Thông tin trên được Giám đốc ĐHQG TPHCM Vũ Hải Quân đưa ra tại hội nghị thường niên 2021 diễn ra mới đây.
Theo đó, trong báo cáo kế hoạch tổng kết năm 2021 và kế hoạch năm 2022, ĐHQG TPHCM sẽ thành lập Trường ĐH Khoa học sức khỏe và Trường ĐH Công nghệ Môi trường; tiếp tục tái cấu trúc các đơn vị, thí điểm phương pháp đo lường; Đảm bảo chất lượng cũng như chuẩn bị cho việc kiểm định chất lượng tại các trường đại học thành viên theo tiêu chuẩn quốc tế…
ĐHQG TPHCM sẽ thành lập thêm 2 trường đại học trong năm 2022 |
Về đào tạo, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng linh hoạt trước tình hình dịch bệnh, mở rộng quy mô đào tạo theo hình thức song bằng, đào tạo tích hợp; tiếp tục mở rộng quy mô kỳ thi đánh giá năng lực và tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với phương thức này, thí điểm đổi mới tuyển sinh theo hướng kết hợp nhiều tiêu chí…
Về vấn đề tự chủ, trong năm 2021 ĐHQG TPHCM đã kiện toàn hội đồng trường của các trường ĐH thành viên; thông qua đề án đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đến nay đã có 5/7 trường ĐH thành viên ĐHQG TPHCM được phê duyệt đề án đổi mới cơ chế hoạt động, từng bước thiết lập các thiết chế nền tảng để thực hiện tự chủ theo lộ trình.
Giai đoạn 2020-2021, Hội đồng ĐH thuộc ĐHQG TPHCM đã phê duyệt đề án đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và sắp tới là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường Phổ thông năng khiếu.
Trong kế hoạch chiến lược 2021-2025 ĐHQG TPHCM sẽ thực hiện việc tái cơ cấu bộ máy, sáp nhập 3 đơn vị trực thuộc, 2 đơn vị cấp ban và thành lập Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống.
Được biết ĐHQG TPHCM thành lập từ năm 1995. Hiện nay, ĐHQG TPHCM có 7 trường thành viên gồm ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc tế, ĐH Công nghệ Thông tin, ĐH Kinh tế – Luật, ĐH An Giang, 2 khoa trực thuộc: Khoa Y, Khoa Chính trị - Hành chính và một trung tâm đào tạo ĐHQG TPHCM tại tỉnh Bến Tre.
Mới đây, UBND TPHCM vừa có tờ trình gửi Bộ GD&ĐT thành lập trường ĐH Lý Tự Trọng TPHCM trên cơ sở nâng cấp trường CĐ Lý Tự Trọng. Đề án thành lập đã được trường xây dựng từ năm 2017.
Trường có trụ sở tại quận Tân Bình, TPHCM với diện tích hơn 50.000m2 và dự án cơ sở 2 tại Củ Chi có diện tích hơn 340.000m2. Trường hoạt động theo cơ chế tự chủ, đào tạo bậc đại học và sau đại học. Quy mô đào tạo giai đoạn 2022-2027 là 4.800 sinh viên. Trong năm tài chính 2021, tổng thu của trường gần 265 tỉ đồng, tổng chi hơn 246 tỉ đồng.