Di tích quốc gia Phủ Dầy: Bất thường văn bản 'trống đánh xuôi, kèn thổi ngược'

0:00 / 0:00
0:00
Phủ Tiên Hương, nơi được Cục Di sản ra văn bản cho phép treo biển tên di tích khác với tên do Bộ VH-TT&DL đặtẢnh: Hoàng Long
Phủ Tiên Hương, nơi được Cục Di sản ra văn bản cho phép treo biển tên di tích khác với tên do Bộ VH-TT&DL đặtẢnh: Hoàng Long
TP - Việc quản lý khu di tích quốc gia Phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định) còn nhiều bất cập, một số thủ nhang không chấp hành quy chế quản lý nhà nước. Mới đây, Cục Di sản văn hoá lại có văn bản cho phép gọi một di tích thuộc quần thể di tích quốc gia này bằng tên “Phủ Chính Tiên Hương” khiến tình hình tại đây càng thêm bất ổn.

Đi “đường tắt”?

Làm việc với Tiền Phong, Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) Nguyễn Khắc Xung xác nhận, cách xuất hiện và nội dung của công văn số 821/DSVH-DT của Cục Di sản văn hoá khiến chính quyền địa phương bất ngờ, rơi vào thế “không biết đường nào mà đỡ”.

Cụ thể, ông Nguyễn Khắc Xung cho biết, ngày 8/9/2021, UBND huyện Vụ Bản nhận được đơn của bà Trần Thị Huệ, thủ nhang Phủ Tiên Hương (một di tích thuộc khu di tích quốc gia Phủ Dầy) đề nghị cho phép được treo biển tên di tích là Phủ Chính Tiên Hương.

Ngày 20/9, đại diện UBND huyện Vụ Bản và lãnh đạo xã Kim Thái làm việc với thủ nhang Phủ Tiên Hương về nội dung đơn này và yêu cầu treo biển phải giữ nguyên tên gọi di tích là Phủ Tiên Hương vì trước đó, tại khu vực Phủ Dầy xuất hiện nhiều ý kiến, thậm chí xảy ra bất đồng sâu sắc về tên gọi di tích khiến chính quyền phải yêu cầu tháo biển tên di tích và đề nghị Bộ VH-TT&DL vào cuộc. Đến ngày 28/1/2021, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã ký quyết định số 488/QĐ-BVHTTDL về việc sửa đổi, đặt tên gọi di tích này là Phủ Tiên Hương.

Điều bất ngờ là đến ngày 13/10, cũng trong một cuộc họp giữa chính quyền địa phương với bà Trần Thị Huệ với nội dung tương tự là yêu cầu thủ nhang Phủ Tiên Hương treo biển đúng với tên di tích đã được Bộ VH-TT&DL quyết định, thủ nhang này đã đưa ra một văn bản do Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền ký trước đó 2 ngày (11/10/2021-pv). Nội dung văn bản này đồng ý cho thủ nhang Phủ Tiên Hương treo biển tên là “Phủ Chính Tiên Hương”.

“Chính quyền huyện Vụ Bản rất bất ngờ với sự xuất hiện của văn bản số 812/DSVH-DT này. Càng bất ngờ hơn khi trong phần nơi gửi của văn bản không có UBND huyện Vụ Bản là cơ quan được UBND tỉnh Nam Định phân cấp, giao quyền trực tiếp quản lý khu di tích Phủ Dầy. Phải hơn một tuần sau, chúng tôi mới chính thức được nhận văn bản này, cũng không phải do Cục Di sản gửi mà do Sở VH-TT&DL Nam Định nhận được, thấy có liên quan nên chuyển tiếp để huyện biết”, Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản bức xúc.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Đại diện Sở VH-TT&DL tỉnh Nam Định xác nhận, trước khi nhận được văn bản số 812 của Cục di sản, Sở này không tiếp nhận bất kỳ văn bản hay ý kiến nào từ phía Cục Di sản về nội dung như đề cập trong văn bản.

Chính quyền huyện Vụ Bản vốn đã không đồng tình vì cách đến của văn bản, nay càng bức xúc hơn về nội dung của văn bản.

“Vì bất đồng ý kiến về tên gọi di tích nên huyện, tỉnh phải trình Bộ VH-TT&DL can thiệp, đặt tên. Trong quyết định đặt tên di tích số 488 ngày 28/1/2021 của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL còn nêu rõ “Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Di sản văn hóa”. Chúng tôi không hiểu vì lý do gì Cục Di sản sau đó lại ra văn bản số 812 cho phép một di tích treo biển với tên gọi khác khiến người dân ở khu vực di tích xôn xao, cho rằng chính quyền bất nhất”,Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản nói.

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Xung, dù tiếp nhận văn bản 812 một cách “gián tiếp” như vậy, nhưng UBND huyện Vụ Bản đã chính thức có công văn gửi Cục Di sản văn hoá đề nghị điều chỉnh lại nội dung văn bản này theo hướng tuân thủ quyết định 488 của Bộ VH-TT&DL để ổn định tình hình địa phương.

“Huyện gửi công văn từ ngày 5/11, đến nay chưa thấy Cục Di sản phản hồi gì”, ông Xung thông tin thêm.

Trong khi chính quyền huyện Vụ Bản chưa biết xử lý với tình huống “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược này ” ra sao thì sự xáo trộn trong dân chúng địa phương xã Kim Thái, nơi có quần thể di tích Phủ Dầy đang là một thực tế.

Ông Trần Nhung (93 tuổi), một bậc cao niên ở xã Kim Thái cho biết: Suốt từ năm 1999 đến nay, việc treo biển di tích mỗi nơi một phách, treo lên dỡ xuống nhiều lần, nhất là ở 3 đền phủ lớn là Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng Mẫu Liễu Hạnh khiến người dân địa phương bất bình. Di tích là của cộng đồng chứ không phải của các thủ nhang mà tuỳ ý làm gì thì làm. Đến đầu năm nay, mọi việc tưởng yên khi Bộ VH-TT&DL có văn bản đặt tên gọi cho 3 di tích này thì đùng một cái, lại có văn bản mới của Cục Di sản cho phép Phủ Tiên Hương được treo biển với tên khác. Đám người già chúng tôi đã họp nhau, muốn lên tận Cục Di sản hỏi vì sao lại ra văn bản kiểu gây mất đoàn kết như thế.

Ông Trần Văn Cường, thủ nhang Phủ Vân Cát bức xúc: “Phủ Vân Cát trước đây cũng treo biển “Phủ Chính Vân Cát”. Tuy nhiên, theo yêu cầu của chính quyền, chúng tôi đã tham gia ký kết, thực hiện quy chế quản lý di tích và tiến hành tháo biển “Phủ Chính Vân Cát", treo biển tên di tích theo quyết định của Bộ VH-TT&DL. Tôi nghĩ văn bản này của Cục Di sản Văn hoá sẽ mở đường cho các di tích tuỳ tiện làm theo ý muốn, phá hủy quy chế, tất yếu sẽ dẫn đến phá hoại di tích”.

Quần thể di tích quốc gia Phủ Dầy gồm 18 di tích đền, phủ, chùa, lăng, được xem là nơi gắn liền với thần tích giáng thế của Mẫu Liễu Hạnh, một trong Tứ Bất Tử của dân tộc Việt, đồng thời cũng là một trong những trung tâm của tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ. Năm 2016, UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội Phủ Dầy vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hằng năm được đánh giá là một trong 10 lễ hội đầu năm độc đáo tại Việt Nam.

Tiền Phong số ra ngày 17/12/2021 phản ánh ý kiến của lãnh đạo UBND huyện Vụ Bản về nguyện vọng của bà Trần Thị Huệ, thủ nhang di tích Phủ Tiên Hương (Phủ Dầy, Nam Định) đề nghị được treo lại biển “Phủ chính Tiên Hương”. Lãnh đạo huyện cho rằng văn bản số 812/DSVH-DT ngày 11/10/2021 của Cục Di sản đi ngược lại tinh thần văn bản số 488 ngày 28/1/2021 của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ký (trong văn bản này vẫn nêu tên Phủ Tiên Hương).

Để làm rõ hơn liệu có chuyện vênh nhau giữa hai văn bản nêu trên, Tiền Phong đã làm việc với lãnh đạo Cục Di sản văn hóa. Xin mời bạn đọc truy cập link dưới đây để nắm được thông tin cụ thể:

https://tienphong.vn/xung-quanh-viec-treo-bien-o-phu-day-post1411438.tpo

MỚI - NÓNG