Đi festival 'tậu' ban nhạc

Ban nhạc “Kofelgschroa”(Đức) được curator Liana Cisneros mời sang Peru.
Ban nhạc “Kofelgschroa”(Đức) được curator Liana Cisneros mời sang Peru.
TP - Tại các nước festival biểu diễn nghệ thuật quốc tế không chỉ là sân chơi cho các nghệ sĩ, điểm đến thưởng thức cho khán giả mà còn là nơi tung tẩy của các curator.

Khái niệm curator (giám tuyển) ở ta từ trước tới nay thường hướng vào nghệ thuật hội họa, thực tế ở nước ngoài nghề curator có chức năng tương đương trong mọi lĩnh vực văn hóa khác như âm nhạc, phim ảnh, sân khấu…Trong một festival thuộc lãnh vực văn hóa, giám đốc nghệ thuật thường kiêm luôn curator. Chính họ quyết định đẳng cấp và chất lượng lễ hội nhờ vào khả năng thẩm định nghệ sĩ khách mời nhập khẩu.

Tại lễ hội Âm nhạc Alpen Thụy Sĩ 2015, tôi có dịp gặp gỡ chị Liana Cisneros, giám đốc Festival âm nhạc quốc tế miền núi Peru. Khá giống với tình trạng đạo diễn âm nhạc của ta, Liana vừa tham gia chạy tài trợ, vừa làm giám tuyển tiết mục cho festival thường niên ở quê hương. Công việc của chị tại Thụy Sĩ là shopping ban nhạc. Chị phải xem đủ 40 đoàn trình diễn, tất nhiên ban nhạc nào không ưng sau 15 phút chị lẳng lặng chuyển tụ điểm khác. Thấy thích nhóm nào, Liana xin phỏng vấn, đàm phán điều kiện lưu diễn, chốt danh sách. Vào ngày thứ hai của festival, tôi gặp chị như mọi lần trong tư thế vừa đi nhanh vừa gặm bánh mỳ. Chị thông báo vội: “Tôi không có thời gian ăn và ngủ. Chốt được 6 ban rồi. Tôi phải chạy ra nhà ga cũ xem performance art với arcodeon đây”. Đây là lần thứ hai Liana sang Altdorf, Thụy Sĩ sắm tiết mục vì tiêu chí dự án của chị có nét tương đồng với nhạc hội núi Alpen. Cùng chọn ban nhạc có nhạc cụ và chất liệu liên quan đến văn hóa vùng núi cao. Kèn sừng (alphorn) là biểu tượng âm nhạc độc đáo nhất vùng núi Alpen Thụy Sĩ vậy nên không chỉ Liana mà nhiều curator từ quốc gia khác cùng săn lùng các nhóm chơi loại kèn gỗ dài này.

Đi festival 'tậu' ban nhạc ảnh 1

Christian Zehnder cùng nghệ sĩ bộ tộc Pygmy trong show diễn tại Altdorf (Thụy Sĩ) 2015

Tại festival Alpen 2015, khán giả háo hức chờ đợi nhất show diễn của hai tên tuổi đình đám quốc tế là Christian Zehnder và Erika Stucky. Christian khiến khán giả choáng ngợp với màn trình diễn các loại kèn, beatbox cùng dàn nghệ sĩ bộ tộc người lùn Pygmy. Hội curator cũng như khán giả rất phấn khích, tuy nhiên chẳng ai nghĩ đến chuyện đến gần siêu sao hỏi chuyện hợp đồng biểu diễn. Người trong nghề đều biết ông ấy khá chảnh, giá cát-xê phải cõng theo dàn nghệ sĩ Pygmy phụ họa và hệ thống nhạc cụ phụ kiện âm thanh khổng lồ. “Phù thủy trình diễn” Christian không thuộc tầm với của các dự án cỡ vừa và nhỏ. Dù không tậu được show khủng, các giám tuyển vẫn thấy hài lòng vì ít nhất họ học được một số chiêu lạ từ đêm diễn.

Một curator đi chợ nhạc hội khéo vừa biết chọn tiết mục lạ, ăn khách lại phải vừa túi tiền nhà tài trợ. Năm trước trong lần tham dự Festival Sân khấu Quốc tế tại Zurich, qua trò chuyện với giám đốc nghệ thuật Sandro Lunin tôi được biết ông từng sang VN hai lần để tìm vở diễn thích hợp cho khán giả Thụy Sĩ.  “Khúc Nguyện Cầu” của Ea Sola và kịch xiếc “Làng tôi” lọt vào tầm ngắm của ông nhưng cả hai vở đều quá đông diễn viên. Chỉ tính chi phí vé máy bay thôi đã lỗ. Ông Sandro tỏ ý tiếc: “Hai vở đó sang đây chắc cháy vé nhưng đắt quá. Giá mà nhà sản xuất làm một phiên bản thu nhỏ, giảm diễn viên chuyên cho các festival quốc tế thì chắc được mời quanh năm”. Tôi nghĩ đây cũng là một gợi ý hay cho các nhà hát ở ta.

Được biết ở VN, đã có một số đạo diễn kiêm curator cũng sắm ban nhạc ngoại cho chương trình trong nước nhưng đa số vẫn tìm qua thông tin bạn bè, đôi khi là đại sứ quán nước đó giới thiệu. Có lẽ nhạc sĩ Quốc Trung là tổng đạo diễn đầu tiên đủ sang chảnh khi cả hai mùa Lễ hội âm nhạc Monsoon gần đây anh được tự tay chọn một số ban nhạc sau khi xem họ trình diễn tại Đan Mạch.

Ban nhạc được tậu trực tiếp tại “hội chợ” nhạc hay qua mạng chưa hẳn quyết định chất lượng và đảm bảo hấp dẫn khán giả Việt nhưng 60 % hiệu ứng nằm trong tay truyền thông. Chỉ cần nghe tin ekip sang tận thủ phủ sắm hàng hiệu thì người tiêu dùng chưa cần nhìn đã thấy đẹp rồi.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.