Đầu tháng 10, Sao Thủy ở vị trí thấp và khó quan sát trên bầu trời đêm, sau đó sẽ biến mất trong ánh sáng chói lọi của mặt trời trong suốt tháng. Tuy nhiên, hành tinh này sẽ xuất hiện trên bầu trời buổi sáng ở vị trí thấp phía Đông trước bình minh vào khoảng lễ Halloween.
Sao Kim thì hoàn toàn ngược lại, chuyển từ bầu trời buổi sáng sang bầu trời đêm khi nó tới điểm giao hội trên (nơi hành tinh ở phía bên kia của mặt trời khi nhìn từ trái đất) vào ngày 25/10. Ngoại trừ những ngày đầu tháng, hành tinh này sẽ gần như không thể quan sát được trong suốt tháng.
Sao Thổ và Sao Hỏa sẽ xuất hiện sớm trên bầu trời buổi tối, trong khi Sao Mộc vẫn tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời đêm muộn.
Dưới đây là hướng dẫn ngắm sao của trang Space.com trong tháng 10 này:
Sao Thủy: Hành tinh gần với điểm giao hội dưới nhất vào ngày 16/10. Bởi nó sẽ di chuyển theo đường tăng cao dần của quỹ đạo vào ngày 21/10 và đi qua điểm cận nhật vào ngày 25/10, nó nhanh chóng rút về hướng tây bắc từ phía mặt trời và sẽ xuất hiện ở vị trí cao trên bầu trời buổi sáng. Vào ngày 23/10, một tuần sau khi nó tới điểm giao hội, những người ngắm sao có thể nhìn thấy hành tinh này ở vị trí 6 độ phía trên đường chân trời phía đông-đông nam nửa giờ trước khi mặt trời mọc bằng ống nhòm.
Sao Mộc: Sao Mộc vừa đi qua chòm Cự Giải tới chòm Sư Tử, sẽ đi lên từ chân trời phía đông-đông bắc vào khoảng 1h30 sáng 18/10. Thời gian tốt nhất để phát hiện được hành tinh này bằng kính viễn vọng sẽ là lúc bình minh bắt đầu, khi Sao Mộc ở vào vị trí khoảng giữa bầu trời phía đông. Vào sáng ngày 18/10, trăng lưỡi liềm sẽ mọc vào khoảng 30 phút sau khi phát hiện được Sao Mộc, và ở vào vị trí khoảng 8 độ phía dưới bên phải của hành tinh khổng lồ này.
Sao Kim: Vào những ngày đầu tháng, những nhà quan sát có thể bắt gặp Sao Kim ở vị trí rất gần đường chân trời phía đông trước khi mặt trời mọc. Sau đó, hành tinh này sẽ biến mất trong suốt tháng 10. Sao Kim sẽ tới điểm giao hội trên phía sau mặt trời vào ngày 25/10, và sau đó xuất hiện và tỏa sáng trên bầu trời tối khi mùa đông bắt đầu.
Sao Thổ: Hành tinh này cũng sẽ biến mất vào ánh sáng chói của mặt trời. Đầu tháng 10, nó sẽ chiếu sáng vào buổi hoàng hôn ở vị trí thấp trên bầu trời phía tây nam. Ngày 25/10, khoảng 45 phút sau khi mặt trời lặn, nó sẽ xuất hiện rất gần với đường chân trời. Ở khoảng 3 độ về phía trên bên trái của nó sẽ là đường cung mảnh dẻ của trăng lưỡi liềm, mới chỉ 2 ngày sau trăng non. Những nhà quan sát có thể tăng khả năng phát hiện ra hành tinh này bằng cách sử dụng ống nhòm để quan sát đường chân trời.
Sao Hỏa: Đối với những nhà quan sát đứng từ một số vùng của châu Âu và từ khoảng vĩ độ 40 trở lên phía bắc vào giữa hoàng hôn (khoảng 45 phút sau khi mặt trời lặn), Sao Hỏa sẽ ở vào vị trí 17 độ trên bầu trời phía tây nam trong suốt tháng 10, và xuất hiện phía trên đường chân trời trong khoảng hơn 2 giờ. Vào ngày 28/10, trăng lưỡi liềm sẽ lơ lửng trên cao và hơi nghiêng về bên trái của Sao Hỏa.