> Thời tiết 'êm êm' trước bão, người dân vẫn không chủ quan
> Đà Nẵng lập đội cứu hộ, cứu nạn đối phó siêu bão
Cùng ngày, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã đến Thừa Thiên - Huế để chỉ đạo công tác ứng phó bão 14.
Báo cáo đoàn công tác của Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, toàn tỉnh kêu gọi toàn bộ 1.819 phương tiện tàu thuyền vào bờ neo đậu, không còn phương tiện đánh cá trên biển.
Riêng tại các huyện vùng xung yếu, ven biển như Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Hương Trà đã có 11.274 hộ (trên 50.072 nhân khẩu) được di dời khẩn cấp trước khi bão đến.
Người dân khẩn trương tránh bão . |
UBND tỉnh cũng lưu ý các cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, khách sạn có phương án bảo đảm an toàn cho 7.894 khách du lịch đến Huế tham quan bị kẹt bão.
Đến chiều tối 9/11, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn vận hành an toàn, mức nước tiếp tục được điều tiết nhằm bảo đảm dung tích phòng lũ tối thiểu trước khi bão đổ bộ.
Nhằm bảo đảm nguồn lương thực cho dân vùng thiên tai trong tối thiểu 7 ngày, ngành Công thương và các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn đã dự trữ 200 tấn gạo và mì ăn liền; 230.000 lít xăng, dầu.
Riêng hai huyện miền núi A Lưới và Nam Đông thường bị chia cắt do mưa bão dự trữ 30 tấn gạo, 10 tấn muối và nhiều nhu yếu phẩm khác.
Trong ngày, Quân khu 4 đã tăng cường cho Thừa Thiên - Huế 300 cán bộ, chiến sĩ phối hợp lực lượng vũ trang địa phương hỗ trợ di dân và ứng cứu thiên tai.
Người dân TT-Huế khẩn trương chằng chống lại nhà cửa trước khi siêu bão 14 đi qua. Ảnh: Ngọc Văn |
Sau khi thị sát công tác chuẩn bị ứng phó bão số 14 tại huyện Phú Vang, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý, đây là cơn bão lớn nhất từ trước đến nay, các địa phương chưa có kinh nghiệm ứng phó với loại bão có cấp độ lớn như vậy.
Do đó, để bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng của dân, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất, tỉnh phải huy động toàn thể hệ thống chính trị và mọi lực lượng vào cuộc; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tận cơ sở. Trong cơn bão, người dân tuyệt đối không được ra ngoài.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải còn yêu cầu tỉnh chỉ đạo chủ các hồ đập phải tuân thủ đưa mức nước về ngưỡng đón lũ, trực chiến để xử lý tình huống. Tỉnh phải tính đến các khả năng triều cường kết hợp nước lũ từ thượng nguồn về mạnh khi có bão, để lên kế hoạch di dời thêm dân, phải thông báo cho vùng hạ du biết về xả lũ để dân chủ động ứng phó.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng bảo đảm thông tin liên tục, chủ động cứu hộ, cứu nạn và xử lý tình huống kịp thời, tuyệt đối không cho các phương tiện thông thường lưu thông trên đường khi xảy ra bão.
Đến chiều tối 9/11, cả tỉnh TT-Huế vẫn trong trạng thái thời tiết bình thường, mưa nhẹ, gió êm.
Đây là cơ hội tốt để các bộ phận dân cư còn lại trong tổng số hơn 29 vạn hộ dân ở những vùng nguy hiểm di dời đến nơi an toàn, theo đúng kế hoạch do UBND tỉnh đặt ra trước 19 giờ tối.
Đây cũng là điều kiện thuận lợi để người dân toàn tỉnh thực hiện chu đáo, cẩn thận hơn công tác chuẩn bị trước khi đối mặt với cơn bão có sức mạnh kỷ lục.
Neo đậu tàu thuyền tại Phú Hải (Phú Vang, TT-Huế) trước khi bão đổ bộ. Ảnh: Ngọc Văn |
Tháo dỡ hàng quán ven biển TT-Huế di chuyển đến nơi an toàn để hạn chế thiệt hại do bão. Ảnh: Ngọc Văn |
Đưa ghe thuyền vào sâu trong đất liền để tránh bão . Ảnh: Ngọc Văn |
Tận dụng mọi dồ vật sẵn có để giằng giữ, bảo vệ cho ngôi nhà an toàn hơn trước khi bão tới. Ảnh: Ngọc Văn |
Ngọc Văn - Viết Hùng