Đi Cúc Phương mùa bướm và đom đóm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bắt đầu từ trước kỳ nghỉ lễ 30/4, khắp các diễn đàn du lịch người ta đã sôi nổi chia sẻ thông tin ở Cúc Phương đang bắt đầu “mùa rừng vào hội”, là thời gian bướm xuất hiện nhiều và đẹp nhất trong năm. Nhiều người đi về còn tiếc hùi hụi khi biết thông tin hơi muộn: buổi tối ở đây còn có cảnh rừng đom đóm mộng ảo không kém bộ phim cùng tên của đạo diễn Omori Takahiro.

Phải đến Cúc Phương vào tháng 4

Câu slogan này Lê Đỗ Phương Hà (TP.Hồ Chí Minh) treo trên góc làm việc suốt từ tháng 4 năm ngoái đến tháng 4 năm nay. Cô cho biết: “Mấy người bạn của tôi đi Hà Nội, rồi rẽ Cúc Phương (Nho Quan, Ninh Bình) đúng vào tháng 4, không hề định trước. Xem cái cảnh cả triệu con bướm bay khắp rừng mà mấy người quay được, tôi ham quá, đặt mục tiêu nhất định năm nay phải ra Bắc để xem trực tiếp”.

Từ sau Tết, Phương Hà đã lập kèo rủ bạn đi săn bướm Cúc Phương. Cô có mặt ở Vườn quốc gia đúng dịp sau nghỉ lễ, “vì chờ vé rẻ” Hà giải thích, và nấn ná trong rừng suốt cả ngày để “vừa ngắm bướm vừa chụp hình”. “Đẹp đến không có từ nào để tả”. “Như mơ ấy”. “Hết nước chấm”... Các cô gái líu ríu giọng Sài Gòn thay nhau bình luận.

Anh Trần Văn Bảy, một cán bộ của Vườn Quốc Gia Cúc Phương cho biết: mùa bướm hàng năm thường diễn ra vào tháng Tư và kéo dài khoảng 3-4 tuần. Năm nay do tháng 2 nhuận nên thời gian bướm sinh sản cũng muộn hơn, đến tận cuối tháng Tư, số lượng bướm mới bắt đầu nhiều lên. Đây cũng là khoảng thời gian số lượng người đến Cúc Phương tăng vọt. Năm nay, chỉ trong hai ngày đầu của kỳ nghỉ lễ, Cúc Phương đã đón khoảng gần 4.000 lượt du khách tới tham quan, trải nghiệm.

Cũng theo giải thích của anh Bảy, bướm là động vật máu lạnh, chúng không thể bay khi thời tiết còn chưa đủ ấm. Điều đó lý giải vì sao, sau mùa xuân, phải chờ đến tận khi nắng lên (thường là tháng 4), loài này mới bắt đầu “bung lụa”. Nhiệt độ lý tưởng nhất để bướm bay nhiều là 27ºC – 38ºC.

Những ngày nghỉ lễ vừa rồi, chỉ cần trời hừng nắng là từng luồng bướm trắng đã xuất hiện ngay từ khu cổng Vườn quốc gia Cúc Phương. Càng đi dọc theo trục đường chính vào vùng lõi rừng, bướm càng nhiều và đa dạng hơn. Không chỉ bướm trắng mà người ở đây hay gọi là bướm cải, còn có cả bướm vàng, nâu, cam... Nhưng được mệnh danh là "nữ hoàng" của các loài bướm thì phải kể đến loài bướm phượng. Bướm phượng sở hữu đôi cánh to, có đuôi, trên người có nhiều màu sặc sỡ như đen, trắng, đỏ… Ước tính, chỉ riêng ở Cúc Phương đã có tới hơn 400 loài bướm khác nhau.

Kinh nghiệm của những người đi săn bướm nhiều lần cho thấy, thời gian lý tưởng nhất để săn ảnh là vào khoảng 9-10h30 sáng, lúc này sương vừa tan, rừng còn vắng, bướm ra kiếm bạn tình “đông như trẩy hội”. Muộn hơn một chút, sự bình yên của khu rừng sẽ bị du khách và tiếng xe cộ ảnh hưởng, bướm tản ra chứ không tập trung thành từng đàn như trước.

“Nếu bình tĩnh và không gây náo động, bướm Cúc Phương sẽ dạn dĩ đậu lên vành mũ, vai áo và quẩn quanh người du khách, lúc này chụp ảnh là đẹp nhất”, nhiếp ảnh gia Hải Thanh tiết lộ.

"Để thu hút bướm tập trung vào những điểm nhất định, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan chiêm ngưỡng và chụp hình, chúng tôi tạo một số bãi đậu có khoáng chất như nước, muối, natri… để bướm đến ăn. Một con bướm không thể sống nhờ mật hoa mà nó cũng cần cả khoáng chất.

Vậy nên những con bướm rất thích “nhâm nhi” ở các vũng nước bùn giàu khoáng chất và muối. Hành vi này, được gọi là “puddling”, đặc biệt là những con bướm đực. Cơ thể chúng tổng hợp các khoáng chất vào tinh dịch. Những chất dinh dưỡng này sau đó được chuyển giao cho bướm cái trong thời gian giao phối, và giúp khả năng tồn tại của trứng được lâu hơn"- anh Bảy tiết lộ.

Khu rừng đom đóm

Trùng với mùa bướm, buổi tối ở Cúc Phương còn có rất nhiều đom đóm, chúng tụ thành đàn như những đốm sao khiến khung cảnh ban đêm trong rừng trở nên “rất đáng để chiêm ngưỡng”.

Anh Trần Văn Hiền (Hà Nội) chia sẻ: “Năm ngoái tôi đã đến đây để chụp đàn bướm, đến nơi mới biết buổi tối còn có đom đóm rất đẹp. Tiếc là kế hoạch đã chốt, không dễ thay đổi, nên năm nay tôi đến để “xem gỡ”.

Năm ngoái chỉ đi một ngày, năm nay tôi chọn 2 ngày, đến Cúc Phương từ chiều hôm trước, loanh quanh trong rừng xem bảo tàng, xem động, ngắm cây chò ngàn năm nay chỉ còn cái gốc mục rồi chờ trời tối để xem đom đóm. Hôm sau thì dậy sớm vào rừng đón những đợt bướm đầu tiên”.

Đi Cúc Phương mùa bướm và đom đóm ảnh 1

Mùa bướm ở Cúc Phương

Đi Cúc Phương mùa bướm và đom đóm ảnh 2

“Đó là một khung cảnh cực kỳ lộng lẫy khiến những giây phút đầu tiên tôi gần như phải nín thở. Hàng triệu con đom đóm nhấp nháy như lân tinh chao qua dạt lại cộng với tiếng rừng ban đêm khiến một số người yếu bóng vía hơi thấy hoảng. Nhưng khi ngồi tụ lại với nhau, chúng tôi chỉ có thể cảm thán: đẹp quá, đến mức chỉ muốn đóng băng cái khoảnh khắc này mà mang về. Nó giống hệt như khung cảnh lộng lẫy trong bức “Đêm đầy sao” của Van Gogh. Nhiều người lôi điện thoại, máy ảnh ra chụp nhưng máy móc không lột tả hết được vẻ đẹp của rừng đom đóm”, chị Thoa, vợ anh Hiền kể.

Nhu cầu săn đom đóm về đêm thực ra cũng phong phú và sôi nổi không kém nhu cầu săn bướm ở Cúc Phương. Anh Tiến Anh (Bắc Ninh) cho biết: “Xưa tôi còn bé, quê đầy đom đóm, thế mà bây giờ tịnh không còn thấy con nào vào ban đêm. Nghe cộng đồng mạng mách, tôi tìm đến đây thì quá cả mong đợi. Cả một rừng theo đúng nghĩa đen”.

Một cặp đôi người Bỉ trong khi săn đom đóm cũng liên tục cảm thán: “Parfait”, “Super”, “Très bien” (những cụm từ tiếng Pháp dịch ra đều có ý là tuyệt vời, siêu đẳng...).

Nằm sâu trong lòng dãy núi Tam Điệp, trực thuộc địa phận ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa, Vườn quốc gia Cúc Phương sở hữu tổng diện tích lên đến 22.408 ha với hệ sinh thái động - thực vật vô cùng phong phú gồm: trên 2.000 loài thực vật bậc cao và rêu, trong đó có những cây đại thụ như chò xanh, sấu hay những dây leo thân gỗ vừa to vừa dài, uốn lượn giữa các tầng rừng. Hệ động vật với gần 700 loài động vật có xương sống gồm trên 300 loài chim, hơn 100 loài thú, trên 100 loài bò sát và lưỡng cư, cá… trong đó có loài voọc đen mông trắng rất đẹp và hiếm, được chọn làm biểu tượng của rừng Quốc gia Cúc Phương.

Ngoài lề một chút về chuyện chụp đom đóm: nhiếp ảnh gia Lê Anh chia sẻ, nếu không biết cách, chỉ chụp bằng phương pháp thông thường thì không thể làm nổi bật ánh sáng của đom đóm. Để chụp được khung cảnh giống như trong phim ảnh, người ta phải dùng ống kính góc rộng chụp phơi sáng thì mới lấy được những đường nét tinh tế của con đom đóm đang bay mà không bị mờ hoặc bị dính hạt”.

Hiện nay, để cung cấp thêm dịch vụ ăn, nghỉ cho khách tham quan, Vườn quốc gia Cúc Phương đã quy hoạch ba khu vực lưu trú, ăn uống và vui chơi giải trí, có thể đáp ứng cơ bản nhu cầu của du khách bao gồm: khu cổng Vườn, khu Hồ Mạc và khu Trung tâm.

Đi Cúc Phương mùa bướm và đom đóm ảnh 3

Hàng triệu con đom đóm trong rừng Cúc Phương tạo nên khung cảnh giống hệt “Đêm đầy sao” của Van Gogh. Ảnh: Nguyễn Hữu Thông

Đi Cúc Phương mùa bướm và đom đóm ảnh 4

Từ cổng rừng đi sâu vào khoảng 20km, gần đến lõi rừng là khu trung tâm hay còn gọi là khu Bống. Ngay cổng khu Bống có một tấm bia cũ ghi rằng: “Tại đây đồng bào dân tộc Mường đã sinh sống lâu đời, vì lợi ích của bảo tồn thiên nhiên họ đã tự nguyện chuyển ra định cư ngoài ranh giới vườn quốc gia”. Khách ưa mạo hiểm và cảm giác mạnh thường chọn khu Bống lưu trú để tiện xem đom đóm và khám phá khu rừng vào ban đêm.

Ở nơi này, điện chỉ thắp sáng trong khoảng 4h tính từ chập tối, ngoài ra không có sóng điện thoại, đương nhiên cũng không có wifi... Khách thích tiện nghi thì có thể ra bên ngoài tìm khách sạn. Xung quanh Cúc Phương có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn, resort phục vụ nhu cầu của đa dạng du khách.

“Rất nhiều du khách chọn cách di chuyển bằng xe điện để chiêm ngưỡng đàn đom đóm. Đây là dịch vụ rất đắt khách vào mùa hè (mùa đom đóm dài hơn mùa bướm, có thể kéo dài suốt mùa hè). Ngoài ra, chúng tôi còn có các tua xem thú đêm, xem cầy kiếm ăn, trekking băng rừng...”, anh Bảy tranh thủ tiếp thị thêm các dịch vụ ở Cúc Phương.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.