu Hạnh, lăng Ngư Ông từ làng Nam Ô về mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành theo đề xuất của Công ty Trung Thủy Đà Nẵng.

Theo đó, Sở VH-TT không đồng ý việc di dời những di tích này khỏi vị trí hiện tại. Bởi những di tích này đã đánh dấu và gắn liền với quá trình Nam tiến, mở đất, lập làng của các thế hệ tiền nhân. Nếu di dời sẽ làm mất đi giá trị nguyên gốc của di tích. Lăng Ngư Ông được xây dựng từ năm 1823, kết cấu, mô típ kiến trúc cổ truyền thống (vì kèo, tứ linh, tứ quý…) được trùng tu, bảo tồn qua nhiều đời. Đặc biệt trong khuôn viên lăng có một giếng Chăm cổ - nơi người Chăm và người Việt sau này thường đến lấy nước ngọt mỗi khi ra khơi và một ngôi mộ cá Ông gắn liền với tâm linh của dân địa phương. Sở VH-TT đề nghị Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP Đà Nẵng giữ lại vị trí hiện trạng các di tích trên.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.