Di sản của thủ tướng cầm quyền lâu nhất Nhật Bản

Thủ tướng Abe Shinzo trông tiều tuỵ sau thời gian làm việc vất vả để xử lý các vấn đề do đại dịch COVID-19 gây ra. (Ảnh: Japan Times)
Thủ tướng Abe Shinzo trông tiều tuỵ sau thời gian làm việc vất vả để xử lý các vấn đề do đại dịch COVID-19 gây ra. (Ảnh: Japan Times)
TPO - Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từng nói, các lãnh đạo chính trị không chỉ được đánh giá dựa trên thời gian tại nhiệm mà còn cả những điều họ làm được. Khi ông Abe phá kỷ lục là thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Nhật Bản từ đầu tuần này, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông cũng rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi ông trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012. 

Đại dịch COVID-19 dường như đã xoá sổ những thành quả của chính sách Abenomics, gây ra mức sụt giảm 27,8% GDP trong quý 2 năm nay để xuống mức tương đương hồi ông bắt đầu nhiệm kỳ.

Hai chuyến vào viện của ông trong vòng 1 tuần dẫn thông tin ông sẽ từ chức trong chiều nay, theo nguồn tin của đài NHK. Ông vẫn còn khoảng 1 năm nữa mới kết thúc nhiệm kỳ thứ ba.

 Khi trở lại lãnh đạo vào năm 2012, ông Abe cam kết đưa Nhật Bản khỏi tình trạng giảm phát kéo dài. Chương trình kích thích tiền tệ hào phóng của Ngân hàng trung ương Nhật Bản khiến đồng yen hạ giá so với các ngoại tệ mạnh, tăng nguồn thu cho các công ty lớn và đẩy giá cổ phiếu.

 Nhưng những cải thiện trên thị trường việc làm – mà ông Abe được đánh giá là có công – giờ đang bị đe doạ bởi suy thoái do đại dịch COVID-19 và nỗi lo sợ về nguy cơ mất nhiều việc làm hơn nữa trong các tháng tới.

 Chính sách kinh tế Abenomics bị đánh giá là gây thất vọng về cải cách cấu trúc nhằm mang lại những nguồn thu mới cho tăng trưởng. Nhưng ổn định có lẽ là một trong những lợi ích lớn nhất mà chính quyền của Thủ tướng Abe tạo ra, báo Japan Times đánh giá.

 Chính sự ổn định này góp phần gia tăng vai trò của Nhật Bản trong các vấn đề quốc tế. Ông Abe trở thành nhà lãnh đạo lâu năm thứ nhì trong các nước thuộc nhóm G7, sau Thủ tướng Đức Angela Merkel.

 Chấm dứt sự chia rẽ trong quốc hội Nhật Bản giúp chính phủ của ông Abe đưa ra nhiều luật mới. Trong một bước đi mang tính lịch sử vào năm 2014, chính phủ Nhật thông qua luật nhằm giải thích lại Điều 9 trong Hiến pháp, mở đường cho việc Nhật Bản tham gia các hoạt động phòng vệ tập thể cùng các đồng minh.

Bước đi này và những biện pháp tăng cường an ninh quốc gia khác giúp củng cố quan hệ đồng minh của Nhật với Mỹ. Thủ tướng Abe cũng được đánh giá tốt vì đã xử lý khéo léo trong quan hệ với nhà lãnh đạo thất thường như Tổng thống Mỹ Donald Trump, giúp quan hệ Nhật – Mỹ không chao đảo quá mức.

 Thủ tướng Abe đã đóng vai trò tiên phong trong chính sách ngoại giao sáng tạo để tạo nên các quan hệ đối tác Ấn Độ - Thái Bình Dương từ Ấn Độ sang Úc, từ Đông Nam Á sang châu Âu, chủ yếu để đối phó với sức mạnh và sự đe doạ từ Trung Quốc. 

 Nhật Bản tiếp tục là nguồn đầu tư lớn hơn Trung Quốc vào hạ tầng ở Đông Nam Á. Ông Abe nỗ lực và đạt được một số thành công khi ngăn chặn Trung Quốc dùng viện trợ để tạo ảnh hưởng ngoại giao.

 Các nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc không thể thống trị một khu vực khi Ấn Độ và Nhật Bản thực sự hợp tác với nhau, bên cạnh là Mỹ và Úc. Logic về Đối thoại an ninh Tứ giác, hay Quad, khiến Bắc Kinh lo lắng.

 Trong những diễn biến gần đây, mỗi sai lầm của Bắc Kinh lại trở thành lợi ích ngoại giao của Tokyo: từ cuộc chơi quyền lực Vành đai Con đường đến các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trên biển Đông, từ chèn ép kinh tế với Úc đến bạo lực trên biên giới với Ấn Độ, từ can thiệp về chính trị và không gian mạng đến siết chặt kiểm soát Hong Kong, từ cạnh tranh toàn diện với Mỹ đến chuyện để đại dịch COVID-19 lan ra toàn cầu.

 Tuy nhiên, Nhật Bản cũng đang phải gặp vấn đề của riêng mình, nhất là chưa giải quyết được những vướng mắc lịch sử với Hàn Quốc và gần như đứng ngoài lề trong quá trình đối thoại Mỹ - Triều gần đây để giải quyết vấn đề hạt nhân, dù hiện nay đang rơi vào bế tắc.

Theo Theo Japan Times, Reuters, FR
MỚI - NÓNG