Theo báo cáo, từ khóa QH.2010, ĐH Quốc Gia HN (ĐHQGHN) đã áp dụng chuẩn đầu ra năng lực ngoại ngữ như một điều kiện bắt buộc trước khi tốt nghiệp.
Hiện nay, ĐHQGHN đang tổ chức đào tạo 3 loại chương trình đào tạo chính: chương trình đào tạo chuẩn; chương trình đào tạo chất lượng cao; chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế. Mỗi loại chương trình đào tạo trên có những yêu cầu khác nhau về chuẩn đầu ra tiếng Anh đối với sinh viên, do đó, số lượng tín chỉ và nội dung giảng dạy các học phần tiếng Anh của các loại chương trình này cũng khác nhau.
Đối với tiếng Anh, sinh viên tham gia bài thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung Năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (Vietnamese Standarized Test of English Proficiency – VSTEP) để xác định chuẩn đầu ta B1, B2, C1. Các ngoại ngữ khác, sau khi hoàn thành học phần ngoại ngữ cơ sở 3, 4, sinh viên tham gia bài thi xác định chuẩn đầu ra do Trường ĐH Ngoại ngữ tổ chức.
Hàng năm, ĐHQGHN tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ dành cho sinh viên trong toàn ĐHQGHN. Thông thường, kỳ thi được tổ chức 6 lần/năm học.
Kết quả bài thi xác định trình độ thí sinh từ bậc A1 đến C2. Thí sinh sử dụng kết quả này để xét miễn học và ghi điểm tối đa cho những học phần ngoại ngữ chưa tích lũy (trước 2015), đồng thời để xác định chuẩn đầu ra.
Bài thi ĐGNL ngoại ngữ tạo cơ hội cho những sinh viên có trình độ tiếng Anh tổ có thể rút ngắn thời gian học tiếng Anh, tập trung cho các môn chuyên ngành khác. Kỳ thi cũng giúp những sinh viên đã đạt điểm học phần những chưa đạt chuẩn đầu ra có nhiều cơ hội thử sức để xác định lại chuẩn đầu ra về ngoại ngữu trước khi hoàn thành chương trình học.
Ngoài ra, sinh viên cũng có thể xác định chuẩn đầu ta năng lực ngoại ngữ bằng việc tham gia các kỳ thi đánh giá trình độ ngoại ngữ của các tổ chức khảo thí quốc tế và đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương với chuẩn ngoại ngữ được áp dụng ở ĐHQGHN.
Báo cáo của Trường ĐH Ngoại ngữ cũng nêu đề xuất mô hình giảng dạy ngoại ngữ không chuyên đáp ứng chuẩn đầu ra như phối hợp với các tổ chức quốc tế để tổ chức thi xác định chuẩn đầu ra cho người học; nâng số tín chỉ ngoại ngữ cơ sở và trong chương trình đào tạo hoặc đưa chương trình ngoại ngữ tăng cường vào giảng dạy; áp dụng cơ chế xác định chuẩn đầu vào năng lực ngoại ngữ, sinh viên cần đạt năng lực tương đương A2 mới vào học chương trình ngoại ngữ cơ sở.
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết bên cạnh thực hiện sứ mệnhđ ào tạo nguồn nhân lực ngoại ngữ chất lượng cao từ bậc cử nhân cho đến tiến sĩ, xây dựng chương trình và tổ chức các khoá bồi dưỡng cán bộ ngoại ngữ chủ chốt và giáo viên ngoại ngữ phổ thông trong toàn quốc, nâng cao trình độ ngoại ngữ của xã hội, ĐHQGHN mà cụ thể là Trường ĐH Ngoại ngữ đã tham gia tư vấn hoạch định chiến lược về giảng dạy ngoại ngữ, biên soạn chương trình đào tạo các ngành ngoại ngữ và đặc biệt đóng góp vai trò nòng cột trong việc thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020.
“ĐHQGHN luôn coi đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình hướngtới đạt chuẩn quốc tế”- Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh.
Giám đốc Nguyễn Kim Sơn khẳng định việc đặt chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ đối với người học là chủ trương đúng đắn và yêu cầu khâu kiểm tra đánh giá chuẩn đầu ra cần được thực hiện công khai, minh bạch, đánh giá đúng năng lực ngoại ngữ của người học.
Giám đốc Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo, cần tăng cường giám sát, kiểm tra phương pháp giảng dạy, chất lượng đội ngũ cán bộ, cách thức tổ chức giảng dạy ngoại ngữ; áp dụng chuẩn đầu vào bằng bài thi chuẩn hóa, có cấp chứng chỉ với hiệu lực trong suốt quá trình đào tạo.