ĐH Tôn Đức Thắng 'phản pháo' khi bị nói lạm quyền, chống lệnh cấp trên

Trường ĐH Ton Đức Thắng
Trường ĐH Ton Đức Thắng
TPO - Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐ VN) cho rằng lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhất là Hiệu trưởng Lê Vinh Danh nhiều lần phản ứng, không chấp hành quy định của cấp có thẩm quyền, trong đó có Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ngay sau đó, phía Trường ĐH Tôn Đức Thắng có thông tin phản hồi...   

Liên quan đến phản ánh của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) đối với cơ quan chủ quản của mình là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đã có những phản hồi cụ thể với báo Tiền Phong.

Thứ nhất, về vấn đề Trường Đại học Tôn Đức Thắng nói Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam “buộc”, “đòi”  trường nộp 30% chênh lệch thu chi.

Năm 2017, Đoàn Kiểm tra của Tổng LĐLĐVN tiến hành kiểm tra công tác quản lý tài chính, tài sản của nhà trường có kiến nghị: “Tổng LĐLĐ VN hàng năm phê duyệt dự toán thu, chi của Trường và giao nghĩa vụ phải nộp lên Tổng LĐLĐ VN theo quy định”. Theo quy định tại Quy định 1684 năm 2006 của Tổng LĐLĐ VN thì “Đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định”.

Ngoài ra, trong văn bản góp ý của các ban Tổng LĐLĐVN đối với quy chế tổ chức, hoạt động của nhà trường có tiếp tục nêu lại nội dung này, tuy nhiên căn cứ Quyết định 158 ngày 29.1.2015 của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tổng LĐLĐVN đã quyết định không thu của trường. Việc nêu nội dung trên chỉ là kiến nghị của Đoàn Kiểm tra và ý kiến của Ban chuyên môn Tổng LĐLĐVN không phải là chỉ đạo của Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Hằng năm Tổng LĐLĐVN cũng không giao dự toán phải nộp nghĩa vụ cho trường và thực tế đến nay hoàn toàn không thu của trường khoản tiền nào.

Về việc lãnh đạo nhà trường cho rằng Tổng LĐLĐVN yêu cầu Trường nộp 30% chênh lệch thu chi để xây dựng thiết chế công đoàn là thông tin hoàn toàn sai sự thật. Thiết chế công đoàn được thực hiện 2 năm vừa qua lấy từ nguồn tiết kiệm 10% chi hành chính, chi phong trào của cả hệ thống tổ chức công đoàn từ cơ sở đến Tổng LĐLĐ Việt Nam.  

Thứ hai, về việc hỗ trợ tiền, tài sản của Tổng LĐLĐVN đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng tiền thân là Trường ĐH Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng do LĐLĐ TP HCM sáng lập, được thành lập theo Quyết định 787/TTg ngày 24-9-1997 của Thủ tướng Chính phủ; sau đó chuyển thành trường bán công và đổi tên thành Trường ĐH Bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc UBND TP HCM theo Quyết định 18/2003/QĐ-TTg ngày 28-1-2003 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, trường này được chuyển thành trường ĐH công lập trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam theo Quyết định 747/QĐ-TTg ngày 11-6-2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Trường được hình thành từ chủ trương của LĐLĐ TP HCM nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn và của TP HCM trong những năm đầu đổi mới, dù qua nhiều lần thay đổi nhưng toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất với giá trị đầu tư gần 3.000 tỉ đồng và trên 100 ha đất cùng bộ máy, nhân sự kể từ ngày đầu thành lập cho đến nay đều thuộc về tổ chức CĐ.

Theo điều 28 Luật CĐ, về tài sản thì khi Trường ĐH Tôn Đức Thắng chuyển giao về cho Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2008, tại biên bản bàn giao của UBND TP HCM ngày 23-9-2008 xác định đất và tài sản trên đất thuộc sở hữu của Tổng LĐLĐ Việt Nam, gồm: Cơ sở 1 tại địa chỉ 98 Ngô Tất Tố (phường 9, quận Bình Thạnh) có diện tích 2.800 m2; cơ sở 2 có diện tích 90.725 m2 tại phường Tân Phong (quận 7, TP HCM). Về tài sản trên đất nguyên giá theo biên bản bàn giao là hơn 80 tỉ đồng và giá trị còn lại là hơn 51 tỉ đồng. Sau đó Tổng LĐLĐ Việt Nam giao lại cho TDTU.

Ngoài ra, từ năm 2008 đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện cho trường một số cơ sở nhà đất và tài sản trên đất, các khoản cấp, cho vay… Cụ thể: Giao quyền quản lý và sử dụng cơ sở tại 22 Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Phúc, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với diện tích 29.189 m2 và tài sản trên đất. Tài sản này được xác định trị giá mấy trăm tỉ đồng. Tiếp đó là cơ sở tại khóm 6, phường 9, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau có diện tích 21.616 m2 trị giá khoảng 100 tỉ đồng.

Về hỗ trợ tài chính, trường được LĐLĐ TP HCM cấp hơn 8,3 tỉ đồng; được Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng LĐLĐ TP HCM cho vay không tính lãi hơn 187 tỉ đồng đầu tư cơ sở vật chất giai đoạn 2009-2015.

Số tiền, tài sản mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đã hỗ trợ Trường Đại học Tôn Đức Thắng hàng nghìn tỉ đồng bao gồm nhiều hình thức: Cấp, cho vay, giao quản lý, sử dụng và đề nghị cơ quan có thẩm quyền giao đất, chứ không phải duy nhất là hình thức cấp như một số báo nêu. Từ nguồn tài sản này, cùng với sự nỗ lực của thầy và trò nhà trường, đến nay khối tài sản đã gia tăng lên khoảng 3.000 tỉ đồng.

Thứ ba, lãnh đạo trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhất là Hiệu trưởng Lê Vinh Danh nhiều lần phản ứng, không chấp hành quy định của cấp có thẩm quyền, trong đó có Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Hiệu trưởng nhà trường không đồng ý để Kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán nhà trường và Kiểm toán nhà nước phải có công văn gửi Tổng LĐLĐVN;

Không đồng ý cho Đoàn kiểm tra của Tổng LĐLĐVN kiểm tra tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật; sau khi có dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra thì nhà trường tiếp tục phản ứng;

Đoàn giám sát của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiến hành giám sát nhà trường, khi có báo cáo kết quả thì trường phản ứng gửi văn bản tới Chủ tịch Quốc hội với những lời lẽ không đúng mực về Báo cáo của Đoàn.

Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã 5 lần mời Ban Giám hiệu TUTD ra họp bàn về sự phát triển của nhà trường, tuy nhiên đến 31-5-2019, Ban Giám hiệu mới cử 2 hiệu phó nhà trường ra dự họp. Hiệu trưởng nhà trường không tham dự.

Thứ tư, dấu hiệu lạm quyền của Hiệu trưởng. 

Hiệu trưởng nhà trường có dấu hiệu lạm quyền khi triệu tập và chủ trì họp Hội đồng trường bất thường mà không báo cáo, đề nghị với Chủ tịch Hội đồng trường - là Tiến sĩ Bùi Văn Cường, Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Vì lý do đi công tác nước ngoài, Chủ tịch Hội đồng trường đã yêu cầu lùi thời gian tổ chức cuộc họp, tuy nhiên Hiệu trưởng nhà trường vẫn chủ trì cuộc họp và ra các quyết nghị, trong khi quy định tại Điều lệ Trường Đại học thì chỉ có Chủ tịch Hội đồng trường mới có quyền chủ toạ cuộc họp Hội đồng trường.

Trong khi Tổng LĐLĐ Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi, thảo luận một cách dân chủ với nhà trường về những vấn đề nhà trường quan tâm, đề xuất… nhưng đáng tiếc lãnh đạo nhà trường đã sử dụng diễn đàn truyền thông để có những phát ngôn không đúng về Tổng LĐLĐ Việt Nam. Thực tế đã khẳng định, Trường ĐH Tôn Đức Thắng có được như ngày hôm nay chắc chắn có sự lãnh đạo, chỉ đạo khoa học, hiệu quả và tôn trọng quyền tự chủ của cơ quan cấp trên là Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Về Công văn số 655/TLĐ ngày 7-5-2019 gửi Hội đồng trường và Ban giám hiệu về việc chuẩn bị thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học:

Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định nội dung công văn hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, Tổng LĐLĐVN không can thiệp, áp đặt vào công việc nội bộ của nhà trường mà tiếp tục tạo điều kiện tối đa để nhà trường tự chủ.

Về Công văn 831/TLĐ ngày 5-6-2019 gửi Bộ Giáo dục và Đạo tạo về việc xin ý kiến một số nội dung để chuẩn bị triển khai thực hiện Luật giáo dục đại học:

Tổng LĐLĐ Việt Nam có đề nghị xem xét học hàm giáo sư của ông Lê Vinh Danh, vì có ý kiến công dân đề nghị xem xét tính hợp pháp của trường đại học đã công nhận học hàm này.  Tổng LĐLĐVN sẽ tôn trọng và bảo vệ đến cùng Hiệu trưởng Lê Vinh Danh nếu học hàm đó là hợp pháp.

Sáng 11/6, phía Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã phát đi thông báo phản hồi một số thông tin từ phía Tổng LĐLĐ VN. Cụ thể, phía Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, việc TLĐ đưa thông tin rằng Lãnh đạo Nhà trường chống lệnh cơ quan cấp trên là không đúng. Theo đó:

Thứ nhất, về kiểm toán, không phải Trường có văn bản không đồng ý mà là xin đề nghị dời thời gian kiểm tra. Khi có dự thảo kết luận kiểm tra, Nhà trường phản hồi một cách minh bạch, đúng pháp luật và có căn cứ đối với những kết luận kiểm tra chưa chính xác; đối với những kết luận kiểm tra chính xác, Nhà trường nghiêm túc tiếp thu và hoàn thiện (nếu có). Vậy chẳng lẽ, mọi kết luận của đoàn kiểm tra, Nhà trường buộc phải tuân thủ cho dù kết luận đó không phản ánh đúng thực tế hoặc/và không đúng với quy định của Đảng, Nhà nước.

Thứ hai, về lịch làm việc giữa TLĐ với Nhà trường, Tổng liên đoàn có mời 3 lần. Trong đó, lần đầu tiên, Nhà trường đã cử Phó hiệu trưởng và Trưởng Phòng Tổ chức – Hành chính ra làm việc trực tiếp với Lãnh đạo TLĐ để xin hoãn họp vì đang có quá nhiều sự kiện lớn diễn ra tại Trường, Nhà trường chưa thể sắp xếp ngay sau tết nguyên đán. Việc dời đã được Chủ tịch TLĐ đồng ý. Thư mời lần 2 mời trùng lịch họp hội đồng trường (đã gửi thư mời và báo TLĐ trước khi TLĐ mời). Ngay sau đó, Nhà trường đã cử lãnh đạo Trường ra dự họp theo yêu cầu của Tổng liên đoàn.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.