Tượng đài “Trung đội Mai Quốc Ca” có nguy cơ trở thành phế tích. |
Ở tỉnh Quảng Trị, khách phương xa đã gặp không ít những chuyện chả biết mô mà lần từ những tấm biển chỉ dẫn di tích lạ đời. Ngay ngã tư Quốc lộ 9 cắt đường Hồ Chí Minh tại địa phận huyện Cam Lộ, ngành giao thông đã dựng lên một tấm biển chỉ dẫn đền thờ Huyền Trân Công Chúa (con vua Trần Nhân Tông) tại xóm Chùa, thôn Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ.
Thực tế, tấm biển chỉ dẫn chỉ đúng ở chi tiết mũi tên và con số 8km. Cách đó 8 km có một di tích thật, song không phải là đền thờ Huyền Trân Công Chúa mà là miếu Bà Chúa Ngọc. Chúa Ngọc là tên gọi theo tiếng Việt để tôn xưng một vị nữ thần người Chăm là thần Mẹ xứ sở-Mẫu đất-Po Yan Ynư Nagar.
Những làng xã nông nghiệp ở dải đất co thắt Trung Bộ nói chung và Quảng Trị nói riêng hầu hết đều có miếu thờ vị nữ thần này. Miếu Bà Chúa Ngọc ở thôn Kim Đâu (xã Cam An, huyện Cam Lộ) là một trong số những ngôi miếu đó. Sử sách đã rành rành vậy, song biển chỉ dẫn di tích thì vẫn ghi theo kiểu không ai hiểu được (!).
Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Trị, Thạc sĩ Lê Đức Thọ cho hay: “Thông thường, trước khi ngành giao thông đặt biển chỉ dẫn di tích thì phải có sự phối hợp với các ngành liên quan, đặc biệt là ngành văn hóa và các nhà nghiên cứu chuyên ngành để đảm bảo độ chính xác cho nội dung ghi trên biển chỉ dẫn. Chẳng hiểu vì lý do gì mà họ lại làm như thế...”.
Thạc sĩ Thọ còn cho biết, còn quá nhiều sự nhầm lẫn và sai lệch trong hệ thống biển báo khiến ngay cả người nội tỉnh cũng không biết đường nào mà lần.
Tượng đài Trung đội Mai Quốc Ca áp đầu cầu bờ Bắc sông Thạch Hãn của thị xã Quảng Trị, ngay Quốc lộ 1A đang bị rơi vào quên lãng, nguy cơ trở thành phế tích. Tất cả số vòi nước, ống nước của hệ thống tưới cây cảnh trong khuôn viên tượng đài, hầu như đã bị bẻ phá.
Tượng đài Đại đội giữ chốt Long Hưng ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, phía nam Thành cổ Quảng Trị, bên Quốc lộ 1A, cỏ dại, rác rưởi phủ ngập.
Trên thực tế, những di tích lớn như địa đạo Vịnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị, những nơi có ban quản lý di tích hẳn hoi và có đội ngũ nhân viên phục vụ, nói cách khác, là những di tích có nguồn thu thì luôn được quan tâm tôn tạo, nâng cấp, còn các di tích nhỏ, di tích mang tính vệ tinh như trên thì hầu hết đang nằm trong hoàn cảnh khó gỡ...
Chính ngành văn hóa tỉnh Quảng Trị cũng thừa nhận: Di tích lịch sử văn hóa Quảng Trị đang đứng trước một hiện trạng đáng buồn, bị tàn phá ghê gớm, trong một tương lai gần, nếu không biết trân trọng, giữ gìn và tôn tạo thì chắc chắn vốn di sản truyền thống này sẽ nhanh chóng bị mai một và quên lãng.