Lấy đất… nhưng không đền bù?
Trong căn chòi dựng tạm bợ dùng để phơi mực cạnh Dự án lấn biển Queen Pearl Marina Complex (phường Phước Lộc, Thị xã La Gi, Bình Thuận) do Công ty Vi Nam làm chủ đầu tư, hàng chục cư dân bị mất đất nói như khóc về cảnh cùng cực khi chính quyền “bật đèn xanh” cho chủ đầu tư san lấp mảnh đất “cắm dùi” để xây dự án nhưng không đưa ra phương án bồi thường thỏa đáng, tạo điều kiện cho họ về nơi ở mới.
Ông Trần Công Ninh (47 tuổi, ngụ KP 3, phường Phước Lộc) lời rằng, vào những năm 1985, khu vực Dự án Queen Pearl Marina Complex đang xây dựng là bãi bồi cát do thủy triều mỗi khi lên xuống. Nhiều khu vực bị trũng, nước ngập, người dân san lấp dần theo năm tháng bằng phẳng để dùng cho việc phơi mực. Gia đình ông có 3 trại mực với tổng diện tích khoảng 300m2. Khoảng 10 năm trước, chính quyền thông báo khu vực bị giải tỏa để xây dự án. Lãnh đạo địa phương vận động người dân đi nơi khác làm ăn nhưng không nói gì đến đền bù, hỗ trợ di dời.
Còn bà Phạm Thị Tin (52 tuổi, ngụ KP 4, phường Phước Lộc) bức xúc: “Tôi có 2 trại mực bị chủ đầu tư san lấp với diện tích khoảng 400m2 nhưng không đền bù một đồng. Chúng tôi đồng ý nhường đất cho việc xây dựng công trình công cộng để phát triển địa phương nhưng chính quyền và doanh nghiệp phải có phương án hỗ trợ kinh phí hợp lý để chúng tôi có nơi ở mới để tiếp tục kinh doanh sản xuất. Hàng chục năm qua, người dân làm mực ở đây cũng thực hiện việc đóng thuế kinh doanh đầy đủ cho nhà nước chứ có làm chui đâu. Chính quyền bật đèn xanh cho chủ đầu tư lấy đất không bồi thường, họ ép dân vào đường cùng”.
Năng lực kém vẫn được giao dự án
Dự án Queen Pearl Marina Complex được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận cho đầu tư vào năm 2005. Người dân yêu cầu hỗ trợ từ 50 - 100 triệu đồng để tìm nơi ở mới nhưng không được chấp nhận. “Chủ đầu tư chỉ đồng ý hỗ trợ mỗi hỗ dân 5 triệu đồng. Số tiền đó cũng không đủ tiền khai hoang và san lấp mấy chục năm nay, bà Tin nói trong nước mắt.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Được - Phó Chủ tịch UBND phường Phước Lộc, thị xã La Gi cho biết: “Trước đây chính quyền địa phương từng đề nghị chủ đầu tư hỗ trợ cho mỗi hộ dân chỉ khoảng 5 triệu đồng để làm chi phí di dời nhưng họ không chịu. UBND tỉnh Bình Thuận đã có chỉ đạo cho UBND Thị xã La Gi thực hiện di dời. UBND phường Phước Lộc đã mời các hộ dân này lên làm việc. Hiện có có 22 hộ dân có tài sản trên đất dự án, có 14 hộ đang khiếu nại”.
Trước đó, Công ty cổ phần DKRA Việt Nam là đơn vị rao bán, nhận tiền giữ chỗ của khách hàng tại dự án Queen Pearl Marina Complex và bị chính quyền “tuýt còi”.
Vừa qua, các hộ dân tiếp tục búc xúc về việc UBND phường Phước Lộc tổ chức cuộc họp có sự tham dự của các hộ dân khiếu nại và đại diện Công ty Vi Nam để xem xét bố trí nơi khác để người dân tiếp tục sản xuất và xem xét hỗ trợ chế độ di dời. Về chính sách di dời, Công ty Vi Nam hỗ trợ mỗi hộ dân di dời 5 triệu đồng. Thời gian di dời từ ngày 3/7 đến hết ngày 5/7/2019. Hết thời hạn này, các hộ dân không di dời và không nhận tiền hỗ trợ thì mọi thắc mắc và khiếu nại sẽ không được giải quyết.
“Công ty Vi Nam sẽ thực hiện rào chắn, san lắp mặt bằng trên phạm vi đất dự án được phê duyệt, trong đó có cả phần đất các hộ đang dựng lán trại”, thông báo của UBND phường Phước Lộc nêu rõ.
Dự án Queen Pearl Marina Complex được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt từ năm 2005 với tổng diện tích 332.678,17 m2. Với diện tích này có rất nhiều hộ dân trong khu vực bị giải tỏa trắng. Nhưng kéo dài suốt 11 năm chủ đầu tư hầu như không làm gì nhưng dự án vẫn không bị thu hồi.
Tháng 11/2016, dự án chưa đủ điều xây dựng nhưng chủ đầu tư vẫn tổ chức thi công. Tuy nhiên, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận lại có văn bản đồng ý cho chủ đầu tư thực hiện với lý do chủ đầu tư đã cam kết chỉ làm lễ động thổ cho phù hợp với phong tục tập quán tín ngưỡng của người Việt Nam. Điều đáng nói dự án tiếp tục giậm chân tại chỗ.
Đến tháng 4/2017 thì UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định điều chỉnh quy hoạch dự án chỉ còn 161.756 m2. Đồng nghĩa với việc phần lớn diện tích của dự án là đất sạch giao cho Công ty Vi Nam.
Theo luật sư Trần Hạnh – Đoàn luật sư TPHCM, “Khoản 2, điều 89, Luật Đất đai 2013 quy định rõ, đối với nhà ở hoặc công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi nhà nước thu hồi đất mà bị tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần thì được bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp tại dự án Queen Pearl Marina Complex cần làm rõ mốc thời gian các trại mực của người dân dựng lên trước hay sau khi UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định thu hồi đất giao cho chủ đầu tư để xác định cơ sở đền bù.