“Dị nhân” Lô Văn Yên sinh năm 1962, sống tại bản Đình Tiến (Piềng Đồn), xã Tam Đình, huyện Tương Dương, Nghệ An.
Trong căn lều rộng khoảng 6 m2 nằm ở vị trí cao nhất bản Đình Tiến, ông Yên trùm kín chăn từ đầu đến chân, nằm cạnh một cửa sổ nhỏ.
Có khá nhiều “đồ nghề” như: máy khoan, máy mài, kìm, dây thép... đặt giữa sàn và treo trên vách nhà xung quanh người ông Yên.
“Dị nhân” nở nụ cười với khách lạ và nói chuyện khá lưu loát. Thỉnh thoảng, khi chuông điện thoại reo, ông Yên nói chuyện với ai đó bằng tiếng Thái. Chỉ khi chúng tôi hỏi về thói quen sinh hoạt thường ngày, ông Yên cười gượng rồi im lặng.
Dụng cụ làm việc hàng ngày của ông Lô Văn Yên
Ông Lô Văn Khôn (em trai), người sống gần gũi nhất với ông Yên, cho biết: “Tôi cũng không thể nhớ được, nhưng mà khoảng bốn chục năm nay chưa khi nào thấy bác ấy mặc quần áo, chỉ lấy chăn quấn quanh người và đầu”.
Nhiều năm qua, chưa có một người dân nào ở bản Đình Tiến nhìn thấy “dị nhân” này đi ra khỏi nơi ở của mình.
Chuyến đi duy nhất cách đây hơn 3 năm của ông Yên là từ bản Piềng Đồn đến khu tái định cư mới (bản Đình Tiến) cũng diễn ra trong đêm tối, và chỉ duy nhất một người cháu chở ông Yên bằng xe máy.
Nơi ở của "dị nhân" không mặc quần áo
Ông Lô Văn Khôn cho biết, cách sống khác biệt của anh trai mình có thể bắt đầu từ việc bố mẹ cắt tóc cho ông Yên.
“Tôi không nhớ rõ nữa, nhưng mà nghe bố mẹ kể lại thì năm bác ấy mười tuổi, khi bố mẹ cắt tóc cho bác ấy xong thì bác ấy xấu hổ, lấy vải che kín đầu”, ông Khôn nói.
Từ đó, cậu bé Lô Văn Yên trở nên lầm lì, không giao tiếp với người ngoài. Thói quen dùng vải, chăn quấn lên người mà không chịu mặc quần áo cũng bắt đầu từ đó.
Ông Khôn cho biết thêm, ngày ấy bản Piềng Đồn còn ở trong rừng sâu, cuộc sống hoang dã và lạc hậu nên không ai nghĩ đến việc có thể ông Yên bị bệnh gì đó. Nhiều người trong bản còn cho rằng ông Yên đã bị “con ma rừng” bắt.
Bởi thế, lối sống lập dị của ông Lô Văn Yên dần trở nên bình thường trong mắt những người dân ở bản Piềng Đồn.
“Nhiều năm nay bác ấy rất tỉnh táo, được nhiều người trong bản quý mến. Bác ấy còn giỏi nhiều nghề để kiếm tiền sinh sống nữa”, ông Khôn khẳng định.
Mỗi ngày, có hàng chục người đến chơi, nói chuyện và uống rượu với bác Yên”
Gần như chỉ nằm một chỗ trong mấy chục năm qua nhưng ông Yên vẫn có thể tự mưu sinh bằng việc đan lưới, làm móc câu, đan “ép” đựng xôi...
Đến bữa cơm, thường thì ông Khôn bưng mâm thức ăn đến tận chỗ nằm cho anh trai mình.
Ông Khôn cũng là người giặt giũ những chiếc chăn ông Yên sử dụng quấn trên người thay quần áo.
“Chưa khi nào chúng tôi thấy bác ấy đi vệ sinh và tắm rửa. Trên lán của bác ấy có một ít nước đựng trong chiếc can, chắc là dùng để rửa tay”, ông Khôn nói.
Được biết, đôi chân của “dị nhân” Lô Văn Yên đã bị teo nhỏ từ nhiều năm nay nên ông không thể tự đi lại mà chỉ ngồi hoặc nằm một chỗ.
“Dị nhân” Lô Văn Yên thường không nói chuyện với người ngoài về sinh hoạt hàng ngày của mình.
Ông Lô Khăm Thiển – trưởng bản Đình Tiến, cho biết: “Từ mấy chục năm nay ông Lô Văn Yên đã sống như vậy. Không có chuyện con người bị ma ám được, nhưng mà cũng không hiểu vì sao lại sống như thế? Người dân trong bản cũng thường đến mua đồ của chú Yên, và chú ấy nói chuyện, uống rượu rất vui vẻ”.