Theo GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Đại học Luật TP HCM, không thể có việc trường đại học ở Việt Nam lại làm theo các trường đại học tiên tiến ở nước ngoài. "Ta có thể học tập, kết hợp làm các đề tài nghiên cứu khoa học hoặc có những liên kết đào tạo. Còn trong vấn đề phong hay bổ nhiệm học hàm giáo sư, phó giáo sư thì Nhà nước đã có văn bản dưới luật rất quan trọng, đó là Nghị định nên không thể làm khác được", bà Quỳ chia sẻ.
Theo giáo sư Quỳ, các trường chỉ có thể làm theo thế giới khi ở Việt Nam không có quy định nào bắt buộc. Pháp luật có những quy định mang tính tùy nghi, các bên được quyền lựa chọn, nhưng có quy định mang tính chế tài, cưỡng chế mà quy định phong học hàm, học vị là một ví dụ.
Về việc Đại học Tôn Đức Thắng dùng từ "bổ nhiệm" thay cho từ "phong hàm" Bà Quỳ cho rằng cũng không làm thay đổi vấn đề. Vì việc bổ nhiệm chức danh trong trường như giảng viên chính, giảng viên cao cấp hay giáo sư, phó giáo sư đều phải có những căn cứ và tiêu chuẩn riêng từ trước. Trước khi muốn bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư vào ngành phải có quyết định công nhận học hàm của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước.
Còn về việc bổ nhiệm chức vụ trong các khoa để phân công việc và chế độ cũng không đúng với Luật giáo dục Đại học. Theo Điều lệ đại học, không có một chức danh, viên chức nào gọi là giáo sư, phó giáo sư nếu không được Nhà nước công nhận học hàm. Việc bổ nhiệm cũng có quy trình vào các ngạch viên chức.
Nếu trường tư thì có thể đặt ra những chức danh nhưng phải là quy định pháp luật không bắt buộc. Còn việc bổ nhiệm này đã được quy định trong một văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn các quy định của trường nên buộc trường phải tuân thủ theo quy định, không thể nào đánh tráo khái niệm được.
"Nếu trường muốn tự chủ đại học thì có thể tự chủ trong việc hoạch định các chiến lược, chính sách… Ví dụ với ngạch viên chức đó trường có thể đặt ra những ưu đãi cao hơn quy định của nhà nước trong điều kiện của trường, còn việc tự bổ nhiệm là không được", bà Quỳ khẳng định.
Cùng quan điểm GS.TS Nguyễn Đông Phong (Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP HCM), Phó chủ tịch Hội đồng giáo giáo sư các khối ngành Kinh tế, cũng cho rằng việc phong hàm ở Việt Nam phải tuân theo quy định pháp luật.
"Không thể nào nói đi theo các nước tiên tiến trên thế giới được. Dù dùng từ bổ nhiệm hay phong hàm thì về chức danh giáo sư, phó giáo sư đã có quy định. Trường làm chức danh riêng là không đúng", giáo sư Phong chia sẻ và cho biết theo Nghị định chính phủ về việc phong học hàm ở Việt Nam phải xét qua 3 cấp, từ các ngành, khoa đề cử, sau đó được cấp trường duyệt rồi trình lên Hội đồng giáo sư Nhà nước quyết định.
Tương tự, một PGS.TS khác cũng cho biết việc phong hàm là do Nhà nước làm, sau đó trường mới bổ nhiệm dựa trên quy định, nhu cầu của trường. Ông này cho rằng, hiện nay rất nhiều đại học trên thế giới thực hiện việc tự phong hàm chức danh theo quy định của trường, như Đại học Harvard của Mỹ. Tuy nhiên, những nước này không có Hội đồng chức danh Nhà nước, trong khi đó ở Việt Nam việc bổ nhiệm có tiêu chuẩn và quy định rất chặt chẽ.
Nhưng đối với những trường đại học trên thế giới, việc tự bổ nhiệm thì chức danh này chỉ được công nhận trong nội bộ trường, còn ở Việt Nam thì nó có giá trị ở tất cả trường.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thủ tục bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư theo quyết định số 174/2008 và quyết định 20 của Thủ tướng về sửa đổi bổ sung một số điều của "Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư".
Theo quy định này, nhà giáo có nguyện vọng được xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư phải đăng ký và nộp hồ sơ tại cơ sở giáo dục đại học đang làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên. Cơ sở giáo dục đại học tập hợp hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư gửi tới Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở để tiến hành thẩm định.
Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước sẽ phân loại hồ sơ và chuyển cho các Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành thẩm định trước khi quyết nghị công nhận.
Trước đó, Đại học Tôn Đức Thắng cho biết đang triển khai thực hiện việc phong giáo sư, phó giáo sư cho cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài nhà trường. Trường đã làm xong bước thứ nhất là ban hành quyết định, bước thứ hai là sẽ xây dựng quy trình, thủ tục và ra thông báo để cán bộ, viên chức trong trường và các nhà khoa học bên ngoài cũng có thể nộp đơn đăng ký bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư.